Nếu cầu toàn, sẽ không có sức bật!
“Việt Nam cần có đột phá mới để có tăng trưởng cao hơn… Bây giờ không phải là lúc học hỏi mà phải mạnh dạn, bởi nếu cầu toàn có thể an toàn, không bị tình huống xấu nhưng đồng nghĩa không có sức bật lớn” - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Anh Dương nêu ý kiến tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019 - 2020: Vận hội mới - yêu cầu mới”, diễn ra sáng 17/1.
Rủi ro, thách thức còn khá lớn
Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2018, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương phân tích, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ở mức cao, với 7,08% - cao nhất trong 10 năm qua. Điều này càng có ý nghĩa khi hồi đầu năm đã dấy lên lo ngại tăng trưởng sẽ giảm dần qua các quý, song thực tế không diễn ra như dự đoán. Mặc dù vậy, ông tỏ ý băn khoăn khi cho rằng, “vẫn chưa có gì bảo đảm mức tăng này tương đối bền vững, có thể chỉ là nhất thời hoặc còn tùy thuộc vào động lực tăng trưởng năm tiếp theo”.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu của CIEM cũng chỉ rõ, lạm phát trong năm vẫn tương đối ổn định, dù có lo ngại về khả năng không đạt chỉ tiêu sau tháng 8 nhưng kết thúc cả năm vẫn ở mức 3,54%; không chịu áp lực tiền tệ dù lạm phát cơ bản có nhích lên trong quý III. Diễn biến tỷ giá VNĐ/USD đã ổn định hơn trong qúy IV so với quý III, cán cân thương mại thặng dư ở mức kỷ lục, thâm hụt ngân sách nhà nước ổn định…
Cũng theo CIEM, hoạt động của doanh nghiệp trong quý IV có sự cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,81%, tổng số vốn đăng ký tăng tới 63,68%. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết và cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh là minh chứng cho cải thiện sức khỏe của khu vực doanh nghiệp…
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế năm 2019, theo CIEM, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,93%; lạm phát bình quân ở mức 3,88%; tăng trưởng xuất khẩu khoảng 8,79%; cán cân thương mại đạt 2,04 tỷ USD.
Tuy nhiên, rủi ro, thách thức vẫn còn khá lớn. Theo đó, “mục tiêu thu ngân sách nhà nước năm nay vẫn có thể đạt, song có thực sự cần thiết không? Nếu không giải ngân hết vốn từ ngân sách nhà nước thì có nên linh hoạt hơn trong thu ngân sách?”, ông Dương đặt vấn đề.
Cũng theo vị chuyên gia này, ở góc độ khác, nếu đặt vấn đề tăng thu ngân sách nhà nước đồng nghĩa tự làm khó mình ở chỗ phải tìm nguồn để tăng thu, trong khi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cho là hưởng lợi nhiều nhưng chưa đóng góp tương xứng. Nhưng nếu tìm cách thu từ doanh nghiệp FDI có thể lại chỉ gây chi phí cho khu vực doanh nghiệp trong nước, như quy định áp trần chi phí lãi vay.
Mặt khác, chiến tranh thương mại vẫn còn khó lường khi Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận ngừng chiến trong 90 ngày, dù phía Mỹ tỏ ra lạc quan khi Trung Quốc đã nhượng bộ, song liệu có phải chỉ cần từ một phía? Thêm nữa, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn lớn, trên 344 tỷ USD trong 10 tháng năm 2018; nhiều vấn đề căn bản giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ngoài ra, thách thức trong quản lý dòng vốn khi đón đầu dòng vốn FDI chạy khỏi Trung Quốc cũng là một vấn đề. Thực tế cho thấy không phải cứ nhiều là tốt bởi bài học giai đoạn 2007 - 2008 cho thấy dù vốn nhiều nhưng năng lực hấp thụ của chúng ta không hết…
Hỗ trợ thay vì lựa chọn “người thắng cuộc”
Theo các chuyên gia, trong năm 2019, để có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế (môi trường kinh doanh), cạnh tranh, đổi mới sáng tạo… - yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng trong dài hạn. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới không phải là động lực chính, mà phải là động lực tự thân.
Đồng thời, cần cải cách theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Việc vận động các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vẫn cần tiếp tục, nhưng quan trọng hơn, cần tạo môi trường thể chế thực sự có lợi cho doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả lớn hơn.
Song song với đó, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên quan trọng, nhưng rủi ro suy giảm kinh tế toàn cầu đòi hỏi linh hoạt; hài hòa lạm phát với lộ trình điều chỉnh giá (tránh ép hành chính). Chính sách tài khóa cần hướng nhiều hơn tới giảm chi phí cho doanh nghiệp chứ không chỉ là kết hợp tăng thu và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, cần lấy thương mại điện tử là lĩnh vực trọng tâm cho phát triển; đồng thời cải thiện vị thế quốc gia. Ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh, “Việt Nam cần có đột phá mới để có tăng trưởng cao hơn. Muốn vậy, cần mạnh dạn từ bỏ cách nghĩ truyền thống, cách làm chờ nước khác chia sẻ kinh nghiệm, mà phải tự xây dựng công thức đột phá cho riêng mình. Bây giờ không phải là lúc Việt Nam cần học hỏi mà phải mạnh dạn, bởi nếu cầu toàn có thể an toàn, không bị tình huống xấu nhưng đồng nghĩa không có sức bật lớn”.
Cho rằng động lực tăng trưởng năm 2019 đầu tiên phải là ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp đến là phải cải thiện môi trường kinh doanh, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung kiến nghị: “Năm ngoái, chúng ta cắt bỏ 10% và đơn giản hóa 40% điều kiện kinh doanh nhưng vẫn còn mờ lắm. Do đó, cần có cách thức nào khác để việc đơn giản hóa khi triển khai trên thực tế phải khiến cộng đồng doanh nghiệp thực sự hưởng lợi”. Theo ông, “muốn cải cách thực chất cần mở đường hơn, áp lực hơn, hướng dẫn hơn, áp lực với cả các bộ”.
Riêng với khu vực tư nhân - động lực quan trọng của tăng trưởng, cần có hình thức “hỗ trợ người thắng cuộc” là một nhóm doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có khả năng cạnh tranh bằng thể chế. Tức là phải xem họ có khó khăn, vướng mắc gì thì phải có chính sách tháo gỡ, thay vì hình thức “lựa chọn người thắng cuộc” như cấp vốn cho doanh nghiệp nhà nước trước đây. Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần có những thay đổi về quy chế, luật lệ để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động thực sự là cơ quan đại diện chủ sở hữu của Nhà nước.
Tóm lại, theo Viện trưởng CIEM, việc tìm kiếm động lực cho tăng trưởng nên tiến hành ở ngay nội địa nền kinh tế vốn có nhiều chỗ có thể khơi thông, tạo động lực cho phát triển thay vì tìm kiếm từ bên ngoài. Đồng thời, ông khuyến nghị, “chúng ta hay bàn nhiều đến rủi ro từ bên ngoài. Điều này cũng tốt để tìm cách ứng phó, nhưng hãy bàn đến vấn đề của bên trong, bên trong phải đi trước”.