Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất gửi tiết kiệm

Theo nhadautu.vn

Nhằm thu hút vốn đầu vào và chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm, nhiều ngân hàng đã tiếp tục tăng mạnh lãi suất gửi tiết kiệm.

Một loạt ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất gửi tiết kiệm. Nguồn: internet
Một loạt ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất gửi tiết kiệm. Nguồn: internet

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mới đây đã cho biết hiện ngân hàng này đang triển khai chương trình ưu đãi ở sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền với lãi suất hấp dẫn.

Cụ thể, khách hàng mở mới sổ tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng trong thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi 8,2%/năm. Đây là một trong những mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường ở kỳ hạn 9 tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, việc tăng lãi suất huy động vốn trung, dài hạn nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc những tháng cuối năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Như Eximbank công bố biểu lãi suất tiền gửi bằng VNĐ thông thường kỳ hạn 36 tháng là 8%/năm nhưng nếu khách hàng tham gia chương trình khuyến mại, lãi suất lên tới 8,4%/năm ở các kỳ hạn từ 24-36 tháng kèm quà tặng ngay.

Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-9 tháng tại Eximbank cũng tăng lên 7,8%/năm, tăng khoảng 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước.

VIB tăng đồng loạt 0,1 điểm % lãi suất ở các kì hạ, chỉ riêng kì hạn 12,13 tháng là bị điều chỉnh giảm từ 8,4% - 8,19% (đối với số tiền gửi lớn từ 500 tỷ đồng).

Theo bảng thống kê, mức lãi suất ngân hàng cao nhất hiện nay là 8,6%/năm được áp dụng tại ba ngân hàng gồm: TPBank, VIB và Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank). Trong đó, tại ngân hàng Bản Việt là áp dụng cho các khoản tiền gửi thông thường trong khi tại hai ngân hàng còn lại phải có số tiền gửi lớn từ 100 tỷ đồng đối với TPBank và từ 500 tỷ đồng đối với VIB.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cũng đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi qua kênh trực tuyến. Trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng từ đầu tháng 7, lãi suất tiền gửi thông thường của Nam A Bank kỳ hạn từ 25-36 tháng là 7,9%/năm. Tuy nhiên, nếu gửi tiết kiệm trực tuyến, cũng kỳ hạn 36 tháng lãi suất tới 8,7%/năm.

Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, lãi suất đầu vào nhích lên ở một vài kỳ hạn do việc cơ cấu lại nguồn vốn của từng ngân hàng. Việc lãi suất nhích lên mang tính chất cục bộ chứ không hẳn là vấn đề thanh khoản của ngân hàng.

Trước đó, đã có ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng sẽ được hưởng lãi suất hằng tháng 8,38%/năm trong khi lãi cuối kỳ lên tới 9,1%/năm.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều hành chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm đã giữ mặt bằng lãi suất khá ổn định.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến đầu tháng 7, lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 4,5%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; từ 5,5%-6,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 5 đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,6-7,3%/năm.

Hiện nay, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến khoảng 6% - 9%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9%-11%/năm đối với trung dài hạn.