Ngăn chặn hàng giả mạo nhãn hiệu: Cần sự phối hợp giữa chủ thể quyền và cơ quan thực thi
Thời gian qua, mặc dù lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cùng lực lượng chức năng khác đã xóa sổ nhiều cơ sở, xưởng sản xuất giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng vẫn diễn biến phức tạp với hình thức tinh vi hơn.
Hàng hóa giả mạo ngày càng tinh vi
Nếu như trước đây, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phần nhiều chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn thì hiện nay đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt là nhóm ngành hàng thời trang, những sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, kính mắt, đồng hồ… giả mạo đã xuất hiện rất nhiều tại các huyện thị, nông thôn, miền núi.
Thời gian gần đây, trong lúc triển khai nhiệm vụ bám địa bàn để giữ trật tự và bình ổn giá, kiểm tra kiểm soát thị trường, chống đầu cơ nâng giá trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lực lượng QLTT cả nước đã liên tiếp phát hiện, thu giữ số lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Mới đây nhất, ngày 6/8, tại Hà Nội, Đội QLTT số 22 thuộc Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đột xuất kiểm tra Công ty cổ phần thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam có địa chỉ tại C34 khu đô thị Embassy Garden, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại Công ty cổ phần thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam có chứa hơn 100 thùng khẩu trang y tế nhãn hiệu 3M 1860 với tổng số lượng 17.100 cái.
Theo đại diện Đội QLTT số 22, toàn bộ số hàng hoá được phát hiện tại Công ty do nước ngoài sản xuất. Bước đầu lực lượng chức năng nhận định lô hàng có dấu hiệu là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, Đội sẽ phối hợp với đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu 3M tại Việt Nam kiểm nghiệm, làm rõ.
Cùng ngày, lực lượng QLTT Quảng Bình cũng thu giữ hơn 1.000 sản phẩm quần áo, giầy dép do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, là hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, qua công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin, Đội QLTT số 7 – Cục QLTT Quảng Bình phát hiện trang Facebook cá nhân "Cat Tuong Pham" thực hiện việc livestream bán online các loại quần áo, giày dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT số 7 đã xây dựng phương án kiểm tra và đề xuất thành lập Đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra, làm rõ.
Trước đó, ngày 3/8, lực lượng QLTT Bắc Ninh phối hợp lực lượng công an kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh giày dép và kho chứa hàng hóa do ông Nguyễn Đình Tú là chủ, có địa chỉ tại phường Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.470 đôi giày thể thao người lớn mang nhãn hiệu NIKE chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan, có dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu).
Hay như vụ tạm giữ gần 200 sản phẩm phụ kiện điện thoại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG tại cửa hàng linh kiện, phụ kiện điện thoại Ngọc Thái, địa chỉ số nhà 506, đường Lý Thường Kiệt, tổ 05, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang do ông Đinh Văn Bảy làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT Hà Giang đã phát hiện 198 sản phẩm, hàng hóa là sạc điện thoại, pin điện thoại các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG đã được bảo hộ tại Việt Nam. Chủ cơ sở đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tỉnh hợp pháp của số hàng hóa trên.
Đặc biệt, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại An Thành ĐT có địa chỉ tại số 8, Nguyễn Trãi, khóm 1, phường 3, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với số tiền 110 triệu đồng về hành vi “Bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”. Cụ thể, Đội QLTT số 4 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện công ty này bày bán 199 LPG chai có gắn niêm màng có giả mạo nhãn hiệu Totalgaz của Công ty TNHH TOTALGAZ Việt Nam. Làm việc với Đội QLTT số 4, chủ cơ sở khai nhận số bình LPG được công ty mua trôi nổi của một người không rõ địa chỉ với mức giá rẻ về kinh doanh lại kiếm lời.
Những vụ việc trên chỉ là một trong rất nhiều vụ bán hàng giả mạo thương hiệu được lực lượng QLTT kiểm tra, phanh phui bắt giữ trong thời gian vừa qua.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, năm 2021, lực lượng luôn xác định tập trung vào nhiệm vụ chính là công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đây là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng của toàn lực lượng.
Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, cần phải có những chiến lược dài hạn.
“Quan trọng nhất là những giải pháp liên quan đến thể chế chính sách. Tiếp đó là giải pháp liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đặc biệt, rất cần sự chủ động của các doanh nghiệp sản xuất trong nước’, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ và nhấn mạnh, khi sản phẩm hàng hóa trong nước đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước thì hàng giả, hàng nhái sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường nội địa.
Cần sự phối hợp chủ thể quyền và cơ quan thực thi
Theo luật sư Nguyễn Thị Hương - Phó Giám đốc Thực thi quyền sở hữu trí tuệ - Công ty TNHH Tư vấn Sở hữu trí tuệ IP (Công ty Đại diện chủ thể quyền cho nhiều thương hiệu nối tiếng trên thế giới tại Việt Nam), nguyên nhân chính là ngày càng có nhiều người kinh doanh hàng giả tham gia vào thị trường này khiến cho việc tiếp cận được với các sản phẩm giả trở nên vô cùng dễ dàng.
Bên cạnh đó, các chế tài xử lý nhóm đối tượng kinh doanh hàng giả này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn đến một thực trạng là dù nhiều năm qua, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng QLTT đã rất tăng cường trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng mức thuyên giảm vẫn chưa đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, việc chống hàng giả là cả một quá trình dài, không thể “bắt cóc bỏ dĩa” nên chủ sở hữu quyền thương hiệu phải kiên trì và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi để thực hiện hóa kế hoạch hành động đó. Bản thân chủ sở hữu quyền phải biết cần bảo vệ gì, hành động như thế nào khi đánh giá mức độ nhãn hiệu của mình bị xâm phạm.
Thực tế, năm 2020, với việc triển khai quyết liệt và đổi mới phương thức kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT, tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dần được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tồn tại, khó kiểm soát. Nhiều đối tượng vi phạm luôn tìm cách để lách, tìm ra sơ sở để trốn tránh kiểm tra.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh trên thị trường, Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021- 2025 (Quyết định số 888). Đây là một kế hoạch dài hơi, với mục tiêu cụ thể cho từng năm, như mục tiêu tuyên truyền, ký cam kết đối với tất cả các cơ sở kinh doanh.
Đồng thời, kết hợp các biện pháp tăng cường theo dõi, rà soát, phân loại các đối tượng để có những giải pháp tuyên truyền, giám sát, quản lý nhằm ngăn chặn cũng như phát hiện kịp thời gian lận thương mại, hàng giả xuất hiện trên thị trường.