Ngân hàng đại lý: Hấp lực từ một kênh phân phối mới

Theo Khuê Nguyễn/thoibaonganhang.vn

Mô hình đại lý ngân hàng (Agent Banking hoặc Banking Correspondent hoặc Business Correspondent tuỳ từng quốc gia) hiểu một cách khái quát nhất là việc ngân hàng cộng tác với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng để cung cấp những dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh. Những năm gần đây mô hình này xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thúc đẩy tài chính toàn diện

Báo cáo nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) đối với mô hình này chỉ ra rằng, hiện trên thế giới tồn tại hai mô hình đại lý ngân hàng. Thứ nhất, mô hình ngân hàng làm chủ: một tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động mà điển hình là ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính thông qua một đại lý. Đồng nghĩa với việc ngân hàng phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính nhưng phân phối chúng qua đại lý. Ngân hàng vẫn là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, đồng thời là người quản lý, duy trì tài khoản của khách hàng. 

Thứ hai, mô hình phi ngân hàng làm chủ: tương tự với mô hình ngân hàng làm chủ, chỉ khác biệt ở chỗ tổ chức chủ quản đại lý là một tổ chức vận hành mạng viễn thông/điện thoại di động và thực hiện giao dịch thông qua tài khoản tiền điện tử của khách hàng thay vì tài khoản ngân hàng.

Đại lý ngân hàng được xem là một trong những kênh phân phối mang tính đổi mới, giúp mở rộng sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính. Thông qua đại lý thường là các cửa hàng tạp hoá, hiệu thuốc, bưu điện hoặc cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các dịch vụ ngân hàng cơ bản như thanh toán hoá đơn, rút/chuyển tiền, gửi tiết kiệm... được cung cấp tới người dân một cách thuận tiện ở vùng sâu, vùng xa, những nơi không có chi nhánh NHTM. Hoạt động đại lý ngân hàng được coi là sáng kiến nổi bật nhất cho thực hiện mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện ở các quốc gia.

Trao đổi với một chuyên gia, vị này nêu lên trường hợp phổ cập tài chính của Malaysia. Theo đó, chương trình phát triển mạng lưới đại lý cho ngân hàng của NHTW Malaysia vào năm 2012 là một trong 10 sáng kiến có tầm ảnh hưởng lớn trong khuôn khổ Chiến lược phát triển khu vực tài chính Malaysia giai đoạn 2011 - 2020 mở rộng tiếp cận tới đối tượng dân cư chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Việc triển khai dịch vụ ngân hàng đại lý đã mở rộng đáng kể tầm bao phủ, đem các dịch vụ tài chính tới gần hơn với nhóm người dân chưa được tiếp cận dịch vụ ở Malaysia. Cuối năm 2016, mạng lưới đại lý ngân hàng đã đạt 7.984 đại lý - gấp 17 lần con số 460 tại thời điểm cuối năm 2011; có hơn 100 triệu giao dịch được thực hiện với tổng giá trị giao dịch là 2,1 tỷ USD. Mô hình này đã giúp các nhà băng có thể tiết kiệm tới hơn 80% chi phí thành lập điểm cung ứng dịch vụ và 60% chi phí giao dịch so với qua mạng lưới chi nhánh ngân hàng truyền thống.

Trong những giải pháp phát triển đa dạng các mô hình sản phẩm, dịch vụ tài chính tại Khung chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện của Việt Nam cũng có đặt ra việc triển khai mô hình cung ứng dịch vụ ngân hàng qua đại lý được uỷ quyền. Theo đó đề nghị cần áp dụng thí điểm cho việc chi trả trợ cấp Chính phủ theo mô hình hoạt động ngân hàng qua đại lý, đồng thời ban hành quy định hướng dẫn việc cung ứng dịch vụ theo mô hình ngân hàng đại lý.

Xây dựng khung khổ pháp lý

Theo ông Ondrej Sedlon - Giám đốc Phát triển mạng lưới toàn cầu của Air Bank, một trong những điều kiện đặt ra hàng đầu khi muốn đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng đó là cần lấy khách hàng làm trung tâm, tăng cường cơ cấu và cơ sở hạ tầng của ngân hàng.

Song song với đó, các ngân hàng phải xem xét cách thức, phương tiện mới để đảm bảo phục vụ khách hàng tốt hơn; đẩy mạnh phát triển thêm nhiều kênh bán sản phẩm với những sản phẩm dịch vụ thiết kế đa dạng, tiện dụng với người dân, đặc biệt với người dân vùng sâu, vùng xa như tư vấn tài chính, quản lý tài sản…

Cho tới nay, Việt Nam đã có ba mô hình đại lý ngân hàng được triển khai và đi vào hoạt động. Cụ thể, MB kết hợp với Viettel: các dịch vụ được thực hiện gồm nộp tiền vào tài khoản mở tại MB hoặc tại các ngân hàng khác; rút tiền từ tài khoản của khách hàng mở tại MB; chuyển khoản cho tài khoản mở tại MB hoặc tại ngân hàng khác; chuyển tiền cho người nhận bằng CMTND/Thẻ căn cước.

PG Bank và Petrolimex: PG Bank hợp tác sử dụng mạng lưới các xí nghiệp, chi nhánh và công ty xăng dầu thành viên của Petrolimex cung ứng dịch vụ chuyển tiền cho người nhận chưa có tài khoản tại PG Bank (bằng CMTND/Hộ chiếu) và chuyển tiền cho người nhận có tài khoản tại PG Bank (nộp tiền vào tài khoản của người nhận mở tại PG Bank).

Vietcombank và M_Service: triển khai dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ dựa trên nền tảng Ví điện tử MoMo.

Liên quan đến việc phát triển mô hình ngân hàng đại lý tại Việt Nam, phần đông các chuyên gia đều đồng tình rằng, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho mô hình đại lý ngân hàng do ngân hàng làm chủ hoạt động, trong đó phải có tối thiểu một số vấn đề như: khái niệm về đại lý ngân hàng; điều kiện tối thiểu để trở thành ngân hàng đại lý; các dịch vụ ngân hàng/tài chính mà một đại lý ngân hàng có thể cung cấp; vai trò và trách nhiệm, nghĩa vụ giữa đại lý ngân hàng - ngân hàng chủ quản - NHNN và khách hàng; quy định tính độc quyền giữa ngân hàng chủ quản và đại lý ngân hàng; quy định mức phí thu giữa khách hàng và đại lý ngân hàng, giữa đại lý ngân hàng và ngân hàng chủ quản; giới hạn giá trị giao dịch đối với từng dịch vụ mà đại lý ngân hàng cung ứng…

Được biết, sắp tới, NHNN sẽ ban hành một Nghị định về TTKDTM, trong đó có nội dung liên quan tới việc giao ngân hàng đại lý làm các lĩnh vực thanh toán.

Cùng với khung khổ pháp lý hướng dẫn hoạt động của mô hình này, cũng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan tại các văn bản pháp luật khác tạo điều kiện hoạt động hiệu quả cho mô hình này. Đặc biệt, NHNN với vai trò cơ quan chủ quản nghiên cứu và sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn về mở tài khoản theo cấp độ, xác thực khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số.

Mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã giao Bộ Công an tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến…

“Đây sẽ là cơ sở tạo nền tảng cho việc phát triển các kênh cung ứng dịch vụ tài chính đổi mới, trong đó có mô hình đại lý ngân hàng”, một chuyên gia chia sẻ.