Ngân hàng Agribank hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững
(Taichinh) - Hướng tới giảm nghèo bền vững là mục tiêu, chủ trương đúng đắn được Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho ngành ngân hàng cả nước. Hưởng ứng chủ trương này, trong những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thông qua nhiều chương trình, hành động thiết thực để góp phần đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững trở thành hiện thực.
Tiên phong triển khai hiệu quả tín dụng chính sách
Là Ngân hàng Thương mại Nhà nước hàng đầu Việt Nam xét về tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, mạng lưới, khách hàng, Agribank luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị. Đặc biệt, với việc tiên phong triển khai tín dụng chính sách, Agribank là “cầu nối” quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, để họ có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước.
Khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư nguồn vốn cho Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 67/1999/QĐ-TTg và giải pháp triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ trên toàn hệ thống. Đồng thời, Agribank tích cực phổ biến, quán triệt nội dung của nghị định đến toàn bộ đội ngũ nhân viên trong toàn hệ thống, ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp; ký thoả thuận liên tịch với Trung ương Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh cho vay kinh tế hộ thông qua tổ vay vốn... Chính vì thế, nhiều nông dân trên cả nước đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống từ chính mô hình sản xuất của gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Agribank tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lương thực, cà phê; Cho vay tạm trữ thu mua lương thực, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; triển khai thí điểm cho vay cánh đồng mẫu lớn và chuỗi liên kết sản phẩm thủy sản, sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trên cả nước; đẩy mạnh cho vay đóng và cải hoán tàu đánh cá triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, nhằm hỗ trợ “tiếp sức” ngư dân bám biển và như khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh: “Cho vay ngư nghiệp là thị trường truyền thống của Agribank, ngư dân là bạn đồng hành của chúng tôi từ nhiều năm nay”…
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương cho vay ưu đãi để tái canh cây cà phê. Theo đó, nguồn vốn tín dụng cho vay tái canh cây cà phê giai đoạn 2014-2020 từ 12.000-15.000 tỷ đồng. Agribank cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất thấp hơn 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường để cho vay tái canh cây cà phê. Đồng thời, sẽ sớm ban hành sản phẩm hướng dẫn cho vay tái canh cây cà phê, chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án nhu cầu vốn tái canh cho từng năm, theo từng địa bàn cụ thể. Các doanh nghiệp, HTX, hộ dân thực hiện tái canh cây cà phê sẽ được ngân hàng cho vay tới 150 triệu đồng/ha, thời hạn vay đến 8 năm đối với việc tái canh theo phương pháp trồng mới và cho vay 80 triệu đồng/ha, thời hạn vay 4 năm đối với tái canh theo phương pháp ghép cải tạo cà phê.
Nghiêm túc, tiên phong trong thực hiện các văn bản hỗ trợ lãi suất của NHNN. Riêng trong năm 2014, Agribank 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các gói, các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm khuyến khích, hỗ trợ khách hàng mở rộng và tái đầu tư, cụ thể: dành 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp cho vay đối với khách hàng xuất nhập khẩu, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay bổ sung để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh…
Dẫn đầu cho vay xây dựng Nông thôn mới và an sinh xã hội
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, bắt đầu triển khai cho vay thí điểm ở 11 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2011 và từ tháng 4/2012 tiến hành cho vay trên diện rộng trong toàn quốc, đến nay, Agribank tiếp tục khẳng định là tổ chức tín dụng dẫn đầu về cho vay xây dựng nông thôn mới, với doanh số cho vay xây dựng nông thôn mới đạt trên 201.000 tỷ đồng, trên 2 triệu hộ sản xuất tại 2.237 xã xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc được vay vốn từ Agribank. Những công trình như trạm y tế cộng đồng – tiêu chí quan trọng của Nông thôn mới nhưng nhiều xã không tự làm được do nguồn kinh phí lớn, đã được Agribank tài trợ xây dựng, qua đó giúp cho các xã sớm “về đích” trong thực hiện Chương trình này.
Nguồn vốn của Agribank đầu tư cho “Tam nông” đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Thông qua ký thoả thuận liên tịch với Trung ương Hội Nông dân và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đẩy mạnh cho vay kinh tế hộ thông qua tổ vay vốn, Agribank giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời từ chính mô hình sản xuất của gia đình, hạn chế tình trạng vay vốn qua trung gian và vay nặng lãi ở nông thôn… Đến 30/4/2015, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 74,7%/tổng dư nợ.
Với truyền thống, trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng, Agribank tích cực triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội. Từ khi thành lập đến nay, toàn hệ thống Agribank đã dành trên 1.500 tỷ đồng cho hoạt động xã hội từ thiện, riêng 2014, khoảng 254 tỷ đồng đã được Agribank dành hỗ trợ an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xây nhà tình nghĩa cho người nghèo, hỗ trợ các em nhỏ đồng bào dân tộc miền núi, trao tặng sổ tiết kiệm cho các cựu nữ TNXP có hoàn cảnh khó khăn… Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh, Agribank đã triển khai hỗ trợ 160 tỷ đồng cho hai huyện Mường Ảng và Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên, đem đến cuộc sống mới cho người dân nơi đây…
Với quyết tâm và thông qua hành động cụ thể, Agribank luôn thể hiện sự gắn bó, đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ những người kém may mắn trong xã hội, tìm tòi và triển khai các giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhất là trong việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với “Tam nông” để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng cùng ngành Ngân hàng thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo.