Ngân hàng và câu chuyện phát triển bền vững
(Taichinh) - Phát triển bền vững (PTBV), theo định nghĩa của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED, là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...
Với Việt Nam, khi hệ thống ngân hàng đã và đang là trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia, kênh dẫn vốn quan trọng cho phát triển thì đây chính là bệ đỡ để quốc gia, nền kinh tế PTBV.
Như vậy, định hướng PTBV của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu bảo đảm sự ổn định bền vững môi trường kinh tế vĩ mô thông qua việc ổn định giá trị đồng tiền, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD, duy trì ổn định tài chính tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Theo đó, ngành Ngân hàng phải đáp ứng được một nội dung cơ bản.
Thứ nhất, hoạch định và thực thi linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ mức lạm phát qua các năm phù hợp với mục tiêu đặt ra trong mỗi giai đoạn phát triển; Kiểm soát lạm phát tạo nên tính ổn định trong hoạt động không chỉ của ngành Ngân hàng mà của toàn bộ nền kinh tế; Đảm bảo chất lượng tín dụng (đúng mục đích và có hoàn trả), kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế (phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế), không để xảy ra các loại rủi ro trong hoạt động cho vay; Bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa tốc độ tăng trưởng của hệ thống các TCTD với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; Bảo đảm sự phù hợp giữa tốc độ tăng trưởng bình quân tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng trưởng bình quân tín dụng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, hình thành một cách đồng bộ thể chế cho hoạt động tiền tệ - ngân hàng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo tính ổn định tương đối phù hợp với thể chế Việt Nam và chuẩn quốc tế. Gắn chặt chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa. Môi trường pháp lý hoàn thiện và cập nhật là cơ sở nền tảng để mọi hoạt động của ngành Ngân hàng diễn tiến, phát triển ổn định và đạt hiệu quả cao.
Thứ ba, củng cố và hoàn thiện hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống, phát hiện và cảnh báo kịp thời các sai phạm và vi phạm trong hoạt động ngân hàng, đưa hoạt động của hệ thống ngân hàng về quỹ đạo nhằm bảo đảm tính ổn định tương đối trong hoạt động của toàn hệ thống.
Thứ tư, bảo đảm các yếu tố kết cấu hạ tầng trong ngành Ngân hàng hoạt động ổn định, tin cậy, hiệu quả; từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN, cải thiện năng lực dự báo và giám sát của NHNN.
Các quyết định điều hành, quản lý hay các kết luận của Cơ quan thanh tra, giám sát đưa ra trên nền của những thông tin không chính xác, sai lệch sẽ tạo nên những hiệu ứng dây chuyền, góp phần tạo nên tính bất ổn định trong chính hoạt động ngân hàng.
Thứ năm, tập trung củng cố hệ thống các TCTD về năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin tương xứng với quy mô, phạm vi, nội dung hoạt động của từng loại hình TCTD. Khuyến khích các TCTD hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh - là một trong những nội dung của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nhằm đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.
Chiến lược Tăng trưởng xanh có mục tiêu là “Thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Cụ thể là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái; Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến, phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống nhân dân thông qua tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường.
Để đạt được mục tiêu như trên, các hoạt động tăng trưởng xanh trong thời gian sắp tới sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ sau: xanh hóa sản xuất; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Theo đó, ngành Ngân hàng có thể góp phần cụ thể hóa 2 trong số 3 mục tiêu nói trên là xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững thông qua việc cấp tín dụng “xanh”, bơm vốn vào các dự án, chương trình, doanh nghiệp sản xuất liên quan đến môi trường, xã hội, giảm nghèo, hoặc có yếu tố thúc đẩy PTBV.