Ngân hàng lại tăng lãi suất


Lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục nhích lên trong bối cảnh nhu cầu vốn cuối năm tăng cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lãnh đạo nhiều ngân hàng (NH) thương mại nhìn nhận áp lực tăng lãi suất cho vay là khó tránh khi mặt bằng lãi suất huy động nhích lên nhưng doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Lãi suất gửi trên 8%/năm ngày càng nhiều

Nhân viên tư vấn NH TMCP Quốc dân (NCB) cho biết biểu lãi suất tiền gửi thông thường của NH không thay đổi nhưng lãi suất tăng mạnh ở một số sản phẩm tiết kiệm, mức cao nhất có thể lên đến 8,8%/năm. Theo đó, khách hàng chỉ cần gửi tiết kiệm từ 50 triệu đồng trở lên, tham gia sản phẩm Tiết kiệm An Phú sẽ hưởng lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn từ 7 tháng. Mức lãi suất cao nhất NCB đang áp dụng là 8,8%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm 500 triệu đồng từ 24 tháng...

Trong khi đó, NH TMCP Quốc tế (VIB) vừa triển khai chương trình tiết kiệm gửi 1 nhận 3 ưu đãi lãi suất, bao gồm 0,1%/năm lãi suất tặng thêm và 1% lãi suất trên toàn bộ tiền lãi và lãi suất tiền gửi. Hiện NH này đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi khá cao so với mặt bằng thị trường, từ 7,2%- 7,6%/năm với các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và từ 7,5%-8%/năm với các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.

Mới đây, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng triển khai chương trình ưu đãi ở sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Khách hàng mở mới sổ tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng trong thời gian khuyến mãi được hưởng lãi suất tới 8,2%/năm. Đây là một trong những mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường ở kỳ hạn 9 tháng.

Tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất cao nhất lên tới 8,4%/năm khi khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi gửi kỳ hạn từ 24-36 tháng. Trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ đầu tháng 7, nếu gửi tiết kiệm trực tuyến tại NH TMCP Nam Á kỳ hạn 36 tháng lãi suất tới 8,7%/năm, cao hơn nhiều mức gửi tại quầy.

Theo ghi nhận, mặt bằng lãi suất gửi từ 8%/năm trở lên đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các NH như Bản Việt, LienVietPostBank, SCB... Không chỉ NH quy mô nhỏ như trước mà một số NH quy mô lớn hơn cũng đẩy mặt bằng lãi suất lên cao.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB, cho biết việc tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc những tháng cuối năm.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài để thu hút người gửi tiết kiệm. Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài để thu hút người gửi tiết kiệm. Ảnh: TẤN THẠNH

Lãi suất cho vay chịu áp lực

Theo các NH, lãi suất tiền gửi được điều chỉnh tăng chủ yếu ở các kỳ hạn dài, nhằm giúp cơ cấu lại nguồn vốn huy động, đáp ứng quy định của NHNN về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Một số NH khác tăng lãi suất để kéo khách trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Theo số liệu của NH Nhà nước nửa đầu năm, huy động vốn chỉ tăng 6,87%, so với mức 7,78%/năm ở cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số NH thương mại cho biết lãi suất đầu vào còn đang chịu áp lực từ việc nhiều DN địa ốc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao từ 12%-14%/năm khiến nhà đầu tư, người gửi tiền có xu hướng chuyển sang mua trái phiếu DN thay vì gửi tiết kiệm NH. "Dù xu hướng các công ty phát hành trái phiếu DN để huy động vốn là tín hiệu tốt, tích cực nhằm giảm bớt áp lực vốn từ hệ thống NH thương mại nhưng cũng tạo sứp ép khiến một số NH phải đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên cao để cạnh tranh thu hút người gửi tiền" - tổng giám đốc một NH cổ phần, trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận.

Và trong xu hướng lãi suất đầu vào đi lên, áp lực với lãi suất cho vay là khó tránh. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn phân tích lãi suất đầu vào không giảm, trong khi tín dụng được kiểm soát chặt, nhất là ở những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... sẽ khiến lãi suất cho vay tăng. Bài toán lợi nhuận khiến NH khó thể neo lãi suất cho vay ở mức thấp như hiện tại.

Mới đây, một số NH được nới chỉ tiêu (room) tín dụng so với hạn mức được cấp hồi đầu năm, lên phổ biến 16%-17% so với trước. Tuy nhiên, theo vị phó tổng giám đốc NH cổ phần trên, nới room tín dụng nhưng chỉ được bơm vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên. Do đó, lãi suất cho vay lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, vay tiêu dùng... khó tránh tăng lên, chưa kể tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm cũng ảnh hưởng đáng kể tới việc giải ngân các dự án trung dài hạn của DN.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Quang Tín lại tỏ ra không mấy lo lắng việc lãi suất huy động tăng sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Bởi lãi suất huy động chỉ tăng ở vài kỳ hạn nhất định, trong khi mặt bằng lãi suất chung vẫn khá ổn định. Dẫn chứng là lãi suất liên NH hiện ở mức rất thấp, kỳ hạn qua đêm và 1 tuần đang giảm khá mạnh, chỉ còn 2,98%/năm và 3,09%/năm. "Ngay cả việc nhiều NH được nới room tín dụng, nếu đặt trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, tỷ giá giảm trong 2-3 tháng qua, dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục, chất lượng cho vay tốt, việc NH được cấp thêm hạn mức để cung ứng vốn ra thị trường là điều hợp lý" - TS. Bùi Quang Tín nhận định. 

Một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN khẳng định động thái một số NH tăng lãi suất huy động gần đây chỉ mang tính chất cục bộ, thanh khoản của hệ thống vẫn rất tốt và mặt bằng lãi suất liên NH ở mức thấp. Vị tổng giám đốc NH cổ phần tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng lãi suất đang tăng nhưng mang tính thời điểm chứ chưa phản ánh xu hướng từ nay đến cuối năm. Cần theo dõi diễn biến thị trường, nếu lãi suất tiếp tục tăng trong 1-2 tháng tới mới tạo áp lực lãi suất cho vay mùa cuối năm.

"Ngay cả biến động trên thị trường vàng gần đây cũng phần nào gây áp lực lên lãi suất. Chỉ trong khoảng 2 tháng, giá vàng đã tăng thêm 8%-10%, trong khi lãi suất gửi cả năm cũng chỉ khoảng 8%/năm đã gây sức ép lên việc lựa chọn kênh đầu tư của người dân" - vị tổng giám đốc NH phân tích thêm.