Ngân hàng còn xa doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo TBKTSG

Hầu hết các doanh nghiệp tham gia hội thảo về giải pháp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày 16-10 đều nêu lên vấn đề bức xúc nhất hiện nay của mình là thiếu vốn, tuy nhiên đa số những ngân hàng mà họ gõ cửa đều từ chối với rất nhiều lý do được đưa ra.

Hội thảo do Ngân hàng TMCP Hàng Hải phối hợp cùng Viện Nghiên cứu kinh tế (IER) tổ chức nhằm tiếp thị vốn của ngân hàng này đến với doanh nghiệp.

Nhiều trở ngại

Đại diện một doanh nghiệp phát biểu rằng các ngân hàng nên thực chất hơn trong việc cho vay vốn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì ông đã tham gia rất nhiều hội thảo như thế này, các ngân hàng đều cam kết hỗ trợ tuyệt đối, nhưng sau đó hầu hết đều không tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ông.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Giám đốc Công ty L.V. chuyên sản xuất linh kiện ô tô, cho biết doanh nghiệp ông nằm trong diện được ưu tiên vốn theo chính sách của Chính phủ, đó là doanh nghiệp xuất khẩu 100%, hoạt động trong ngành công nghiệp kỹ thuật cao, đồng thời đang là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên tất cả ngân hàng đều lắc đầu khi ông muốn vay vốn để nâng cấp nhà xưởng nhằm thu hút thêm đơn hàng.

“Có nhiều hợp đồng của nhiều đối tác nước ngoài tưởng như nằm trong tầm tay nhưng cuối cùng lại vụt mất vì cơ sở vật chất của chúng tôi không đáp ứng được mong muốn của họ”, ông Lâm nói. Hiện tại công ty ông Lâm đang vay vốn lưu động tại Ngân hàng ACB nhưng ông cho biết rất cần nguồn vốn dài hạn để đầu tư cơ sở vật chất.

Những trường hợp tương tự như trên không chỉ được nêu trong buổi hội thảo ngày 16-10 mà trong hầu hết các hội thảo về vốn cho doanh nghiệp. Vấn đề vốn luôn là chuyện bức xúc nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không phải chỉ ở lãi suất mà còn ở khả năng họ tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.

Ông Đỗ Lam Điền, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Hàng Hải, cho biết rằng có rất nhiều trở ngại khiến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận được vốn ngân hàng, như tài sản đảm bảo không đủ, tài sản đảm bảo không được các tổ chức tín dụng định giá theo giá thị trường, các ngân hàng chưa có sự sẵn lòng đồi với các doanh nghịêp nhỏ và vừa mà đa số tập trung vào các doanh nghiệp lớn, lãi suất cho vay cao, báo cáo tài chính, báo cáo thuế thấp không đúng với thực tế, phương án vay vốn chưa đúng với tình hình thực tế của doanh nghiệp, thời gian xử lý hồ sơ lâu…

Dấu hiệu tích cực

Tuy nhiên hiện nay với mục tiêu mở rộng thị phần cho vay, các ngân hàng đã nhận thấy thị trường lớn từ phía các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hầu hết đều có những chương trình, cách thức riêng để tiếp cận đối tượng khách hàng này.

Các ngân hàng kể cả ngân hàng nước ngoài đều có một bộ phận chuyên trách các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khi nhắc đến đối tượng doanh nghiệp này, hầu hết các ngân hàng đều cho rằng đây là khách hàng tiềm năng của họ.

Nhiều chương trình phục vụ đối tượng này cũng được đưa ra như Ngân hàng An Bình có chương trình phối hợp với IFC tư vấn hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng ACB thiết kế chương trình cho vay qua mạng với khách hàng doanh nghiệp, hoặc HDBank vừa cam kết sẽ dành 2.000 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp ngành cà phê…

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng Hải, cho biết ngân hàng này đã dành ra hai năm để nghiên cứu và khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cuối cùng đã đưa ra một mô hình thẩm định doanh nghiệp bằng định tính thay vì định lượng như từ trước đến nay.

“Chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc tiếp xúc tìm hiểu kỹ lưỡng các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là đối tượng mà chúng tôi xác định là khách hàng mục tiêu của mình”, ông Tùng nói.

Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Việt Nam hiện có 500.000 doanh nghiệp trong đó 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hàng năm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp khoảng 30% GDP, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức bán lẻ, 64% tổng lượng vận chuyển hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa một số ngành hàng thủ công mỹ nghệ…