Lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ và những Thách thức cho nhà quản lý
Thời gian gần đây, các hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ như Uber, Grab hay Airbnb đã mang tới cho nền kinh tế Việt Nam một luồng gió mới. Mô hình kinh doanh này nhận được sự quan tâm và tham gia của đa số người dân. Tuy nhiên, sự nở rộ nhanh chóng của mô hình kinh tế này đã và đang gây ra không ít quan ngại cho các nhà quản lý và đặt ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống ở Việt Nam. Thông qua nhận diện những thách thức của việc phát triển quá nhanh mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, bài viết đề xuất một số khuyến nghị về chính sách nhằm giúp quản lý hiệu quả mô hình kinh tế này trong thời gian tới.
Bản chất của kinh tế chia sẻ trong kỷ nguyên số
Kinh tế chia sẻ (KTCS) có nhiều tên gọi và khái niệm khác như kinh tế cộng tác, kinh tế theo cầu, kinh tế nền tảng, kinh tế truy cập, kinh tế dựa trên các ứng dụng di động… tựu chung KTCS là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ internet (Từ điển Oxford). Ở những góc nhìn khác, KTCS cũng có thể được định nghĩa với các hình thức tương tự như:
- Kinh tế cộng tác: Tập trung vào các hình thức hợp tác tiêu dùng, sản xuất, tài chính và học tập.
- Kinh tế theo cầu: Tập trung vào việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ theo nhu cầu.
- Kinh tế của những người làm tự do: Tập trung vào việc tham gia của lực lượng lao động và tạo thu nhập của những người làm tự do hoặc những người tự làm.
- Kinh tế ngang hàng: Tập trung vào các mạng lưới ngang hàng trong việc tạo ra các sản phẩm, cung cấp dịch vụ, tài trợ và các hoạt động khác.
- Kinh tế truy cập: Tập trung vào “truy cập quyền sở hữu”...
Tựu chung, bản chất của mô hình KTCS là một mô hình kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số, giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.
Hiện nay có rất nhiều mô hình kinh doanh của KTCS đã xuất hiện và đang hoạt động trên thế giới. Nổi lên là 5 nhóm ngành nghề sau:
Một là, dịch vụ vận tải: Dịch vụ vận tải trực tuyến với dịch vụ chia sẻ đi xe như: Uber, Grab, Lyft, Zipcar… Các dịch vụ này cạnh tranh với taxi truyền thống, cho phép người tiêu dùng kết nối với một lái xe được kiểm chứng gần đó, có thể là lái xe toàn thời gian hoặc bán thời gian, với việc người lái xe xác nhận muốn nhận dịch vụ tới một điểm đến và giá do dịch vụ đặt ra.
Hai là, dịch vụ du lịch và khách sạn: Điển hình là dịch vụ chia sẻ phòng ở như Airbnb hay VRBO. Thông tin về người cung cấp phòng ở, về các đặc tính của phòng ở, giá cả… được cung cấp cho khách hàng trước khi quyết định thuê phòng. Vì vậy, mặc dù giữa khách hàng và chủ nhà cho thuê đều thỏa mãn dịch vụ nhưng nó cũng đặt ra mối đe dọa với ngành Khách sạn và thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết lập tốt hơn các quy định đối với loại hình kinh doanh mới này bình đẳng với dịch vụ của ngành Khách sạn về an toàn, phòng cháy chữa cháy, nghĩa vụ thuế…
Ba là, dịch vụ bán lẻ: Một loạt các dịch vụ bán lẻ trực tuyến cho phép các nhà sản xuất và phân phối bán lẻ có thể tiếp cận một số lượng lớn người tiêu dùng đối với các sản phẩm bán lẻ. Các sàn giao dịch như Etsy, eBay, Craigslist... cho phép người bán kết nối trực tiếp người mua với một khối lượng chưa từng có trước đây. Thực tế hiện nay, các dịch vụ thương mại trực tuyến đã phát triển khá nhanh chóng trong những năm gần đây đang tạo ra mức độ cạnh tranh lớn với phương thức bán lẻ truyền thống. Nó cũng đặt ra những áp lực đối với các nhà quản lý trong việc xác định mức/ngưỡng phân biệt hoạt động là kinh doanh hay làm theo sở thích.
Bốn là, dịch vụ lao động, việc làm: Với nhóm dịch vụ này, có thể bán các dịch vụ cá nhân và lao động của riêng họ trực tiếp cho người tiêu dùng. Ví dụ “Homejoy and Handy” là một sàn giao dịch về dịch vụ dọn nhà và các công việc vặt trong nhà, trong khi TaskRabbit hay Upwork cung cấp việc làm trực tuyến, mọi ngành nghề cho những người làm việc tự do, Triip.me là một nền tảng du lịch kết nối du khách với người dân địa phương trên toàn thế giới.
Năm là, dịch vụ tài chính: KTCS đã xuất hiện trong lĩnh vực dịch vụ tài chính thông qua các nền tảng như Kickstarter hay Indiegogo. Bằng việc tập trung vốn từ rất nhiều nguồn khác nhau, các nền tảng này đã giúp tài trợ cho nhiều dự án khởi nghiệp hoặc sáng tạo mà không cần dựa vào hệ thống ngân hàng hay các nhà đầu tư “mạnh thường quân” tài chính. Các quỹ cho vay như: Lending Club, Prosper, Zopa và Funding Circle trên thị trường cũng giúp kết nối các nhà đầu tư trực tiếp với doanh nghiệp hay cá nhân có nhu cầu vay. Dịch vụ tài chính trong KTCS cho phép các doanh nghiệp nhỏ có thể tìm được các nguồn tài chính mà trước đây họ rất khó có thể tiếp cận từ hệ thống tài chính truyền thống.
Ngoài 5 nhóm dịch vụ nói trên, trong tương lai có thể hình thành thêm rất nhiều ngành nghề, hoặc nhóm ngành nghề hoặc dịch vụ khác phát triển theo mô hình KTCS.
Sự phát triển và lợi ích của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
Mặc dù, mới phát triển tại Việt Nam trong một thời gian ngắn, song mô hình KTCS đã phát triển mạnh mẽ và đang phổ biến rộng rãi trong xã hội. Cụ thể:
Một là, KTCS có tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở Việt Nam: Tại Hà Nội, một báo cáo của các nhà tư vấn độc lập đã chỉ ra rằng, tính đến 20/12/2017, Grab có 11.474 xe tham gia thí điểm trên địa bàn, chiếm 90,67% số lượng xe được cấp phép hoạt động trên địa bàn toàn Thành phố.
Đối với dịch vụ cho thuê phòng ở, cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào ở Việt Nam có thống kê chính xác về số lượng đơn vị tham gia mô hình này. Tuy nhiên, theo tính toán của Grant Thornton, đến tháng 6/2017, có khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam và có khoảng 80% số lượng khách đặt phòng là người nước ngoài tại Việt Nam (Như Bình, 2018).
Hai là, KTCS ngày càng được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi: KTCS cung cấp các nguồn lực trong nước đến người có nhu cầu một cách nhanh chóng thông qua công nghệ, hay nói cách khác là tận dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội; tận dụng hiệu quả về cả thời gian và tiết kiệm chi phí. Nhờ sự thuận tiện cho người sử dụng mà các mô hình KTCS ngày càng được người tiêu dùng đón nhận.
Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu Nielsen đối với người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á công bố mới đây cho thấy: Ở Việt Nam chỉ có 18% người được hỏi từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình, thấp hơn 14 điểm phần trăm so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới. Trong khi đó, số người được hỏi sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ tại Việt Nam lên tới 76%, cao hơn mức bình quân 66% của toàn cầu. Bên cạnh đó, đối với dịch vụ vận tải trực tuyến, theo báo cáo 5 năm kể từ khi thành lập của Grab thì ứng dụng kinh tế chia sẻ này đã giúp khách hàng tiết kiệm rất nhiều thời gian dành cho việc di chuyển, (Grab giúp giảm 1/2 thời gian di chuyển - Grab 2017). Ngoài tiết kiệm thời gian, Grab còn giúp khách hàng giảm 20 – 30% chi phí đi lại, giảm 40% những lỗi giấy tờ khi quyết toán chi phí đi lại, minh bạch thông tin cho người dùng (Grab, 2017).
Theo báo cáo 5 năm kể từ khi thành lập của Grab, ứng dụng kinh tế chia sẻ này đã giúp khách hàng tiết kiệm thời gian cho việc di chuyển. Ngoài tiết kiệm thời gian, còn giúp khách hàng giảm 20 – 30% chi phí đi lại, giảm 40% những lỗi giấy tờ khi quyết toán chi phí đi lại, minh bạch thông tin cho người dùng (Grab, 2017).
Ba là, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh sáng tạo trong kinh doanh: Trong lĩnh vực vận tải, đến nay, không chỉ có Grab và Uber mà đã có khoảng 10 hãng taxi khác tham gia cung cấp ứng dụng đặt xe qua mạng, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh tham gia. Không chỉ có thế, Hiệp hội taxi Hà Nội vừa đưa ra đề xuất xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng. Đây là môi trường nền tảng dùng chung cho tất cả hãng taxi là tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bốn là, tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng liên tục tài sản trong toàn bộ vòng đời của nó: Đây là lợi ích lớn nhất của KTCS. Trong thực tế, xe ô tô cá nhân được dùng cho việc cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ của Uber, Grab, Lyft… đã giúp tiết kiệm tài nguyên của tài sản. Một ví dụ khác, dịch vụ cho thuê thiết bị nông nghiệp của nền tảng Trringo do công ty ô tô Mahindra & Mahindra ở Ấn Độ đã cho phép nông dân thuê được thiết bị, máy móc nông nghiệp bằng cách gọi điện, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của vùng nông thôn. Chỉ khoảng 15% trong số 120 triệu nông dân Ấn Độ có khả năng chi trả để sở hữu thiết bị cơ khí nông nghiệp. Vì vậy, nền tảng này đã cho phép những nông dân khác có thể sử dụng được máy móc nông nghiệp với chi phí thấp hơn nhiều (Wallenstein J. và Shelat U., 2017). Đồng thời với việc tiết kiệm trong sử dụng tài sản, máy móc, thiết bị, tiết kiệm tài nguyên… các hoạt động KTCS cũng có tác động tích cực tới môi trường thông qua giảm phát thải khí nhà kính, giảm khối lượng các chất thải ra môi trường.
Sáu là, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng: KTCS ngày càng phát triển, việc sử dụng và phân tích dữ liệu lớn của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả chính là “cầu” quan trọng cho ngành công nghệ thông tin phát triển…
Thách thức đối với các nhà quản lý
Sự phát triển của KTCS cũng làm nảy sinh những rủi ro mới trong nền kinh tế, đặt ra không ít thách thức đối với các nhà quản lý ở nhiều cấp độ khác nhau, từ hoạch định chính sách tới quản trị doanh nghiệp. Điển hình, những thách thức nổi lên hiện nay là:
(i) KTCS làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường: Do sự xuất hiện của bên thứ ba là nền tảng, quan hệ hợp đồng kinh tế trong KTCS có ít nhất là quan hệ 3 bên thay vì quan hệ 2 bên như trong các hợp đồng kinh tế trước đây. Khung khổ pháp lý quy định trách nhiệm của từng bên trong mối quan hệ hợp đồng này cần được thay đổi và bổ sung. Đây là một trong những lý do mà các nước trên thế giới (ngay cả các nước phát triển) cần nghiên cứu và có sự điều chỉnh về nền tảng pháp luật, đáp ứng nhu cầu của bối cảnh phát triển hiện nay;
(ii) Tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ). Mặc dù, các bên có thông tin về nhau đầy đủ hơn, nhưng việc kiểm chứng các thông tin và tiếp xúc trực tiếp với nhau lại ít hơn nên cũng tiềm ẩn rủi ro lớn hơn nếu như không được khắc phục bằng những quy định cụ thể và hiệu quả. Vấn đề bảo hiểm, an toàn cho các bên bao gồm cả người cung cấp dịch vụ và người dùng/người sử dụng dịch vụ hay khách hàng cũng đặt ra gay gắt hơn;
(iii) Thách thức về đảm bảo cạnh tranh công bằng: Xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS và doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống sẽ xảy ra. Hầu hết xung đột này là gay gắt nếu như không có những chính sách tốt của chính quyền với vai trò “trọng tài” giải quyết. Khi chưa có các chính sách đồng bộ, vấn đề cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp truyền thống là một rủi ro lớn cần giải quyết;
(iv) Vấn đề thu thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia... cũng là những vấn đề cơ bản. Những tranh cãi về nghĩa vụ thuế của các nền tảng xảy ra ở nhiều quốc gia, đặc biệt là vấn đề thu thuế của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia về tránh đánh thuế hai lần… vẫn luôn luôn xảy ra và không có một hình mẫu chung cho việc giải quyết các vấn đề này.
Một số khuyến nghị về chính sách
Để đối phó với những thách thức mà mô hình KTCS đặt ra, một số quan điểm và khuyến nghị chính sách được đề xuất như sau:
Thứ nhất, cần có nhận thức về sự phát triển tất yếu của KTCS, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện đại và có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế. Vì vậy, cần ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh doanh này trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới. Bên cạnh đó, cần có quan điểm khuyến khích tất cả các hình thức KTCS có lợi cho người tiêu dùng, cho nền kinh tế mà không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, tạo động lực cho các công ty công nghệ trong nước phát triển, tận dụng được những lợi thế của KTCS.
Thứ hai, KTCS là một mô hình kinh doanh mới nhưng không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng rẽ trong nền kinh tế. Vì vậy, không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh này.
Thứ ba, cần tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các hoạt động KTCS và kinh tế truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, để phát huy được lợi ích của KTCS, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy mô hình này theo hướng nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống (áp dụng chung cho cả khu vực truyền thống và khu vực KTCS); Quy định quản lý phải theo hướng hạ thấp các rào cản về gia nhập thị trường, rào cản đối với các starts-ups… để tăng tính cạnh tranh.
Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng yêu cầu quản lý và khuyến khích sự phát triển của các mô hình KTCS.
Thứ năm, Nhà nước cần đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra và đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng, đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng được thực hiện tốt trong bối cảnh các hoạt động KTCS tăng lên nhanh chóng. Mặt khác, cần thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ (trong đó có dịch vụ internet), về thương mại điện tử nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt trên nền tảng công nghệ số.
Thứ sáu, nâng cao nhận thức của các bên trong nền KTCS, bao gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Xây dựng niềm tin thông qua một mô hình cho phép các giao dịch trên môi trường mạng để thu được những lợi ích của việc chia sẻ và việc xếp hạng đánh giá ngang hàng, xác thực và trách nhiệm của bên thứ ba. Khuyến khích hình thành và phát triển các hình thức bảo hiểm trong KTCS, qua đó thiết lập và củng cố niềm tin giữa người dùng và nền tảng cũng như giữa những người dùng với nhau.
Tài liệu tham khảo:
- Như Bình, 2017, Dịch vụ 'chia sẻ phòng' Airbnb lấy khách của khách sạn,
Báo Tuổi trẻ; - Cafebiz, 2017, Số lượng xe Uber và Grab chạm mức 50.000 chiếc, gần gấp đôi taxi tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh;
- Nielsen, 2014, Người tiêu dùng Đông Nam Á sẵn sàng với mô hình kinh doanh chia sẻ;
- Grab, 2017, Đưa Đông Nam Á tiến về phía trước. Grab;
- Judith Wallenstein and Urvesh Shelat, 2017, Hoping aboard the sharing economy. The Boston Consulting Group;
- PricewaterhouseCoopers, 2015, The Sharing Economy. PricewaterhouseCoopers: United State;
- Airbnb, 2018, What legal and regulatory issues should I consider before hosting on Airbnb.