Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành


Nội dung của kiểm toán hoạt động chi tiêu từ ngân sách nhà nước có nhiều đặc điểm riêng và khó xác định cụ thể hơn so với kiểm toán báo cáo tài chính, vì vậy, nội dung kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành cần được coi trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên cơ sở tổng quan về nội dung kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành trong bối cảnh hiện nay.

Nội dung kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành

Qua nghiên cứu thực trạng nội dung kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành, có thể đánh giá những ưu điểm trong thực hiện nội dung kiểm toán, bao gồm: Nội dung kiểm toán trên thực tế cơ bản bao quát quá trình quản lý và điều hành ngân sách của các bộ, ngành trong tất cả các khâu như: Lập dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán chi ngân sách. Kiểm toán đã hướng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong quản lý, điều hành hoạt động chi tiêu của các bộ, ngành gắn với lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng được giao.

Nội dung kiểm toán đánh giá được sự hợp lý trong các chỉ tiêu dự toán chi, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý chi tiêu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Mức độ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chi theo mục tiêu hoạt động của các bộ, ngành. Sự hợp lý trong xây dựng các định mức, tiêu chuẩn chi, trừ các tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định. Hậu quả kinh tế của những trường hợp thực hiện không đúng kế hoạch, định mức, tiêu chuẩn.

Bên cạnh những ưu điểm, một số hạn chế trong thực hiện nội dung kiểm toán gồm: Nghiên cứu thực tế kiểm toán cho thấy, nội dung kiểm toán còn chưa có sự liên hệ nhiều với việc đạt được các mục tiêu kiểm toán như: Tiết kiệm chi phí, đáp ứng định mức đề ra… Việc kiểm toán các nội dung vẫn theo hướng nội dung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, chưa hướng vào mô hình “đầu vào - đầu ra” của hoạt động chi tiêu từ nguồn vốn NSNN.

Nhiều nội dung kiểm toán chỉ mới tập trung đánh giá tính tuân thủ dự toán, định mức về ngân sách mà không xem xét đến mối quan hệ giữa kết quả đầu ra, đầu vào; cũng chưa đánh giá được sự ảnh hưởng của các nguồn lực khác đến chi tiêu từ nguồn vốn NSNN tại các bộ, ngành như: Nhân lực, Luật Ngân sách Nhà nước, thông tin liên quan…

Nội dung đánh giá hiệu lực kiểm soát nội bộ liên quan đến hoạt động chi còn chưa đánh giá năng lực quản trị nội bộ của các bộ, ngành; trách nhiệm kinh tế của từng cá nhân, bộ phận có liên quan… vì vậy, các cán bộ, công chức chưa thật sự phát huy hết năng lực và làm hạn chế trách nhiệm giải trình - vấn đề bất cứ cuộc kiểm toán hoạt động nào cũng hướng đến.

Hoàn thiện nội dung kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành

Nội dung kiểm toán trong kiểm toán hoạt động chi tiêu từ nguồn vốn NSNN thời gian tới cần bám sát theo mục tiêu kiểm toán, tiêu chí kiểm toán và sơ đồ hoạt động chi tiêu từ nguồn vốn NSNN. Như vậy, nội dung kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành mới được hoàn thiện. Theo đó những vấn đề trong nội dung kiểm toán hoạt động cần hoàn thiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện nội dung kiểm toán yếu tố đầu vào: Nguồn chi ngân sách giành cho các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được kiểm toán thực hiện thông qua việc đánh giá các mục tiêu chính sách chi tiêu, kết quả của từng hoạt động như: Thực hiện chi thường xuyên (kinh phí hành chính, chi sự nghiệp, chi giáo dục đào tạo…), các nguồn lực đầu tư cho các dự án của các bộ, ngành theo từng giai đoạn (lập, phân bổ dự toán và quyết toán ngân sách…).

Nội dung kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách cũng cần thu thập các cơ chế phân bổ NSNN dành cho các bộ, ngành; Việc phân bổ NSNN ngoài việc dựa vào chức năng nhiệm vụ của bộ, ngành còn cần dựa trên kết quả hoạt động ngân sách năm trước, năm kiểm toán và các chỉ tiêu đầu ra.

Kiểm toán việc ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính liên quan đến ngân sách, định mức chỉ tiêu nhằm tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả chi, đảm bảo chi đúng đối tượng, khoản mục chi… tại các bộ, ngành; Triển khai chính sách quy trình dự toán ngân sách tại bộ, ngành cũng như triển khai thực hiện dự toán chi theo mục chi, khoản chi.

Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành - Ảnh 1

Ví dụ, đối với nội dung kiểm toán “chi ngân sách đầu tư dịch vụ y tế của Bộ Y tế”, các yếu tố đầu vào bao gồm: Kiểm toán đánh giá mục tiêu y tế quốc gia; Kiểm toán tài chính đầu tư cho y tế; Kiểm toán đánh giá về mục tiêu và kết quả thực hiện các mục tiêu của kế hoạch y tế theo từng giai đoạn; Kiểm toán hoạt động chi NSNN cho y tế, nguồn lực đầu tư cho dự án; Kiểm toán hoạt động về chế độ chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế; Kiểm toán cơ chế phân bổ ngân sách, cơ chế phân bổ ngân sách theo kết quả hoạt động và chỉ tiêu đầu ra; Kiểm toán phân tích đánh giá chính sách kiểm soát chi phí y tế, việc đổi mới cơ chế tài chính bệnh viện; Kiểm toán đánh giá chi chính sách dược, vacxin, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế; Thu thập các văn bản liên quan đến ngành Dược; Kiểm toán hoạt động quản lý giá thuốc; Đánh giá hoạt động kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý; Phân tích đánh giá cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế thông qua đó đánh giá chiến lược, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng…

Thứ hai, hoàn thiện nội dung đánh giá hoạt động chi tiêu từ NSNN theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành:

- Về nội dung kiểm toán hoạt động chi thường xuyên của ngân sách bộ, ngành: Kiểm toán việc lập dự toán chi thường xuyên, để xem xét đối chiếu các tài liệu làm căn cứ xây dựng dự toán so với chế độ quy định, từ đó đánh giá việc xây dựng dự toán có đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức quy định của Nhà nước dựa trên mục tiêu kiểm toán và tiêu chí đánh giá tính kinh tế. Công tác hướng dẫn kiểm tra việc xây dựng dự toán. Dự toán có được tập hợp trên cơ sở dự toán của các đơn vị dự toán?...

Kiểm toán việc chấp hành NSNN, để xác định việc phân bổ và thực hiện dự toán có phù hợp với dự toán cấp trên giao không? Trên cơ sở đó xác định nguyên nhân những khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt dự toán; kiểm tra việc quản lý và cấp phát ngân sách nhằm đánh giá việc cấp phát có phù hợp với luật định hay không (như: tiến độ cấp phát ngân sách, hình thức cấp phát, điều kiện cấp phát); kiểm tra các căn cứ trích lập và việc sử dụng các quỹ đơn vị để đánh giá việc tuân thủ pháp luật của hoạt động này.

Kiểm tra việc chấp hành công tác kế toán và quyết toán NSNN, để đánh giá việc chấp hành công tác khóa sổ cuối năm của các cơ quan đơn vị, việc tuân thủ mẫu biểu và thời gian lập báo cáo quyết toán theo quy định của Luật NSNN và các chế độ tài chính hiện hành.

Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành - Ảnh 2

- Về nội dung kiểm toán chi đầu tư phát triển của ngân sách của các bộ, ngành bao gồm:

- Kiểm toán công tác điều hành ngân sách vốn đầu tư, tính trung thực, hợp pháp của số liệu quyết toán chi đầu tư phát triển trong báo cáo quyết toán ngân sách;

- Kiểm toán tình hình thực hiện kế hoạch từ khâu cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong năm ngân sách;

- Kiểm toán công tác thẩm tra, phê duyệt đầu tư, phê duyệt thiết kế , phê duyệt tổng mưc đầu tư.

- Kiểm toán tính đúng đắn, trung thực của số liệu, tình hình chấp hành trình tự thủ tục quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và các quy định khác.

Thứ ba, hoàn thiện nội dung kiểm toán đánh giá hiệu lực quản trị hoạt động chi tiêu ngân sách tại các bộ, ngành theo hướng sau:

- Kiểm toán đánh giá xác định những vấn đề chi cần ưu tiên và kiến nghị giải pháp cải thiện hiệu quả chi tiêu thông qua việc các bộ, ngành và các cơ quan trực thuộc bộ, ngành cung cấp thực trạng thực hiện quản trị tài chính của đơn vị. Kiểm toán đánh giá năng lực xây dựng chính sách chi tiêu, đánh giá các nhiệm vụ liên quan đến khâu tổ chức thực hiện chi ngân sách; đánh giá những nỗ lực để tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động chi tiêu, nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành về chi ngân sách.

Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động chi tiêu ngân sách của các bộ, ngành - Ảnh 3

- Kiểm toán hoạt động tổ chức, thiết lập cơ chế giám sát chi tiêu ngân sách tại các bộ, ngành; chế độ thông tin, báo cáo; phân công, phân cấp trách nhiệm trong quản lý chi tại các đơn vị dự toán cấp dưới; xây dựng cơ chế phối hợp giữa văn phòng Bộ với các cục, vụ chức năng… nhằm giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, tại các đơn vị dự toán cấp dưới;

- Kiểm toán hoạt động triển khai giám sát chi tiêu từ nguồn vốn NSNN; lập kế hoạch giám sát; việc thực hiện kế hoạch giám sát; tổng hợp báo cáo; tính phù hợp và độ tin cậy của các thông tin tài chính và phi tài chính liên quan đến hoạt động chi của các bộ, ngành;

- Kiểm toán hoạt động đánh giá hiệu quả hoạt động chi tiêu từ nguồn vốn NSNN; việc thiết lập các chỉ tiêu đánh giá cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành; hoạt động tổng hợp, phân tích đánh giá chỉ tiêu; tác động của tính tuân thủ đến mục tiêu chi ngân sách;

- Kiểm toán hoạt động công khai thông tin chi ngân sách của các bộ, ngành; các đơn vị dự toán trực thuộc; cơ chế công khai thông tin; nội dung công khai; thời gian công khai…

Tóm lại, mục tiêu cuối cùng của kiểm toán hoạt động chi tiêu NSNN tại các bộ, ngành là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chi tiêu. Để tiến hành kiểm toán hoạt động đạt chỉ tiêu NSNN tại các bộ, ngành hiệu quả cần phải tạo ra được các điều kiện cần thiết.

Kiểm toán hoạt động yêu cầu phải được nâng cao nhận thức về vai trò và sự cần thiết của kiểm toán hoạt động trong các bộ, ngành. Bên cạnh đó, kiểm toán hoạt động cần được tiến hành theo các chuẩn mực và quy trình riêng. Một vấn đề quan trọng nữa trong kiểm toán hoạt động là phải xây dựng các tiêu chuẩn kiểm toán từ đó xác định được nội dung trọng tâm kiểm toán.

Tài liệu tham khảo:

  1. Học viện Tài chính  (2010),  Giáo trình quản lý chi NSNN,  NXB Lý luận Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội;
  2. Vương Đình Huệ (2003), Nội dung và phương pháp kiểm toán hoạt động đối với chương trình dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2003, Kiểm toán Nhà nước;
  3. www.kiemtoannn.gov.vn  (Trang tin điện tử của Kiểm toán Nhà nước).