Nga và Biển Đông trên bàn nghị sự G7

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Diễn ra trong hai ngày 7 - 8/6 tới tại Đức, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) là hội nghị thứ hai liên tiếp không có phái đoàn Nga tham gia. Bên cạnh cuộc khủng hoảng quan hệ Nga - phương Tây, vấn đề Biển Đông được dự đoán sẽ lần đầu tiên xuất hiện trên bàn nghị sự G7.

Nga và Biển Đông trên bàn nghị sự G7. Nguồn: internet
Nga và Biển Đông trên bàn nghị sự G7. Nguồn: internet

Nghị sự về Nga và cuộc khủng hoảng tại Ukraine là tất yếu. Sau hơn một năm, cuộc chiến tranh Lạnh của thế kỷ XXI vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Các lệnh trừng phạt và đáp trả lẫn nhau lần lượt được tung ra, ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế của Nga và châu Âu. Trong một diễn biến mới nhất, Nga đã công bố danh sách đen gồm 89 chính trị gia Liên minh châu Âu (EU) bị cấm vào Nga để đáp trả các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt Nga. Châu Âu đã có những phản ứng mạnh mẽ trước bản danh sách đen này.

Trong khi đó, tình hình tại miền Đông Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua tại Ukraine đã cướp đi sinh mạng của gần 6.500 người, đẩy hàng triệu người dân quốc gia Đông Âu vào cảnh cùng cực và khiến kinh tế kiệt quệ. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, cách thức phương Tây ứng xử với vấn đề Ukraine tác động, ảnh hưởng tới xu hướng của trật tự quốc tế trong hàng chục năm tới.

Thực tế là, nội bộ phương Tây đã xuất hiện những vết rạn trong chiến dịch trừng phạt kinh tế Nga. Sau một năm đoạn tuyệt kinh tế với Nga, nhiều nước EU - vốn phụ thuộc tới 30% lượng khí đốt và có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nga - đã thấm những tác động ngược của lệnh trừng phạt. Trong tuyên bố chung sau hội nghị Đối tác phương Đông giữa EU với 6 nước thuộc Liên Xô cũ tháng trước, các bên đã tránh chỉ trích đích danh Nga. Ngay trong số nguyên thủ hàng đầu của EU, cũng đã có những ý kiến cho rằng, cần thiết phải đối thoại với Nga về tương lai. Nhìn chung, xu thế muốn tránh căng thẳng với Nga đang giữ vị trí chủ đạo tại châu Âu.

Trong quan hệ với Nga, Nhật Bản cũng có cùng quan điểm với EU. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 4 vừa qua, cho biết, Tokyo đang thúc đẩy chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga Putin dự kiến vào cuối năm 2015.

Vì thế, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay, sẽ có hai luồng ý kiến liên quan đến cách ứng xử với Nga: xu hướng cứng rắn do Mỹ, Canada đứng đầu và phe mong muốn tìm kiếm đối thoại do Đức, Pháp, Nhật Bản hậu thuẫn.

Diễn ra ngay sau Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tại Singapore, nơi Bắc Kinh chứng kiến một loạt những chỉ trích mạnh mẽ từ đại diện các quốc gia về hành động khiêu khích tại Biển Đông, hội nghị G7 năm nay sẽ không bàng quan trước diễn biến nghiêm trọng này.

Đây là lần đầu tiên, chủ đề về Biển Đông và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện trên bàn nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh G7. Trước đó, vấn đề này từng được đưa ra ở Hội nghị Ngoại trưởng hồi tháng 4 vừa qua. Tại đây, Ngoại trưởng các nước G7 đã lần đầu tiên ra tuyên bố chung phê phán hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, cải tạo các bãi đá ngầm trên Biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc là hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng, gia tăng căng thẳng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, Nhật Bản và Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy G7 ra một tuyên bố mạnh mẽ tương tự như tuyên bố cấp Ngoại trưởng vừa qua. Tuy nhiên, mặc dù hiểu được chủ trương của Nhật Bản và Mỹ, song do khoảng cách địa lý nên mức độ quan tâm tới vấn đề Biển Đông của các nước châu Âu không thật mạnh mẽ. Bên cạnh đó, mối quan hệ kinh tế giữa EU và Trung Quốc rất phát triển nên liên minh này sẽ tránh chỉ trích gay gắt Bắc Kinh. Trước đó, Anh, Đức, Pháp và Italy đã tuyên bố tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.