Giám sát thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ và hàm ý đối với Việt Nam
Năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên có có tên trong danh sách giám sát về khả năng thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ khi 2 trong 3 tiêu chí vượt ngưỡng xem xét thao túng tiền tệ, gồm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ trên 20 tỷ USD và thặng dư tài khoản vãng lai trên 2% GDP. Mặc dù, khả năng bị dán nhãn thao túng tiền tệ là không cao, nhưng đây là một vấn đề của Việt Nam cần xem xét trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Ngày 14/1/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Tại Báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ thông báo danh sách giám sát gồm 10 đối tác thương mại lớn là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Thụy Sỹ và Việt Nam.
Trước đó, tại Báo cáo tháng 5/2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 9 quốc gia nằm trong danh sách giám sát, do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP.
Mặc dù, các yếu tố đánh giá trong báo cáo cũng chỉ mang tính chất tương đối và việc quyết định thao túng tiền tệ mang tính chất chủ quan từ phía Mỹ, nhưng nó được xem như là công cụ trong đàm phán thương mại song phương về những rào cản thuế quan và phi thuế quan, sẽ có những ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại với Hoa Kỳ.
Trong thực tế, khả năng Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ là không cao, nhưng cần đánh giá đầy đủ những tác động của diễn biến này để chuẩn bị những giải pháp ứng phó, cũng như chủ động bám sát các diễn biến để đối thoại với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, tránh bị động cũng như những bất lợi đối với Việt Nam trong vấn đề này.
Trên cơ sở tổng hợp các tiêu chí đánh giá, kiểm duyệt quốc gia thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, bài viết này phân tích diễn biến của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô liên quan đến thao túng tiền tệ của Việt Nam thời gian qua, từ đó nhận diện những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam.
Giám sát thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ
Thuật ngữ quốc gia "Thao túng tiền tệ" được Bộ Tài chính Hoa Kỳ định nghĩa là một quốc gia cố ý điều chỉnh tỷ giá để tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế.
Theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988 và Đạo luật Thuận lợi hóa và Thực thi Thương mại năm 2015, định kỳ bán niên (thường là tháng 5 và tháng 10 hàng năm), Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố báo cáo về chính sách kinh tế và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ. Nếu bất kỳ đối tác thương mại nào có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và cán cân vãng lai thặng dư lớn, Mỹ sẽ tiến hành phân tích sâu để xem xét quốc gia này có thao túng tiền tệ hay không?
Để giám sát tình trạng này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra các tiêu chí đánh giá quốc gia thao túng tiền tệ với 02 vòng kiểm duyệt. Mức độ cụ thể của từng tiêu chí cụ thể được Hoa Kỳ rà soát định kỳ, tùy thuộc vào chính sách kinh tế, đối ngoại từng thời kỳ.
Nếu một quốc gia chạm tất cả các "ngưỡng", Hoa Kỳ sẽ gắn mác thao túng tiền tệ và có những biện pháp can thiệp, có thể là đàm phán các quốc gia điều chỉnh chính sách, mạnh hơn là có các biện pháp trừng phạt (như áp thuế suất cao hơn) đối với quốc gia đó.
Trong lịch sử, Mỹ từng gắn mác thao túng tiền tệ đối với 3 quốc gia: Nhật Bản (năm 1988), Đài Loan (năm 1988 và 1992), Trung Quốc (năm 1992 đến năm 1994). Hiện nay, mặc dù chưa quốc gia nào bị gắn mác "thao túng tiền tệ", nhưng số lượng các quốc gia nằm trong danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ cũng tăng từ con số 6 lên thành 10, trong đó có Việt Nam.
Giám sát thao túng tiền tệ đối với Việt Nam
Dù không bị dán nhãn thao túng tiền tệ, nhưng lần đầu tiên Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi về khả năng thao túng tiền tệ. Trong 3 tiêu chí để dán nhãn một quốc gia thao túng tiền tệ, Việt Nam đã vượt ngưỡng hai tiêu chuẩn đầu tiên là thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD và thặng dư tài khoản vãng lai trên 2% GDP.
Tiêu chuẩn thứ ba là can thiệp một chiều trên thị trường ngoại hối tuy mới chỉ đạt 1,7% GDP (chưa vượt ngưỡng quy định 2%), nhưng Việt Nam vẫn có khả năng bị cho là phạm vào tiêu chuẩn này khi nhu cầu mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá lớn. Điều này có thể nhìn nhân cụ thể như sau:
Một là, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ:
Thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ đã vượt quá 20 tỷ USD kể từ năm 2014, đạt 34,78 tỷ USD vào năm 2018.
Đối với thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, Việt Nam khó có thể giảm kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong ngắn hạn, bởi Hoa Kỳ là một trong những thị trường lớn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam diễn ra mạnh mẽ; cùng với việc hàng hóa Việt Nam dần thay thế hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ, khiến kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới…
Hai là, thặng dư tài khoản vãng lai:
Thặng dư trên tài khoản vãng lai Việt Nam bằng 3% GDP vào cuối năm 2019, là năm thặng dư thứ 7 trong 8 năm trở lại đây. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại lớn nhất trên thế giới với tỷ lệ xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP. Trong khi, các nước khác trong khu vực đang đấu tranh để chống lại suy thoái thương mại toàn cầu, Việt Nam lại đạt mức tăng xuất khẩu 7,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2018, mức tốt nhất trong 5 tháng trở lại đây.
Ba là, can thiệp trên thị trường tiền tệ:
Theo Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 55 tỷ USD trong ba năm tính đến cuối năm 2018, số lượng mua ròng ngoại tệ (từ tháng 1-12/2018) của Việt Nam đạt khoảng 1,7% GDP (dưới ngưỡng 2% GDP Hoa Kỳ đặt ra).
Bên cạnh đó, thời gian mua ròng của Việt Nam cũng không liên tục trong 6 tháng. Ngân hàng Nhà nước đã mua khoảng 8,35 tỷ USD ngoại hối để tăng dự trữ lên khoảng 69 tỷ USD cuối tháng 5/2019 và gần 80 tỷ USD vào cuối năm 2019.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để bán ngoại tệ, vừa giúp ổn định tỷ giá dưới mức mục tiêu 3%, đồng thời giúp tránh vi phạm quy định mua ròng dưới mức 2% GDP của Mỹ.
Trong trường hợp không bán dự trữ ngoại hối, Việt Nam vẫn còn 1 bước đệm là khoảng thời gian mua ròng liên tiếp không quá 6 tháng. Do vậy, Việt Nam có thể sẽ chưa chạm ngưỡng về can thiệp một chiều và mua vào liên tục đối với thị trường ngoại hối trong kỳ đánh giá tiếp theo của Mỹ.
Một số nhận định
Mặc dù, các yếu tố đánh giá trong báo cáo cũng chỉ mang tính chất tương đối và việc quyết định thao túng tiền tệ mang tính chất chủ quan từ phía Hoa Kỳ, nhưng báo cáo đánh giá thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ được xem như là công cụ trong đàm phán thương mại song phương về những rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Do đó, ngoài việc làm rõ những tiêu chí mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ đặt ra để cùng phối hợp giải quyết, thì Việt Nam cần phải có giải pháp để xử lý vấn đề thương mại, cụ thể như: Thực hiện chính sách thương mại cân bằng hơn với Hoa Kỳ. Gần đây Chính phủ Việt Nam đã tích cực ký kết hợp tác, dành cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào các dự án lớn của quốc gia, cũng như cam kết sẽ tăng nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu các thiết bị máy móc, công nghệ từ Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Việc Hoa Kỳ quyết định gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam không loại trừ khả năng nhằm ngăn chặn hàng hóa của Trung Quốc.
Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát tốt xuất xứ hàng hoá xuất khẩu sang Hoa Kỳ, vì điều này không chỉ khiến Việt Nam bị Hoa Kỳ có cớ trừng phạt thương mại, mà còn làm mất đi lợi thế cạnh tranh và cơ hội của các doanh nghiệp nội địa. Để tránh rủi ro, cần tăng cường giám sát xuất xứ hàng hoá, nhất là các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Nhìn chung, rủi ro Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ chưa cao, tuy nhiên, để tránh đưa vào diện thao túng tiền tệ, ngoài việc Việt Nam cần chủ động hợp tác với Mỹ trong phối hợp và giải trình, thì kiểm soát thương mại vẫn là một trong những giải pháp trọng tâm.
Tài liệu tham khảo:
1. Cấn Văn Lực & công sự (2019), Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ - điều này có ý nghĩa gì?, http://cafef.vn/viet-namnam-trong-danh-sach-theo-doi-kha-nang-thao-tung tien-te-dieu-nay-coy-nghia-gi-20190605153540359.chn;
2. Trúc Minh (2019), Ba tiêu chí để Mỹ đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam, https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/ba-tieu-chinh-de-my-dang-giachinh-sach-tien-te-cua-viet-nam-20190510135547753.htm;
3. Minh Nhật (2019), Việt Nam sẽ bị “gắn mác” thao túng tiền tệ, https://vietstock.vn/2019/08/viet-nam-se-bi- gan-mac-thao-tung-tiente-761-698886.htm;
4. Trần Ngọc Thơ (2019), Thao túng tiền tệ và ngoại giao kinh tế, https://baodautu.vn/thao-tung-tien-te-va-ngoai-giao-kinh-te-d100535.html;
5. https://www.adb.org/vi/countries/viet-nam/economy#tabs-0-1;
6. https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan;