Báo Mỹ: Đồng ruble thành ngôi sao, tăng giá mạnh mẽ
(Taichinh) - Những diễn biến thị trường tiền tệ thời gian gần đây đả bất ngờ nổi lên đồng ruble của Nga như một "ngôi sao mới".
Sự hồi sinh của đồng ruble
Theo Washington Post, mới đây đồng ruble đã bất ngờ trở thành một trong những "ngôi sao" trên các thị trường tiền tệ trong năm 2015 khi tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013 so với USD và buộc Ngân hàng trung ương Nga trong vài ngày vừa qua phải đưa ra biện pháp kìm hãm đà tăng giá quá nhanh của đồng nội tệ.
Sau khi nhanh chóng rơi xuống 79 ruble/USD vào giữa tháng 12/2014, đồng nội tệ Nga nay đang được giao dịch ở mức 49 ruble/USD.
Theo chỉ số do JPMorgan lập ra, đồng ruble là đồng tiền thể hiện tốt nhất trên các thị trường mới nổi toàn thế giới tính tới thời điểm này trong năm 2015.
Thị trường chứng khoán Nga, vốn cũng lao dốc trong năm 2014, đến nay đã tăng 25%.
Dù về lâu dài, bất luận đó có là điều tốt hay xấu thì đối với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, vốn đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế và nhiều trở ngại trên thị trường quốc tế, đây vẫn là một dấu hỏi.
Tuy nhiên có thể nói, "kịnh bản tồi tệ nhất" theo lời Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov, đã không xảy ra. Đồng ruble tăng giá mạnh là niềm tự hào dân tộc của Nga.
Tuy nhiên, nó cũng đem theo những hiệu ứng trái ngược. Lạm phát được kiềm chế, song xuất khẩu của Nga nay trở nên đắt đỏ hơn, và các nhà sản xuất nội địa phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài.
Đây là điều không có lợi cho Moskva, vốn đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng nhất trong vòng 5 năm do chi tiêu quân sự.
Nga hiện chi 1/5 ngân sách liên bang cho quốc phòng. Dù đồng USD thu được từ bán dầu mỏ vẫn không thay đổi song do đồng tiền của Nga vững lên, ngân sách nước này sẽ thu được ít ruble hơn, và khả năng thanh toán của chính quyền Tổng thống Putin sẽ hạn chế hơn.
Hợp tác tài chính Trung Quốc?
Năm tháng trước, Ngân hàng trung ương Nga cần tăng lãi suất chủ chốt nhằm giúp đồng ruble không bị sụp đổ trên các thị trường tiền tệ thế giới, giữa bối cảnh đồng nội tệ Nga đang vật lộn với khó khăn do nước này phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, tỷ lệ tín dụng giảm mạnh, vốn chảy khỏi đất nước, đồng thời giá dầu mỏ, khí đốt và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga lại đồng loạt lao dốc.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 8/5/2015, Nga và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận trị giá 25 tỷ USD nhằm đẩy mạnh hoạt động cung cấp tài chính của cường quốc châu Á này cho các công ty Nga. Đồng thời, một thỏa thuận khác trị giá nhiều tỷ USD đã được ký nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V.Putin ký kết hợp tác 25 tỷ USD |
Thỏa thuận 25 tỷ USD vừa được ký kết sẽ cung cấp tài chính cho các công ty Nga, trong đó có nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm sâu.
Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga, Kirill Dmitriev, cho biết các công ty Nga có thể nhận được 25 tỷ USD trong vòng 3 năm tới.
Hai bên cũng nhất trí khởi động Quỹ đầu tư trị giá 2 tỷ USD hướng vào các dự án nông nghiệp và ký thỏa thuận cấp hạn mức tín dụng 6 tỷ NDT (966 triệu USD) của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dành cho Ngân hàng Sberbank của Nga.
Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov cho biết thêm hai nước sẽ đầu tư 1.000 tỷ ruble (19,7 tỷ USD) cho tuyến đường sắt nối Moskva và thành phố Kazan mà theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Trong thời điểm nước Nga gặp nhiều khó khăn về kinh tế, họ đã tăng cường một cách tích cực các hành động hợp tác với Trung Quốc và cho thấy hiệu quả một phần của những chiến lược này.