Ngân hàng ghi nhận kỷ lục lợi nhuận, lồi lõm dự phòng bao nợ xấu
Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) ghi nhận kỷ lục lợi nhuận năm 2021, song song với tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu rất cao ở một số thành viên.
Ngay trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, hệ thống NHTM Việt Nam ghi nhận những kỷ lục đáng chú ý. Bên cạnh làn sóng tăng vốn điều lệ mạnh nhất trong lịch sử, năm 2021 còn ghi nhận kỷ lục lợi nhuận tại nhiều thành viên.
Lãi lớn bất chấp khó khăn
Bước sang trung tuần tháng 1, các ngân hàng lần lượt công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với những con số khá khả quan, dù nền kinh tế vẫn đang phải vật lộn với vô vàn khó khăn sau năm COVID thứ hai.
MSB là một ví dụ. Theo công bố mới nhất từ ngân hàng, kết thúc năm 2021, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 5.158 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với kết quả đạt được năm trước và vượt tới 58% kế hoạch năm. Trong đó, tín dụng vẫn đóng vai trò xương sống khi mang về cho ngân hàng khoản thu nhập lãi thuần 6.112 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu tổng thu nhập thuần của ngân hàng.
Đáng chú ý, nguồn thu ngoài lãi MSB tăng trưởng 92% so với năm 2020 với sự đóng góp lớn từ tăng trưởng doanh thu hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và góp vốn mua cổ phần.
Trong hệ thống, TPBank luôn là thành viên đầu tiên cập nhật tình hình hoạt động các quý và năm sớm nhất đến cổ đông và nhà đầu tư. Năm 2021, "ngân hàng tím" tiếp tục đánh dấu kỷ lục mới về lợi nhuận với tăng trưởng khá cao.
Tổng thu nhập hoạt động TPBank năm qua đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2020. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng. Theo đó, kết thúc năm 2021, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 6.038 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước và hoàn thành vượt 4% kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Tại Viet Capital Bank, mặc dù quý 4 ghi nhận khoản lỗ hơn 74 tỷ đồng do tăng mạnh chi phí dự phòng nhưng tựu chung cả năm 2021, ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận hơn 311 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Như vậy, ở khối NHTMCP, bước đầu đã có những thành viên tiếp tục nâng cao lợi nhuận với sức tăng trưởng lên tới 40% đến gần 60%.
Trong khi đó, tại nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh cũng dần được hé lộ, dù vẫn khá dè dặt.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết, ngân hàng đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 mặc dù bối cảnh kinh tế chung còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, đến cuối năm 2021, tổng tài sản Agribank đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3%, huy động vốn đạt 1,56 triệu tỷ, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ, tăng 8,5%. Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 14.000 tỷ đồng trong năm qua, đồng thời ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.
Trong khi đó, tại ba thành viên còn lại là Vietcombank, VietinBank và BIDV, con số lợi nhuận cụ thể vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng đều nhấn mạnh việc đạt và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Điểm đầu tiên trong kỷ lục lợi nhuận bước đầu tại một số NHTM cho thấy, cú huých cơ bản đến từ một nền tảng quy mô vốn mới. Năm 2020 và đặc biệt 2021, thị trường chứng khoán bùng nổ, tạo điều kiện tốt nhất từ trước tới nay để các nhà băng tăng vốn; khối "Big 4" cũng đã được tháo gỡ về cơ chế liên quan.
Nguồn lực được tăng cường ngay trong khủng hoảng, nền tảng vốn cải thiện là một trong những yếu tố giúp các nhà băng giữ đà tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh; đặc biệt, nhiều thành viên đã hoàn thành Basel II và và bắt đầu áp dụng các chuẩn mực cao hơn như Basel III và IFRS 9 trong quản trị rủi ro.
Bên cạnh đó, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dịch vụ công nghệ số, đáp ứng tốt các nhu cầu không tiếp xúc của khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh cũng là yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận ngân hàng bứt phá trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Và một điểm dễ thấy là thu nhập ngoài lãi, thu dịch vụ tăng trưởng cao tại một số NHTM đã công bố kết quả. Bên cạnh phí dịch vụ, hoa hồng bảo hiểm..., kinh doanh ngoại tệ cũng là cấu phần đóng góp lớn khi chênh lệch tỷ giá mua vào - bán ra được nới rộng gấp đôi so với các giai đoạn trước đây và tạo nguồn thu lớn. Cùng đó, hoạt động đầu tư chứng khoán tại các nhà băng cũng không bỏ lỡ cơ hội hiếm có trên thị trường trong năm 2021.
Lồi lõm kỷ lục tỷ lệ bao phủ nợ xấu
Lợi nhuận khả quan là yếu tố quan trọng giúp các nhà băng tăng tốc trích lập dự phòng, gia tăng bộ đệm để có thể chống đỡ tốt hơn với các cú sốc lớn, tăng năng lực xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho biết, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2021 đã lên tới 424% - mức cao kỷ lục của Vietcombank cũng như của cả hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, toàn bộ dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã được Ngân hàng trích lập đủ 100%, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của ngân hàng, song chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63% - thấp nhất hệ thống. Song song, công tác thu hồi nợ đạt kết quả khả quan khi trong năm qua, Vietcombank đã thu hồi nợ ngoại bảng được 2.900 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2020.
Tương tự, tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối năm 2021 đã được nâng lên 171%, thay vì mức 132% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng được kiểm soát ở mức khá tốt - 1,3%.
Dù vậy, nhân tố bất ngờ nhất phải kể đến BIDV. Trong suốt nhiều năm qua, BIDV luôn là một trong những ngân hàng mạnh tay trích lập nhất hệ thống, mà theo lý giải của ông Phan Đức Tú, Chủ tịch ngân hàng, là nhằm giải quyết hậu quả của quá trình phát triển mạnh về quy mô để lại những khiếm khuyết. Song, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng những năm qua vẫn chỉ duy trì quanh 80% – 90%.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm mạnh còn 0,81%. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV đạt tới 235%, mức cao nhất trong những năm gần đây và cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Những trường hợp trên cho thấy tỷ lệ bao nợ xấu tiếp tục có xu hướng tăng mạnh, có những kỷ lục cục bộ tại mỗi NHTM cụ thể. Tới đây, khi MB, Techcombank hay ACB công bố, dự kiến cũng sẽ tiếp tục có thể các tỷ lệ cao.
Tuy nhiên đó không phải là kết quả chung của toàn hệ thống. Một số nhận định của giới chuyên môn, hay gần nhất là báo cáo của Ngân hàng Thế giới "Điểm lại" 2021 mà BizLIVE đề cập vừa qua, mức độ dự phòng bao phủ nợ xấu của hệ thống NHTM Việt Nam nói chung vẫn được đánh giá còn khá thấp.
Theo đó, mức độ lồi lõm lớn giữa các thành viên về tỷ lệ này hiện nay phản ánh các khẩu vị khác nhau, mức độ chiết xuất lợi nhuận khác nhau trong ứng xử với nợ xấu.
Cụ thể, cơ chế hiện hành chỉ riêng với nợ được cơ cấu mà không phải chuyển nhóm để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, có NHTM thực hiện trích lập luôn toàn bộ, có trường hợp rải ra theo 3 năm như cơ chế cho phép... Điều này góp phần lý giải vì sao nợ xấu chỉ có 1 đồng nhưng ngân hàng trích dự phòng tới 2-4 đồng và rất khác biệt giữa các thành viên.
Dự kiến, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022, và tiếp sau đó các mốc thời hạn thực hiện cơ chế này ở các thông tư điều chỉnh sau đó lần lượt rút ngắn và kết thúc những năm tới. Nếu không có điều chỉnh cơ chế và thời hạn mới, nợ xấu và mức độ liên quan đến trích lập dự phòng, lợi nhuận của các NHTM sau đó mới phản ánh một tương quan "trung thực" hơn.