Ngân hàng số tại Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị phát triển
Bài viết nghiên cứu về thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam, tìm hiểu những động lực phát triển, những thách thức, khó khăn mà quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này đang gặp phải.
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng dưới sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã có nhiều thay đổi tích cực. Cùng với đó, nhờ lợi thế về dân số trẻ và tác động từ đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng mạnh mẽ. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, hoạt động ngân hàng số của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Bài viết nghiên cứu về thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam, tìm hiểu những động lực phát triển, những thách thức, khó khăn mà quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này đang gặp phải.
Giới thiệu
Hội nhập quốc tế là xu hướng chung, diễn ra một cách toàn diện trong toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế. Ngành Ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính nói chung đang đón nhận nhiều nguồn lực để phát triển. Các ngân hàng nước ngoài cũng đã tham gia vào thị trường ngân hàng Việt Nam không chỉ thông qua hoạt động thành lập các chi nhánh ngân hàng, văn phòng đại điện mà còn qua góp vốn đầu tư. Điều này tạo ra những cơ hội và thách thức, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động đến mọi mặt, mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Thúc đẩy đổi mới công nghệ, hướng tới mô hình ngân hàng hiện đại, trên cơ sở vận dụng CMCN 4.0 là mục tiêu đặt ra của ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đổi mới công nghệ đang ngày càng hiện diện sâu và rộng trong nền kinh tế với những ứng dụng các công nghệ: Big Data, Blockchain, Fintech… ngành Ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc “chuyển mình” trong CMCN 4.0.
Thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam
Hành lang pháp lý
Ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”, xác định ngành tài chính ngân hàng là một trong những ngành ưu tiên, trọng tâm và tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số. Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW. Cụ thể, Quyết định số 749/QÐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 810/QÐ-NHNN “phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 1097/QĐ-NHNN ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 của ngành Ngân hàng...
Các chủ trương, chính sách trên là tiền đề cho đổi mới công nghệ và khẳng định, chuyển đổi số ngân hàng có tác động xã hội liên quan hằng ngày đến người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, cần ưu tiên chuyển đổi số trước để nhanh chóng nắm bắt theo kịp sự chuyển dịch của công nghệ (M.P, 2021). Đổi mới công nghệ trong ngành Ngân hàng hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống ngân hàng thông minh, áp dụng chuyển đổi số làm nền tảng.
Động lực phát triển
Thứ nhất, Việt Nam có lực lượng dân số trẻ đang trong độ tuổi lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2022, dân số Việt Nam khoảng 99,46 triệu người, trong đó 37,3% sinh sống tại khu vực đô thị. Lực lượng lao động dồi dào, khoảng 51,7 triệu người. Đây là đối tượng tiếp cận nhanh chóng với nền tảng công nghệ là khách hàng của ngành Ngân hàng và cũng là đối tượng sẽ thụ hưởng những biến động tích cực là quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngân hàng số như hiện nay.
Thứ hai, tác động của đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều tổn thất cho nền kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên, cũng chính từ đó đã tạo ra thói quen sử dụng không tiền mặt thông qua các kênh ngân hàng điện tử, kênh giao dịch online một cách bùng nổ mạnh mẽ.
Theo Vụ Thanh toán – NHNN, giao dịch thanh toán thông qua kênh Giao dịch thanh toán nội địa qua Internet và Mobile Banking đã có những chuyển biến rất lớn. Trong quý IV/2022, số lượng giao dịch qua Internet và Mobile Banking đạt hơn 1,5 tỷ món giao dịch, tổng doanh số 13.272.494 tỷ đồng. Tăng trưởng so với cùng kỳ quý IV/2021 về số lượng hơn 2 lần và giá trị giao dịch hơn 1,5 lần. Điều này cho thấy, kênh giao dịch hiện đại là xu hướng phát triển của ngành Ngân hàng. Trong đó, giao dịch qua Mobile banking chiếm ưu thế về số lượng giao dịch nhưng giá trị giao dịch thấp hơn kênh Internet banking.
Xét về cơ cấu tỷ trọng, giao dịch qua kênh Mobile banking đang chiếm ưu thế trong cơ chế tỷ trọng hơn so với kênh Internet banking: Số lượng giao dịch, Mobile tăng trưởng tỷ trọng từ mức 76,9% vào quý IV/2021 lên 77,7% quý IV/2022; cơ cấu giá trị giao dịch quý IV/2022 chiếm 45,4% tăng 3,4% tỷ trong so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, phát triển kênh giao dịch ngân hàng số là hợp lý của ngân hàng, đặc biệt là kênh ngân hàng số thông qua ứng dụng trên điện thoại di động hiện nay.
Triển khai ngân hàng số tại các ngân hàng Việt Nam
CMCN 4.0 là cú hích lớn cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong cuộc sống. Theo Nguyen, T.H và Do, T.B.H (2017), ngân hàng không phải là một trong chín lĩnh vực sẽ chịu tác động lớn từ cuộc đại cách mạng này, nhưng thực tế, ngành Ngân hàng đã chủ động chuyển mình để đáp ứng CMCN 4.0. Chính chuyển đổi số được xem là đòn bẩy tạo sức bật rất lớn cho sự phát triển của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tới.
Không đứng ngoài xu thế trên, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã triển khai và đạt được một số thành công nhất định trong việc số hóa hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Phát triển ứng dụng ngân hàng số
Các dịch vụ trực tuyến trên điện thoại di động ra đời cùng thời điểm với sự phát triển của Internet vào những năm cuối của thế kỷ XX. Tại thời điểm đó, hoạt động ngân hàng trực tuyến trên di động chủ yếu là tin nhắn SMS hay còn gọi là SMS Mobile. Hoạt động này gần như bị dồn nén trong vòng gần 20 năm trước khi bước qua bước ngoặc lớn cho sự bùng nổ. Ngành Viễn thông nhanh chóng phát triển, các thế hệ điện thoại di động nhiều tính năng nhỏ gọn được ra đời với giá ngày càng cạnh tranh, hấp dẫn từ các thương hiệu như: Iphone, Samsung, Huawei, Xiaomi...
Bảng 1: Giao dịch thanh toán nội địa qua Internet, Mobile Banking (Món, Tỷ Đồng) |
||||
Chỉ tiêu |
Quý IV/2022 |
Quý IV/2021 |
||
Số lượng giao dịch |
Giá trị giao dịch |
Số lượng giao dịch |
Giá trị giao dịch |
|
Internet |
453.858.701 |
15.933.632 |
214.712.794 |
11.264.690 |
Mobile Banking |
1.579.777.519 |
13.272.494 |
712.919.032 |
8.140.533 |
Tổng cộng |
2.033.636.220 |
29.206.126 |
927.631.826 |
19.405.223 |
Nguồn: Vụ Thanh toán-NHNN và tính toán của tác giả
Số liệu đến ngày 08/3/2023 cho thấy, đối với người dùng hệ điều hành IOS của Apple lượng tải về của các ứng dụng ngân hàng số hiện đang lần lượt thuộc về Techcombank Mobile, MB Bank, MyVIB2.0… Các Big 4 ngành Ngân hàng lần lượt xếp ở vị trí từ 4 đến 7 là: VCB Digital, Vietinbank Ipay, SmartBanking của BIDV và Agribank E-Mobile Banking. Các ứng dụng tài chính phi ngân hàng khác cũng đang có nhiều bước chuyển mình trên kho ứng dụng của IOS với vị trí thứ 3 của ứng dụng Momo, thứ 6 của Viettel Money. Với CH Play, kho ứng của hệ điều hành Androi các thứ hạng lại có sự biến chuyển. Ba vị trí dẫn đầu thuộc MB Bank, VCB Digibank và Agribank E-Mobile Banking. Các ứng dụng của Vietinbank, Techcombank xếp các vị trí lần lượt tiếp theo.
Một số ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại nổi bật
Ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) là một trong những ngân hàng đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực ngân hàng số tại Việt Nam. MyVIB2.0 và công nghệ Ứng dụng gốc trên nền tảng đám mây. Công nghệ này có ưu điểm vượt trội như: tăng năng lực vận hành của hệ thống, tăng tính an toàn, bảo mật thông tin, tăng khả năng hoạt động độc lập của từng dịch vụ, hạn chế mức độ ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra. Tấn công dịch vụ, kiến trúc điện toán đám mây gốc trên nền tảng đám mây sẽ khởi đầu cho tốc độ nhanh và ổn định của VIB trong việc đáp ứng nhu cầu và cải thiện trải nghiệm người dùng ngân hàng số.
Giá cả không còn là yếu tố tiên quyết khi khách hàng lựa chọn dịch vụ ngân hàng mà đó là sự trải nghiệm những sản phẩm dịch vụ. Các ngân hàng đang tích cực trong cuộc đua giành lấy thị trường ngân hàng số. Vietinbank đã tập trung nguồn lực và nhân lực cho sự phát triển cũng như sức bật của Vietinbank Ipay Mobile. Ứng dụng ngân hàng số này không chỉ mang đến các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng mà còn là một siêu ứng dụng với đầy đủ các tính năng nhu cầu của khách hàng gói gọn trong một ứng dụng.
Ứng dụng công nghệ AI
Một trong những ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực ngân hàng đó là chatbot. Cùng với việc áp dụng đồng bộ các nền tảng của AI, dữ liệu lớn (Big Data), học máy (Machine learning) và xử lý ngôn ngữ (Natural language processing). Công nghệ chatbot mang đến cho người dùng tương tác bằng phương thức nhập dữ liệu thông tin như giọng nói, cử chỉ, chạm, văn bản. Tại Việt Nam, chatbot có nhiều tên gọi khác nhau như trợ lý AI, trợ lý khách hàng ảo, trợ lý thông minh. Chatbot ngày càng trở biến trên các nền tảng xã hội đặc biệt là Facebook.
Một số ngân hàng Việt Nam đang sử dụng ứng dụng chatbot trong Fanpage của mình: Vietinbank với chatbot “Trợ lý ảo Vietinbank” cung cấp đầy đủ cho khách hàng các thông tin về dịch vụ thẻ (tra soát khiếu nại, khóa thẻ/khóa tài khoản, báo lỗi thẻ…), tra cứu thông tin tài chính như tỷ giá/lãi suất, biểu phí dịch vụ và các sản phẩm dịch vụ khác của ngân hàng.
Sari – là tên gọi của trợ lý thông minh của Sacombank với hai tính năng cụ thể nhanh chóng là tư vấn sản phẩm dịch vụ và hỗ trợ nhanh cho khách hàng khi cần thiết. Sacombank là một trong số ít các ngân hàng có dịch vụ chatbot cho cả mảng khách hàng khách hàng. Tính năng, giao dịch và cách thức tương tác của Sari thân thiện và tạo sự thoải mái cho người dùng.
Ứng dụng robot – RPA
RPA là viết tắt của cụm từ Robotic Process Automation, tạm dịch tự động hóa. RPA là hình thức tự động hóa Quy trình bằng robot software, giúp cho việc quản lý, tìm kiếm thông tin, dữ liệu, xử lý các giao dịch và giao tiếp với các hệ thống được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả và thống nhất (thay thế các thao tác thủ công, lặp đi lặp lại, trên nhiều hệ thống). Tự động hóa các quy trình nêu trên bằng robot (RPA) là xu hướng mà ngân hàng truyền thống bắt buộc phải chuyển đổi nhằm cạnh tranh với chính các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại mà chính ngân hàng đang cung cấp.
Lợi ích của RPA mang đến cho cả khách hàng, ngân hàng. Giúp giảm thiểu thời gian chờ khi trải nghiệm dịch vụ ngân hàng tại điểm giao dịch; gia tăng năng suất lao động, giảm thiểu những sai sót, tăng hiệu quả kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Điển hình tại Vietinbank, RPA đang được áp dụng trong sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiêm bằng VND. Thời gian tiết kiệm của trung bình một hồ sơ tác nghiệp trên hệ thống Vietinbank giảm còn 20 phút so với hơn 58 phút hiện tại (giảm thời gian chờ đợi và tăng trải nghiệm cũng như sự hài lòng của Khách hàng).
Một số khó khăn thách thức đặt ra
Hành lang pháp lý chưa đầy đủ
Hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa theo kịp những biến đổi của đời sống xã hội luôn là điểm yếu cố hữu của tư pháp Việt Nam. Nhiều văn bản đã được ban hành nhưng chưa theo kịp tốc độ của công nghệ ngành Ngân hàng như: Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã được ban hành từ năm 2012 đến nay. Mặc dù, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2016/NĐ-CP và một phần Nghị định số 16/2019/NĐ-CP nhưng đến nay đã khá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Các cơ sở pháp lý hiện tại tập trung chủ yếu vào phát triển kênh thanh toán như mở tài khoản, giao dịch trên điện thoại. Các sản phẩm cấp tín dụng online trên ứng dụng di động vẫn còn nhiều hạn chế do chưa có cơ sở pháp lý vững chắc.
Tội phạm công nghệ ngành Ngân hàng gia tăng
Cùng với sự phát triển công nghệ của bất kỳ ngành nào cũng kéo theo sự gia tăng tội phạm đặc biệt là tội phạm công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Với tốc độ phát triển ngân hàng số trong giai đoạn 2020-2022 vượt mọi dự báo của các chuyên gia. Đây được xem là “mảnh đất” của tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng vẫn đang nhắm vào người dùng là khách hàng với các phương thức xác thực giao dịch thông qua OTP hay mật khẩu – một phương thức đã trở nên khá lạc hậu trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Các đối tượng còn nhắm đến “Chiếc bánh” to hơn là kho dữ liệu thông tin khách hàng mà các ngân hàng đang nắm giữ (Nguyễn Chí Tín, 2022).
Chi phí vốn đầu tư cho chuyển đổi số
Chi phí đầu tư cho công nghệ là rất lớn. Hiện nay, có thể thấy rõ cuộc đua đầu tư công nghệ đang là cuộc chưa không cân sức giữa các nhóm ngân hàng. Các ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, có sự chuẩn bị từ trước cho cuộc cách mạnh này đã thực hiện có bước tiến nhảy vọt. Các ngân hàng có tiềm lực tài chính yếu hơn vẫn đang loay hoay với cuộc chuyển đổi của mình, nhiều ngân hàng vẫn chưa có động thái thay đổi trong hoạt động ngân hàng số.
Nguồn nhân lực chất lượng
Trong bối cảnh đầu tư lớn vào chuyển đổi số, yêu cầu các ngân hàng phải tăng được năng suất lao động của đội ngũ hiện tại. Xu hướng cắt giảm nhân sự tác nghiệp, giao dịch tại quầy đang diễn ra trong ngành ngân hàng khi có công nghệ đã có thể thay thế được con người. Số lượng giao dịch tại quầy thông qua giao dịch viên đã giảm rõ rệt tại các ngân hàng. Nguồn nhân sự chất lượng cao sẽ là cuộc canh tranh không chỉ gay gắt giữa các NHTM mà còn với cả các công ty tài chính (Fintech).
Với nguồn nhân lực ngành Ngân hàng hiện nay vừa thiếu, đôi chỗ lại vừa yếu. Thiếu hụt nhân sự có trình độ chất lượng cao cả về nghiệp vụ ngân hàng, có kỹ năng tốt, nắm bắt được sự thay đổi của công nghệ và vận dụng được vào công việc. Một bộ phận không nhỏ nhân sự có trình độ chuyên môn còn thấp, chậm thay đổi, trình độ ngoại ngữ không tốt, khả năng nắm bắt công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế.
Khuyến nghị, đề xuất
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Các cơ quan hữu quan cần quyết liệt trong việc ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý như sửa đổi để các ngân hàng mang tính toàn diện hơn đặc biệt là các văn bản Luật Giao dịch điện tử, nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; điều chỉnh và cụ thể hóa các hành vi vi phạm pháp luật bằng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng. Việc sớm ban hành các văn bản pháp lý vừa giúp các ngân hàng có đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện công cuộc chuyển đổi số vừa góp phần ngăn chặn, răn đen những tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần được sớm đồng bộ, điều chỉnh ngay những khó khăn vướng mắc về thủ tục khi loại bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu kể từ ngày 01/01/2023. Sớm vận hành cổng kết nối dữ liệu trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện xác thực các thông tin khách hàng thông qua các phương thức điện tử hiện đại.
Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Ngân hàng
Trong bối cảnh hiện nay, nhân lực chất lượng cao vẫn là khó khăn rất lớn của các ngân hàng. Cần sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các trường đại học, các ngân hàng trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực ngân hàng đáp ứng xu thế hiện đại. Các trường đại học nên xây dựng khung chương trình theo hướng hiện đại, có thêm các chuyên ngành mới, học phần mới thiên về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng để đáp ứng tình hình thực tế hiện tại. Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức các hội thảo giữa các đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng nguồn nhân lực để tìm được hướng chung của nhu cầu thị trường lao động nhằm giúp sinh viên ra trường có đẩy đủ kiến thức, nền tảng khả năng khi bước vào môi trường làm việc thực tế.
Nhiều ngân hàng hiện nay đã và đang có các Trường/Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của riêng mình. Cần xây dựng mô hình này hoàn chỉnh hơn nữa, Ban lãnh đạo các Ngân hàng phải luôn xem đào tạo và củng cố, bồi dưỡng kiến thức là nhu cầu bắt buộc sống còn của mỗi ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Ho, N.P; Nguyen, V.T (2019), Ngân hàng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. https://tapchinganhang.gov.vn/ngan-hang-trong-tien-trinh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-sau-rong.htm;
- Huong Giang (2022), Ngân hàng mở rộng tiến trình hội nhập quốc tế. https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-mo-rong-tien-trinh-hoi-nhap-quoc-te-132434.html;
- Pham, T.D (2021), Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu trong hoạt động ngân hàng. https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-xu-huong-tat-yeu-trong-hoat-dong-ngan-hang.htm;
- Nguyen, T.A.N và Nguyen, T.D (2021), Trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng. https://tapchinganhang.gov.vn/tri-tue-nhan-tao-va-cac-ung-dung-trong-linh-vuc-ngan-hang.htm;
- Pham, T.B.L và công sự (2020), Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. https://tapchinganhang.gov.vn/tri-tue-nhan-tao-va-cac-ung-dung-trong-linh-vuc-ngan-hang.htm.