Ngân hàng tung vốn rẻ, doanh nghiệp chê còn cao

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Mặt bằng lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giảm từ 2-2,5%/năm so với thời điểm đầu năm 2020 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng sự hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn, lãi suất cần phải rẻ hơn nữa.

Các ngân hàng khẳng định, với giá vốn cao như hiện nay, việc đưa lãi suất cho vay về mức  4-5%/năm là rất khó. Nguồn: Internet.
Các ngân hàng khẳng định, với giá vốn cao như hiện nay, việc đưa lãi suất cho vay về mức 4-5%/năm là rất khó. Nguồn: Internet.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn ở một số lĩnh vực ưu tiên tối đa ở mức 5,5%/năm. Lãi suất cho vay USD hiện phổ biến ở mức 3,0-6,0%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2-6,0%/năm.

Lãi vay chưa đáp ứng kỳ vọng

Bước sang tháng 5, các ngân hàng vẫn tiếp tục theo xu hướng giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu sản xuất. Trong đó, 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV giảm 1,5 - 2,5%/năm với hàng chục nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi.

Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần cũng tiếp tục tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, HDBank tung thêm gói 10.000 tỷ đồng, lãi vay giảm 2 - 4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ; Nam A Bank giảm thêm 2 - 2,5%/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Artex Thăng Long cho biết khi nghe tin về việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay, doanh nghiệp rất mừng. Vốn rẻ hơn sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và giá thành sản xuất, tận dụng cơ hội để hồi phục sau dịch bệnh. “Là doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực ưu tiên, Artex luôn được vay vốn ở mức thấp nhất thị trường. Thế nhưng, tôi hy vọng lãi suất sẽ còn giảm xuống nữa”, ông Bình nói.

Mong ước của ông Bình cũng là tâm tư của hàng trăm nghìn doanh nghiệp hiện nay. Chị Lê Thu Trang, chủ một công ty may tư nhân ở Đông Anh cho hay, mặc dù các ngân hàng đã có chính sách giãn, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng trong tình cảnh như hiện nay, việc giảm lãi suất vẫn “như muối bỏ bể”. Chị Trang mong rằng, các ngân hàng sẽ có chính sách giảm mạnh lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp qua cơn “bĩ cực” này…

Mới đây, trong Hội nghị đối thoại Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị doanh nghiệp mong chờ mặt bằng cho vay ở mức 4-5% với tiền đồng và 2-3% với vay USD, nghĩa là mức lãi suất hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Có thể thấy, nếu so với mức lãi suất trong năm 2019, lãi suất hiện nay chủ yếu giảm ở các lĩnh vực ưu tiên, song mức lãi suất cho vay ở các lĩnh vực khác vẫn còn khá cao so với kỳ vọng của doanh nghiệp. Điều này là dễ hiểu, bởi sức chống chịu cũng như khả năng sinh lời của doanh nghiệp đã yếu đi nhiều sau dịch.

Ngân hàng mong huy động vốn giá rẻ

Trước ý kiến của một số doanh nghiệp phản ánh mức miễn giảm lãi còn thấp, chưa được như mong muốn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, việc giảm lãi suất, giãn nợ là do ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp, nguồn hỗ trợ này không phải từ ngân sách. Đây là sự cố gắng lớn của ngân hàng vì bản thân các ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, “nguyên liệu” đầu vào chính là nguồn huy động vốn từ khu vực dân cư và các thành phần kinh tế. Vì vậy, việc giảm lãi vay không phải ngân hàng muốn là được.

“Trong bối cảnh này rất khó khăn huy động nguồn vốn giá rẻ. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, ngân hàng phải tiết giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận để cung cấp cho thị trường những khoản vay ưu đãi nhất với mức lãi giảm từ 2 - 2,5%/năm so với trước đây”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cho hay.

Thực tế, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.

“Với giá vốn cao như hiện nay, việc đưa lãi suất cho vay về mức  4-5%/năm là rất khó”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ và cho biết bản thân ngân hàng cũng mong muốn huy động được vốn giá rẻ để có điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng doanh thu, nhưng điều này cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên, vị này cho rằng nói như vậy không có nghĩa là dư địa giảm lãi vay đã hết. Nếu ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, lạm phát thấp được duy trì, nền tảng vĩ mô ổn định… thì lãi suất có thể giảm thêm. NHNN cũng vẫn có thể tiếp sức cho ngân hàng thương mại giảm lãi vay bằng cách “bơm” thanh khoản, cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu với lãi suất thấp hoặc hạ mức dự trữ bắt buộc.