Thống đốc Lê Minh Hưng:
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính kết hợp bố trí nguồn tăng vốn ngân hàng
Sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa, quản lý thị trường chứng khoán và sau còn là câu chuyện tăng vốn tài các ngân hàng có vốn Nhà nước đã được Thống đốc giải trình trước Quốc hội.
Trong phiên thảo luận Quốc hội chiều ngày 29/10 về ngân sách nhà nước, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng giải trình sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Ngoài các phiên họp thường kỳ hàng tháng, Chính phủ có tổ công tác điều hành vĩ mô, ban chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban,... phối hợp, điều hành các chính sách với mục tiêu cuối cùng là ổn định vĩ mô.
Sự phối hợp này bao gồm cả công tác điều hành lạm phát, tỷ giá và cả trong quản lý thị trường chứng khoán. Trong tương lai, NHNN và Bộ Tài chính sẽ còn kết hợp trong việc bố trí nguồn tăng vốn các ngân hàng.
Trong quản lý thị trường chứng khoán, NHNN đã góp phần kiểm soát tín dụng vào chứng khoán để hạn chế tiền nóng.
"NHNN và Bộ Tài chính thường xuyên phối hợp, điều hành tín dụng nhất quán, kiểm soát chất lượng tín dụng đặc biệt là tín dụng chảy vào thị trường chứng khoán, đảm bảo dòng tiền ổn định chảy vào thị trường", Thống đốc cho hay.
Khi thị trường có diễn biến bất thường, các Bộ trưởng và Thống đốc phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời công bố các thông tin định kỳ cho thị trường. Tương tự, với các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm, các Bộ cũng phối hợp thông tin định kỳ, kỹ lưỡng, minh bạch để tạo điều kiện cho các tổ chức đánh giá khách quan, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư.
Đối với điều hành kiểm soát lạm phát, NHNN điều hành ổn định và hiệu quả của chính sách tiền tệ tạo dư địa cho các Bộ ngành trong đó có Bộ Tài chính điều hành các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá giúp lạm phát đạt mục tiêu.
NHNN và Bộ Tài chính phối hợp điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa đã giúp lạm phát cơ bản giữ được ở mức thấp.
Cùng đó, hai Bộ cũng điều tiết lượng tiền gửi KBNN về NHNN để ổn định thanh khoản và lãi suất, không gây sức ép lên thị trường tiền tệ, lạm phát.
Thống đốc cho biết nhu cầu phát hành trái phiếu lớn từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Sự phối hợp giữa các bộ đã giúp điều hành vừa đảm bảo nhu cầu Trái phiếu Chính phủ, vừa tăng kỳ hạn vừa giảm lãi suất.
Trong điều hành tỷ giá, NHNN phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuyên suốt ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trên cơ sở cân đối nghĩa vụ nợ nước ngoài, cán cân thương mại, kiều hối, kiểm soát lạm phát, củng cố niềm tin các nhà đầu tư, tỷ giá được giữ ổn định, thị trường ngoại hối thông suốt. Một trong các mục tiêu ổn định là giảm áp lực trả nợ nước ngoài của ngân sách.
Đối với các vấn đề liên quan đến ODA, người đứng đầu NHNN cho biết đã bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến vay vốn tổ chức quốc tế cho Bộ Tài chính để Bộ này tiếp quản nghĩa vụ đại diện vay nợ theo quy định của Luật quản lý nợ công.
Theo tinh thần Nghị định Nghị định 132/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 16/2016/NĐ-CP sử dụng vốn vay ưu đãi, NHNN tiếp tục phối hợp Bộ hoàn thiện quy định để quản lý ODA theo quy định Luật quản lý nợ công.
Ngoài ra, với tư cách đại diện Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, NHNN tiếp tục làm việc các nhà tài trợ để tiếp tục hỗ trợ chính sách Việt Nam phát triển kinh tế, tiếp tục đàm phán giúp có giai đoạn chuyển đổi sau khi tốt nghiệp IDA thông qua hoãn việc trả nợ nhanh và có hình thức ưu đãi phù hợp.