Ngân hàng lãi lớn 6 tháng đầu năm
Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao là yếu tố đầu tiên tạo nên con số lợi nhuận khả quan của một số ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2016.
Tính đến thời điểm này, một số ngân hàng lớn đã bắt đầu công bố hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, Vietcombank vừa công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2016 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ, đạt 52% kế hoạch năm.
Đại diện Vietcombank cho hay, tính đến 30/6, huy động vốn của ngân hàng đạt 535.203 tỷ đồng, tăng 6,72% so với 2015, đạt 102,23% kế hoạch 6 tháng và đạt 92,93% kế hoạch cả năm.
Ông Phạm Quang Dũng – Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, “tín dụng tăng cao hơn mức tăng của ngành ngân hàng, đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ, cao nhất trong 4 năm trở lại đây khi dư nợ tín dụng đạt 437.580 tỷ đồng, tăng 10,76% so với cuối năm 2015, đạt 102,63% kế hoạch 6 tháng và đạt 94,67% kế hoạch năm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, thu hồi nợ ngoại bảng đạt kết quả khả quan, các hệ số an toàn tiếp tục được đảm bảo”.
Trước đó, BIDV cũng đã công bố con số lợi nhuận sớm. Theo đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng này ước đạt 3.600 tỷ đồng (trước thuế), tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, BIDV cho hay, lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt 3.600 tỷ đồng (trước thuế), tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ là tín dụng phục hồi khá mạnh: tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước và 6% so với đầu năm. Ước tính đến hết tháng 6/2016, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 8-9% so với đầu năm 2016 và khả năng cả năm sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 18%. Nếu đạt được mục tiêu này, BIDV cũng sẽ “về đích” được lợi nhuận.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận là TPBank. Lãnh đạo TPBank cho hay, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 của ngân hàng khá tốt, các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt tín dụng tăng trưởng 18% kể từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn hệ thống.
“Lợi nhuận lũy kế 6 tháng của ngân hàng đạt 205 tỷ đồng sau khi đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro”– đại diện TPBank cho hay.
Nhìn theo dữ liệu này, cả ba thành viên nói trên có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao là yếu tố đầu tiên tạo nên con số lợi nhuận khả quan. So với mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống nửa đầu năm nay (khoảng 7,2%), cả BIDV, Vietcombank và TPBank đều có tốc độ cao hơn hẳn. BIDV dự kiến có thể đạt 9%, Vietcombank đạt 10,76% (cao nhất trong 4 năm qua) và TPBank tăng tới 18%.
Dẫu vậy, cũng theo đánh giá, ít nhất đến hết năm 2018, mặt bằng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ khó có đột biến, bởi trong khoảng 3 năm tới, ngân hàng vẫn phải tập trung xử lý nợ xấu.
Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm nợ xấu xuống dưới 3%, trong đó có giải pháp bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Với thời hạn trích lập dự phòng rủi ro trong 5 năm của trái phiếu đặc biệt VAMC, rõ ràng 3 năm tới, các khoản trích lập vẫn sẽ tiếp tục làm giảm lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, trong khoảng một tháng tới, thị trường sẽ lần lượt đón nhận các thông tin công bố chính thức.
Trong báo cáo của Vietnam Report thực hiện trong tháng 6/2016, theo số liệu thu thập được từ survey các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, 100% số ngân hàng phản hồi tỏ ra lạc quan với triển vọng tài chính của ngân hàng mình trong năm 2016, với 41,7% số ngân hàng đánh giá triển vọng rất khả quan và 58,3% đánh giá tương đối khả quan.Cụ thể, 91,7% số ngân hàng phản hồi nhận định, ngành ngân hàng năm 2016 sẽ tăng trưởng trên 10%, và chỉ 8,3% cho rằng ngành sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn hơn, dưới 10% trong năm nay.