Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/4, cho vay chứng khoán đang chiếm 0,5% tổng dư nợ; bất động sản chiếm 19% tổng dư nợ, trong đó có gần 65% là cho vay tiêu dùng (mua, sửa nhà).

Bất động sản chiếm 19% tổng dư nợ, trong đó có gần 65% là cho vay tiêu dùng (mua, sửa nhà).
Bất động sản chiếm 19% tổng dư nợ, trong đó có gần 65% là cho vay tiêu dùng (mua, sửa nhà).

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2021, tổ chức chiều 22/4 tại Hà Nội, đại diện NHNN cho biết, tính đến ngày 16/4, tín dụng đã tăng trưởng 3,34% so với cuối năm 2020. 

Theo thống kê, tháng 1 tăng trưởng tín dụng 0,76%, đến tháng 2 còn 0,66%; tháng 3 cầu tín dụng tăng mạnh, đạt mức 2,93%; trong nửa tháng 4, tín dụng chỉ tăng 0,41%

Trong đó, lĩnh vực nông, lâm thủy sản, công nghiệp, xây dựng tiếp tục có mức tăng tín dụng tốt. Với lĩnh vực rủi ro, cho vay chứng khoán đang chiếm 0,5% tổng dư nợ. Bất động sản chiếm 19% tổng dư nợ, nhưng gần 65% trong đó là cho vay tiêu dùng (mua, sửa nhà).

Theo NHNN, đã có những quy định kiểm soát cho vay lĩnh vực ro. Cụ thể, quy định hạn chế đầu tư tiềm ẩn rủi ro, điều chỉnh vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 40%... tăng hệ số rủi ro cho tín dụng tiêu dùng, từ 4 tỷ đồng trở lên là 150% thì đây là giải pháp để hạn chế khoản vay tiềm ẩn rủi ro.

Định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để khôi phục sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.

Đồng thời, giữ nguyên lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. 

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN), trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2021, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm là 12%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. 

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đang triển khai các gói cho vay tiêu dùng, trong đó có vay mua bất động sản với lãi suất khá hấp dẫn, dao động từ khoảng 4,99 - 10%/năm. Có thể kể đến BIDV khi giữa tháng 1/2021 đã tung ra gói vay vốn trung dài hạn mới với quy mô 50.000 tỷ đồng dành cho khách hàng mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân với lãi suất 7%/năm trong 6 tháng đầu tiên, trường hợp cố định lãi suất 12 tháng hoặc 18 tháng lãi suất từ 7,5 - 7,9%/năm; nếu cố định trong 36 tháng, lãi suất là 9%/năm. Tháng 2 vừa qua, Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm; lãi suất sau ưu đãi sẽ được tính theo lãi suất tiết kiệm 13 tháng + biên độ 3%; ngân hàng Shinhan giảm lãi suất từ 6,9%/năm xuống 6,7%/năm.