Ngân hàng Phát triển châu Á tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam
Ngày 8/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí nhằm trao đổi về Báo cáo quan trọng mới được công bố với chủ đề "Đáp ứng Nhu cầu về Cơ sở hạ tầng của châu Á” cũng như việc hỗ trợ cho phát triển hạ tầng ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chuyên trách quản lý tri thức và phát triển bền vững cho biết: Bản báo cáo mới được ADB công bố trên chủ yếu bao quát các nhu cầu cơ sở hạ tầng cơ bản trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, viễn thông, cấp nước và vệ sinh.
Đây là những lĩnh vực then chốt cho phát triến kinh tế và giảm nghèo. Điều đó càng được khẳng định khi bối cảnh phát triển năng động của châu Á và Thái Bình Dương vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức và định hình về tăng trưởng cân bằng và được chia sẻ.
Những thách thức chủ yếu gồm: tăng trưởng nhanh của các thành viên Ngân hàng Phát triển châu Á sang vị thế quốc gia thu nhập trung bình, dẫn tới sự dịch chuyển hướng tới các nền kinh tế dựa trên tri thức; những thay đổi về nhân khẩu học do tuổi thọ kéo dài, dẫn tới tăng nhóm dân số già; đô thị hóa nhanh dẫn tới sự hình thành các đại đô thị, đòi hỏi sự chuyển đổi trong quá trình ra quyết định thể chế để cải thiện tính đáng sống; bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội gia tăng kể từ đầu thập niên 1990, dẫn tới tăng trưởng kém đồng đều hơn và gia tăng đáng kể các nguy cơ do biến đổi khí hậu và thiên tai.
Tại cuộc gặp báo chí, khuyến cáo chính sách để các quốc gia thành viên Ngân hàng Phát triển châu Á, trong đó có Việt Nam có thể lấp đầy khoảng cách trong đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Bambang Susantono cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cải cách tài khóa, trong đó có cải cách thuế, tái định hướng chi tiêu, thận trọng khi vay mượn, các khoản thu ngoài thuế.
Bên cạnh đó,Việt Nam cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, tận dụng nhiều hơn phương thức hợp tác công tư; làm sâu sắc hơn các thị trường vốn. Ngoài ra, Chính phủ cần lên danh mục ưu tiên các khoản chi tiêu cũng như sắp xếp thứ tự để đầu tư.
Cũng tại buổi gặp, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đã trao đổi một số nội dung liên quan đến việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào các cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước đầu tư cho hạ tầng có giới hạn. Vai trò của Ngân hàng phát triển châu Á trong việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của khu vực công và tư nhân trong thời gian tới.
Những điểm nổi bật của Báo cáo “Đáp ứng Nhu cầu về Cơ sở hạ tầng của châu Á" cho thấy, châu Á đang phát triển sẽ cần đầu tư 26 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2016 tới 2030, tương đương 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, nếu khu vực muốn duy trì đà tăng trưởng, xóa nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu (số liệu ước tính đã điều chỉnh để gồm cả biến đổi khí hậu). Nếu không tính chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, nhu cầu vốn sẽ là 22,6 nghìn tỷ USD, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm (ước tính dữ liệu cơ sở).
Trong tổng nhu cầu vốn đầu tư đã điều chỉnh theo biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016-2030, lĩnh vực năng lượng chiếm 14,7 nghìn tỷ USD và giao thông chiếm 8,4 nghìn tỷ USD. Đầu tư trong lĩnh vực viễn thông sẽ đạt 2,3 nghìn tỷ USD, còn nước và vệ sinh có mức chi phí là 800 tỷ USD trong cả giai đoạn.
Đông Á sẽ chiếm 61% nhu cầu vốn đầu tư đã điều chỉnh theo biến đổi khí hậu tính tới năm 2030. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ trên GDP, Thái Bình Dương sẽ vượt tất cả các tiểu vùng khác, với nhu cầu đầu tư chiếm tới 9,1% GDP. Tiếp đó là khu vực Nam Á với 8,8%, Trung Á: 7,8%, Đông Nam Á: 5,7% và Đông Á: 5,2% GDP.