Nếu đổ vỡ, TPP sẽ là “thảm họa” với uy tín Mỹ
Khả năng TPP được Quốc hội Mỹ thông qua đang có chiều hướng suy giảm...
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có nguy cơ trở thành một thất bại về chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á, nơi Washington muốn sử dụng thỏa thuận thương mại này như một đối trọng trước sự nổi lên của Trung Quốc.
Mấy năm qua, giới chức Mỹ đã coi TPP, thỏa thuận với 12 quốc gia thành viên, như một trọng tâm trong sự dịch chuyển về quân sự và các nguồn lực khác của Mỹ về phía châu Á. Nhưng giờ đây, với sự phản đối từ cả cánh tả và cánh hữu ở Washington, khả năng TPP được Quốc hội Mỹ thông qua đang có chiều hướng suy giảm, tờ Wall Street Journal nhận định.
“Thảm họa”
Theo các chuyên gia, thất bại của TPP sẽ làm sứt mẻ uy tín của Mỹ trên tất cả mọi phương diện, từ thương mại cho tới cam kết của Washington đối với châu Á, khu vực mà Mỹ đã giữ vai trò đảm bảo an ninh kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
“Nói một cách đơn giản thì do Mỹ đã đầu tư quá nhiều vào TPP, thỏa thuận này có một giá trị toàn diện vượt ra khỏi những lợi ích kinh tế của nó”, ông Euan Graham, một nhà cựu ngoại giao Anh hiện đang nghiên cứu về an ninh khu vực tại Viện Chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, nhận định. “Việc Mỹ để cho các đối tác trong TPP phải chờ đợi vào thời điểm này sẽ là một thảm họa đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực”.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn đang tiếp tục hy vọng TPP được thông qua. “Chúng ta chỉ còn cách một cuộc bỏ phiếu là đến chỗ củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta trong khu vực, hoặc là sẽ trao chìa khóa mở cửa tòa lâu đài cho Trung Quốc”, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman phát biểu mới đây.
Tuy nhiên, lập luận này chưa đủ để lôi kéo thêm được sự ủng hộ trong Quốc hội Mỹ cho TPP. Phần lớn các nghị sỹ Dân chủ đều phản đối TPP, và hiệp định này giờ đây còn thiếu đi sự hậu thuẫn của các nghị sỹ Cộng hòa chủ chốt, những người trước đây từng thúc đẩy TPP và các thỏa thuận thương mại khác.
Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ đều phản đối TPP.
Tuần trước, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Pat Toomey, cựu Chủ tịch của Club for Growth, một tổ chức về kinh tế thị trường tự do, đã lên tiếng phản đối TPP nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri thuộc tầng lớp lao động trong cuộc đua tái tranh cử vai trò thượng nghị sỹ tại bang Pennsylvania.
Cùng lúc đó, bà Clinton, người từng tuyên bố phản đối TPP dưới dạng hiện nay, chịu sức ép ngày càng lớn từ cánh tả đòi bà phải có sự dứt khoát rõ ràng với hiệp định mà bà ủng hộ khi còn là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama.
Được Mỹ công bố vào năm 2011, chiến lược xoay trục về phía châu Á phản ánh mối lo của Washington về việc Trung Quốc tìm cách biến sức mạnh kinh tế của mình thành sức mạnh cứng tại một khu vực với vai trò quan trọng ngày càng gia tăng.
Căng thẳng đã gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương trong mấy năm gần đây, khi Trung Quốc thách thức vị thế thống lĩnh quân sự của Mỹ trong khu vực bằng cách tỏ ra hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad ở Hàn Quốc.
TPP, thỏa thuận được đàm phán xong vào năm ngoái, sẽ cắt giảm khoảng 18.000 hạng mục thuế quan cho các quốc gia thành viên, và bao phủ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.
Không phải là một thành viên của TPP, Trung Quốc hiện đang đàm phán một thỏa thuận thương mại khác không có sự tham gia của Mỹ, và đó là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Trung Quốc cung cam kết cung cấp thêm vốn vay cho các nước trong khu vực thông qua Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) và quỹ “Con đường tơ lụa” trị giá 40 tỷ USD.
Sự hoài nghi sẽ nổi lên?
Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng chính quyền Obama đã phóng đại khi nói TPP là một khoảnh khắc “sống còn” trong việc quyết định Mỹ hay Trung Quốc sẽ viết nên các quy tắc của thương mại toàn cầu.
Thỏa thuận RCEP mà Trung Quốc theo đuổi không tạo ra những khuôn khổ thương mại mới mà chỉ chú trọng vấn đề cắt giảm thuế quan, với những nội dung kém tham vọng hơn TPP. Hai thỏa thuận này không hề loại trừ lẫn nhau, và các nước châu Á đều có dự định tham gia cả hai thỏa thuận.
Tuy nhiên, việc gắn TPP với các vấn đề địa chính trị đã làm gia tăng ý nghĩa của thỏa thuận này. “Đối với các nước bạn bè và đối tác của Mỹ, việc phê chuẩn TPP là một phép thử đối với uy tín và mức độ nghiêm túc của các vị”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói tại Washington trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng 8 này.
Cần nhấn mạnh rằng nước Mỹ có mối ràng buộc mật thiệt với châu Á thông qua mối quan hệ thương mại quy mô lớn với Trung Quốc và các nền kinh tế khác, cũng như thỏa thuận quốc phòng với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Nhiều chuyên gia nói rằng, những mối quan hệ này giữa Mỹ và châu Á khó có thể thay đổi, cho dù số phận của TPP có ra sao đi chăng nữa.
Nhưng các nhà lãnh đạo châu Á đã sử dụng vốn liếng chính trị của mình để ủng hộ TPP sẽ khó lòng làm điều đó thêm lần nữa nếu TPP thất bại, giới chuyên gia nhận định. Những quốc gia nhỏ hơn muốn cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ chuyển sang nghi ngờ Washington và ngả hơn về phía Bắc Kinh.
“Obama đã thuyết phục các quốc gia cùng nỗ lực để chứng tỏ rằng họ có thể đối trọng với Trung Quốc theo một cách nào đó. Nếu TPP không được thông qua, các quốc gia sẽ hoài nghi nhiều hơn”, ông Yukon Huang, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) tại Trung Quốc, hiện là một chuyên gia thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nhận định.
Việt Nam được xem là một nước sẽ hưởng lợi lớn TPP, với GDP dự báo tăng thêm 11% đến năm 2025 nhờ thỏa thuận này. Việt Nam và Mỹ, hai cựu thù thời chiến tranh, đang xích lại gần nhau hơn và cùng chia sẻ những lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông. Mới đây, Mỹ đã dỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
“Chúng tôi vẫn hy vọng ông Obama có thể đưa TPP được thông qua trong những tháng cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông ấy”, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, phát biểu.
Nỗi lo của Thủ tướng Nhật
Tuy nhiên, không nhà lãnh đạo nào có thể mất mát nhiều nếu TPP thất bại như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Ông Abe đã đưa TPP vào vị trí trọng tâm trong các chiến lược đối nội và đối ngoại của Tokyo, đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực. Làm như vậy, ông đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều nông dân Nhật Bản.
Kế hoạch chấn hưng tăng trưởng mang tên Abenomics của ông Abe nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài cũng phụ thuộc vào TPP, với tư cách một đầu tàu tăng trưởng và cải cách. Trên trường quốc tế, TPP còn là chìa khóa trong chiến lược rộng lớn của ông Abe về kiềm chế Trung Quốc thông qua tổ chức các nước Đông Á dưới một chiếc ô ảnh hưởng kinh tế của Mỹ.
Nếu TPP thất bại, “sẽ có những ảnh hưởng rất tiêu cực từ góc nhìn an ninh kinh tế” đối với nước Nhật - GS. Yorizumi Watanabe thuộc Đại học Keio, Nhật Bản, nhận xét.
Khi đàm phán TPP bắt đầu dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, thỏa thuận này không có nhiều ý nghĩa chiến lược như hiện nay, và thậm chí Trung Quốc còn định tham gia. Nhưng điều đó đã thay đổi kể khi Trung Quốc bắt đầu gửi đi những tín hiệu thể hiện rõ sự hung hăng và chính quyền Obama sử dụng TPP như một “mỏ neo” kinh tế để củng cố chiến lược của Mỹ ở châu Á.
Một điều trớ trêu là TPP giờ đây đang gặp trở ngại bởi thỏa thuận đã mang quá nhiều màu sắc chính sách đối ngoại thay vì là một thỏa thuận kinh tế đơn thuần - theo ông Michael R. Wessel, một thành viên của Ủy ban Rà soát kinh tế và an ninh Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ.
“Thỏa thuận này đã dịch chuyển khỏi vấn đề ban đầu là việc làm sang nhu cầu hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại trong khu vực. Người lao động Mỹ đã quá chán ngán và mệt mỏi với cảnh phải mất việc làm vì các mục tiêu chính sách đối ngoại”, ông Wessels nói.