Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu ngân hàng và doanh nghiệp
Lãi suất trái phiếu của các ngân hàng thương mại phát hành dao động quanh ngưỡng 5% -7%, trong khi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ở mức 10%-12%.
Trong tuần qua (20/10-3/11), Techcombank (TCB) thông báo phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 5%/năm.
Mức lãi suất trái phiếu của Techcombank thấp hơn nhiều so với các tổ chức phát hành khác cùng ngành khác thông báo trong vòng một tháng như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) là 6,8%/năm; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 6,2%/năm; Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) là 7,05%/năm; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là 6%.
Trước đó không lâu, Ngân hàng Quốc tế (VIB) thông báo phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 5,8%/năm. Mức lãi suất lô trái phiếu vừa phát hành Techcombank được xem như thấp nhất ngành Ngân hàng trong một năm trở lại đây.
Thực tế, trong năm 2022, nhiều ngân hàng thương mại huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất năm khoảng 3 – 5%. Trung tuần tháng 4 năm ngoái, VIB phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm lãi suất 3%. Nhiều lô trái phiếu được các tổ chức tín dụng phát hành trong tháng 4 – 5/2022 với lãi suất 3 – 4%/năm.
Theo dõi hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, các ngân hàng thương mại có lợi thế nhất về vốn. Tuy nhiên, thị trường đã chứng kiến ngân hàng không thể phát hành thành công trái phiếu dù trả mức lợi suất cao hơn nhiều những tổ chức vừa nêu trên.
Đứng thứ hai về lãi suất phát hành trái phiếu là nhóm công ty chứng khoán, ghi nhận quanh 10%/năm. Một số tổ chức công ty con của các ngân hàng phát hành với mức lãi thấp hơn (8 – 10%/năm), nhưng cũng có đơn vị chấp nhận mức lãi suất 12%/năm. Nhóm chấp nhận lãi suất cao nhất vẫn là nhóm địa ốc, sản xuất công nghiệp.
Trong tháng 8/2023, VinFast (NASDAQ:VFS) phát hành 3 lô trái phiếu với lãi suất quanh 14,5%/năm. Những lô trái phiếu của CTCP Hàng không VietJet (VJC) có phần thấp hơn, nhưng không thấp hơn 12%. Ngưỡng 12% có thể được xem như mức tối thiểu những nhà phát hành phải trả nếu như muốn huy động vốn thành công qua kênh trái phiếu trong thời điểm này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải trả phí tư vấn, tiền cho đại lý phân phối, nên mức lãi suất trên có thể phải cộng thêm 1-2%. Trong năm nay, thị trường có một số lô trái phiếu đặc biệt như lô trái phiếu lãi suất 0% của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên phát hành trong tháng 3. Trong tháng 8, Công ty TNHH Capitaland Tower cũng phát hành 4 lô trái phiếu có lãi suất 1%/năm.
Theo TCBS, trên thị trường thứ cấp, lợi suất trung bình của trái phiếu đã về quanh mức an toàn khoảng 8%-10% như năm 2021, phản ánh tâm lý của nhà đầu tư chuộng "an toàn" sau giai đoạn chạy theo lợi suất lên đến hơn 20%/năm.
Sau cú sốc thị trường năm 2022, nhà đầu tư đã thông minh và cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn các trái phiếu an toàn, khi lãi suất không còn là yếu tố tiên quyết.
Đại diện Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) – đơn vị tư vấn cho nhiều lô trái phiếu phát hành thành công và cũng là tổ chức nắm giữ gần 70% thị phần tư vấn trái phiếu doanh nghiệp nhận định nhà đầu tư sẽ tìm mua những trái phiếu có lãi suất có thể thấp hơn 0,5-1 điểm phần trăm, song là phương án an toàn với nhà đầu tư.