Ngân hàng Trung Quốc có thể hưởng lợi khi Mỹ trừng phạt Nga?
(Tài chính) Nhiều ngân hàng phương Tây sẽ phải ngừng giao dịch với Nga, khiến các khách hàng Nga phải tìm một đối tác mới.
Các ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ hưởng lợi khi mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xấu đi, khiến nhiều ngân hàng Mỹ và châu Âu ngừng giao dịch với Moscow.
Nhiều nhân viên ngân hàng của Nga cho biết, lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga của các nước phương Tây sau khủng hoảng Ukraine đang tạo ra tình huống tương tự Iran. Theo đó, các ngân hàng và doanh nghiệp phương Tây bị cấm giao dịch với các doanh nghiệp nước này.
Ngược lại, lãnh đạo cấp cao một ngân hàng Trung Quốc tại Hong Kong cho biết: “Chúng tôi không có vấn đề gì với Nga. Nếu các ngân hàng Mỹ không thể duy trì hoạt động với khách hàng liên quan đến Nga, thì chúng tôi chắc chắn sẽ chào đón những vị khách này đến với mình.”
Một số nguồn tin trong lĩnh vực tài chính cho biết, một số ngân hàng, bao gồm cả các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, JP Morgan hay Barclays đều đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát nội bộ trong giao dịch có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với chính phủ hoặc công ty Nga.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran khắc nghiệt đến nỗi các ngân hàng quốc tế thường phải hỏi khách liệu họ có đang hoạt động tại Iran hay không. Nếu câu trả lời là có thì các ngân hàng Mỹ sẽ thường phải rút khỏi các hợp đồng giao dịch ngay, thậm chí cho dù khách hàng đó không phải là công ty của Iran.
Trong năm ngoái, Tập đoàn sản xuất xe máy Chongqing Lifan của Trung Quốc dự định niêm yết tại Hong Kong song lại gặp phải nhiều vấn đề xung quanh những giao dịch liên quan tới Iran. Theo đó, ban đầu có rất nhiều ngân hàng Mỹ đã tiếp cận và ngỏ ý đầu tư vào Lifan, song lại rút lui hết khi biết hãng này đang xuất khẩu hàng hóa sang Iran.
Do đó, Lifan phải nhờ tới các ngân hàng châu Á, bao gồm CIMB của Malaysia và một nhóm ngân hàng Trung Quốc để thực hiện kế hoạch trên.
Nga và Trung Quốc ngày càng thắt chặt quan hệ kinh tế trong những năm gần đây. Theo số liệu của Cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương trong năm 2013 lên tới 89,2 tỷ USD. Nga cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 10 của nước này.
Các dự án tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng cũng là trọng điểm của mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Cuối năm ngoái, Nga đã ký một hợp đồng với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc để tài trợ cho một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng Viễn Đông và Nam Siberia trị giá ít nhất 5 tỷ USD.
Trong khi đó, Tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cũng kỳ vọng xuất khẩu khoảng 38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm sang Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2018./.