Ngân hàng liên tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Minh Lâm

Hoạt động phát hành trái phiếu của nhóm Tài chính – Ngân hàng chiếm khoảng 79% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 12/2023, với lãi suất khoảng 5,1% - 7,5%/năm.

Theo số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tính đến ngày 22/12, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 12 ước đạt hơn 16,7 nghìn tỷ đồng, hoạt động phát hành sụt giảm đáng kể giảm 57% so với tháng trước.

Hình 1: Dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam theo quý (nghìn tỷ đồng)

Nguồn: MBS
Nguồn: MBS

Lũy kế 12 tháng, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 268 nghìn tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ. Lãi suất TPDN bình quân trong 12 tháng năm 2023 đạt 8,3%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022. Đặc biệt, trong tháng 11 ghi nhận đợt phát hành trái phiếu ra quốc tế thuộc về Tập đoàn Vingroup với tổng giá trị phát hàn là 250 triệu USD với kỳ hạn là 5 năm.

Nhóm Tài chính – Ngân hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 79% giá trị phát hành trong tháng, lợi suất vào khoảng 5,1% - 7,5%. Trong đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là tổ chức phát hành giá trị lớn nhất trong tháng 11 với 6.298 tỷ đồng, trong đó 3.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 5,8% và 3.298,1 tỷ đồng phát hành với lãi suất 7.03%, thời hạn 2-10 năm.

Hình 2: Cơ cấu giá trị TPDN phát hành lũy kế từ năm 2023 theo ngành (Đơn vị: Nghìn tỷ đồng)

Nguồn: MBS
Nguồn: MBS

Lãi suất cao nhất trong tháng là 12% ghi nhận từ đợt chào bán 2.000 tỷ đồng của CTCP Vinhomes. Đáng chú ý, lãi suất phát hành TPDN của nhóm Ngân hàng có xu hướng nhích lên trong tháng 12 sau nhiều tháng giảm điểm. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy lãi suất huy động của ngân hàng khó giảm thêm nữa. 

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 138.3 nghìn tỷ đồng, (tăng 1% so với cùng kỳ) chiếm tỷ trọng 51% so với tổng giá trị. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu Ngân hàng là 6,7%/năm, kỳ hạn bình quân 4,8 năm.

Hình 3: Giá trị TPDN phát hành thành công của các nhóm ngành trong lũy kế từ đầu năm (Đơn vị: Nghìn tỷ đồng)

Nguồn: MBS
Nguồn: MBS

Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với giá trị phát hành là 18,9 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với giá trị phát hành trái phiếu 17,3 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) với giá trị phát hành trái phiếu 15,5 nghìn tỷ đồng.

Xếp sau là nhóm ngành Bất động sản (BĐS) với tổng giá trị phát hành đạt 77,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 29%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu BĐS vẫn là 9,9%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,4 năm.

Các doanh nghiệp BĐS phát hành giá trị lớn nhất gồm có: Công ty TNHH Capitaland Tower (12,2 nghìn tỷ đồng), CTCP Vinhomes (9 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô Thị Hưng Yên (7,2 nghìn tỷ đồng). 

Về hoạt động mua lại TPDN đã có sự tăng tốc trong tháng cuối cùng của năm 2023, với giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 21,2 nghìn tỷ đồng, tăng 94% so với tháng trước.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 227 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, tăng 1% so với cùng kỳ, trong đó nhóm ngành Ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 49% tổng giá trị mua lại, nhóm ngành BĐS và xây dựng lần lượt chiếm tỷ trọng 14% và 13%. 

Tính đến ngày 22/12, đã có khoảng 103 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. MBS uớc tính tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192,6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành BĐS tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.