Ngăn chặn buôn lậu thuốc lá: Vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia, sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản tình hình buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá lậu đã có chuyển biến tích cực.
Kết quả tích cực từ chống buôn lậu thuốc lá
Tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23/12, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, qua một năm thực hiện, tình hình buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu giảm về quy mô, số lượng, đối tượng tham gia. Số thuốc lá lậu bắt giữ tăng 19% so với cùng kỳ, số vụ khởi tố tăng.
Tính đến ngày 1/10/2015, các lực lượng chức năng trong cả nước đã bắt giữ 9.682 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu, trên 6.000 đối tượng vi phạm, tịch thu hơn 10 triệu bao thuốc lá lậu các loại, khởi tố 179 vụ án với 263 đối tượng, phạt tiền nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng.
Trong đó, từ ngày 16/9/2014 đến ngày 15/9/2015, riêng lực lượng Hải quan thu giữ: 118.469 bao thuốc lá hiệu 555; 72.967 bao thuốc lá hiệu Jet; 767.780 bao thuốc lá hiệu Hero; 21.161 bao thuốc lá hiệu Nelson; 28.550 bao thuốc lá hiệu Gonghexinxi; 13.960 bao thuốc lá mang nhãn hiệu Trung Quốc; 93.990 bao thuốc lá hiệu Nise…
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, sau một năm thực hiện Chỉ thị 30, sản lượng sản xuất và tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp thuốc lá trong nước từng bước tăng trưởng, nộp ngân sách Nhà nước năm 2015 tăng trở lại với khoảng 17.911 tỷ đồng, tăng gần 1.400 tỷ đồng so với năm 2014.
Nhìn lại quá trình sau một năm nghiêm túc và quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể nói, Chỉ thị số 30/CT-TTg đã từng bước thay đổi tư tưởng, nhận thức trong công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Các địa phương trọng điểm đều có kế hoạch và chỉ đạo cụ thể trong triển khai Chỉ thị, đẩy mạnh tuyên truyền vận động trong nhân dân, các cấp, các ngành, nhất là vai trò của cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chủ công như công an, hải quan, quản lý thị trường, biên phòng, cảnh sát biển...
Những nỗ lực đó đã tạo niềm tin trong nhân dân trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy sản xuất trong nước...
Chủ động, quyết liệt trong ngăn chặn buôn lậu thuốc lá
Tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, đại diện các lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lí thị trường, Công an và lãnh đạo một số địa phương có các địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá như Long An, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Quảng Ninh... đã có báo cáo về tình hình đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá trên địa bàn.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, tình hình vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu trên các địa bàn tuy có giảm nhưng vẫn còn rất phức tạp,do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi và nhu cầu tiêu thụ cũng như lợi nhuận thuốc lá lậu còn rất lớn.
Bên cạnh đó, đại diện các lực lượng chức năng và các địa phương cũng phản ánh một số khó khăn, vướng mắcvà kiến nghị trong công tác chống buôn lậu thuốc lá liên quan đến công tác phối hợp giữa các lực lượng,nguồn nhân lực, và các cơ chế, chính sách liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bên cạnh biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực mà các ngành, các cấp đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 30, song cũng đã chỉ ra những yếu kém, bất cập cần khắc phục.
Cụ thể, một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng thực trạng hiện nay của tình trạng buôn lậu thuốc lá. Cá biệt, có tình trạng một số ít cán bộ bảo kê, bao che, dung túng cho nạn buôn lậu thuốc lá.
Do vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới cần tiếp tục ngăn chặn có hiệu quả buôn lậu thuốc lá với tinh thần chủ động, quyết liệt, trách nhiệm của người đứng đầu các lực lượng chuyên trách và địa phương đối với công cuộc chống buôn lậu thuốc lá.
Cán bộ các địa phương cần tăng cường phối hợp để thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg như chia sẻ, phối hợp giữa các lực lượng chức năng; làm rõ trách nhiệm của từng lực lượng chuyên trách như công an, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường, cảnh sát biển khi để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá lậu.
Bên cạnh đó, mở đợt cao điểm tấn công vào tình trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay và sớm điều tra, xét xử một số vụ án lớn; xử lý nghiêm khắc một số đầu nậu tại khu vực biên giới hay các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, An Giang.
Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng làm công tác này; truyền thông mạnh mẽ về tác hại của thuốc lá; nâng cao đời sống cho nhân dân vùng biên giới còn khó khăn để nhân dân không bị lôi kéo đi khuân vác thuê thuốc lá...
Để ngăn chặn buôn lậu thuốc lá, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, cần triệt phá cho được đường dây, ổ nhóm lớn trong chống buôn lậu thuốc lá với sự chủ công của lực lượng công an và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng khác như hải quan, quản lý thị trường. Có như vậy mới giải quyết được phần gốc của tình trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay.