Quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam


Vấn đề rủi ro và quản trị rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay đã trở nên bức thiết. Quản trị rủi ro là cách thức tốt nhất mà tất cả các chủ thể kinh doanh cần thực hiện để không bị mất vốn đầu tư. Bài viết phân tích mục tiêu chủ yếu của việc xây dựng tổng thể các yếu tố quản trị rủi ro tín dụng đối với ngân hàng thương mại, các yếu tố cơ bản của hệ thống quản trị rủi ro và các vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay.

Đối với các ngân hàng thương mại, quản trị RRTD có ý nghĩa quan trọng. Nguồn: Internet
Đối với các ngân hàng thương mại, quản trị RRTD có ý nghĩa quan trọng. Nguồn: Internet

Vai trò của quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại

Quản trị rủi ro tín dụng (RRTD) được hiểu là quá trình nhận dạng, phân tích nhân tố rủi ro, đo lường mức độ rủi ro, trên cơ sở đó lựa chọn triển khai các biện pháp và quản lý các hoạt động tín dụng nhằm hạn chế và loại trừ rủi ro trong quá trình cấp tín dụng. Trong quản trị RRTD, tối đa hóa lợi nhuận cho sở hữu chủ, trở thành ngân hàng thương mại (NHTM) tốt nhất về quản trị RRTD và sử dụng tài sản trong hoạt động cấp tín dụng là hai mục tiêu cốt lõi.

Trên cơ sở nguyên tắc chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế, hệ thống quản trị rủi ro vốn tín dụng gồm các vấn đề cơ bản như: Cơ sở pháp lý cho hoạt động cấp tín dụng phải đầy đủ và chuẩn mực; chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý rủi ro; xây dựng hệ thống phân khúc thị trường và phân khúc khách hàng; thẩm định và phê duyệt hồ sơ tín dụng; cấu trúc hệ thống các bộ phận tham gia vào việc tìm kiếm khách hàng, xem xét và quyết định tín dụng; xây dựng các quy trình cụ thể, rõ ràng điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng; vấn đề cảnh báo sớm; cơ cấu lại khoản nợ và thu hồi nợ.

Đối với các NHTM, quản trị RRTD có ý nghĩa quan trọng bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, RRTD là một trong những vấn đề mà tất cả các NHTM phải đương đầu. Phòng ngừa hạn chế RRTD là vấn đề khó khăn, phức tạp bởi lẽ RRTD mang tính tất yếu khách quan, luôn gắn liền với hoạt động tín dụng, đồng thời lại rất đa dạng phức tạp, RRTD thường khó kiểm soát và dẫn đến những thiệt hại, thất thoát về vốn và thu nhập của ngân hàng.

Thứ hai, nếu như hoạt động phòng ngừa hạn chế RRTD được thực hiện tốt thì sẽ đem lại những lợi ích cho ngân hàng như: giảm chi phí, nâng cao được thu nhập, bảo toàn vốn cho NHTM; tạo niềm tin cho khách hàng gửi tiền và nhà đầu tư; tạo tiền đề để mở rộng thị trường và tăng uy tín, vị thế, hình ảnh, thị phần cho ngân hàng.

Thứ ba, hoạt động phòng ngừa hạn chế RRTD tốt sẽ đem lại lợi ích cho cả nền kinh tế. Trong thời đại hiện nay, các định chế tài chính có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nếu như một NHTM gặp vấn đề thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các ngân hàng khác. Vì vậy, quản trị RRTD đem lại sự an toàn, ổn định cho thị trường.

Thứ tư, do vốn chủ sở hữu của ngân hàng so với tổng giá trị tài sản là rất nhỏ nên chỉ cần một tỷ lệ nhỏ danh mục cho vay có vấn đề sẽ đẩy một ngân hàng tới nguy cơ phá sản. Đặc biệt, với những khoản vay của doanh nghiệp do thường có giá trị lớn nên tổn thất xảy ra nếu khoản vay không thu hồi được sẽ gây thiệt hại tới ngân hàng hết sức nặng nề.

Công tác quản trị RRTD ở NHTM thường được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, từ khâu phát hiện rủi ro, đo lường rủi ro, kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro. Cụ thể:

Phát hiện rủi ro: Nhận diện RRTD là quá trình xác định liên tục và có hệ thống. Bất kỳ khoản vay nào cũng có thể có vấn đề, việc sớm nhận biết vấn đề và có những biện pháp theo dõi nhanh chóng, chuyên nghiệp giúp các vấn đề, tổn thất có thể giảm đến mức thấp nhất. Những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp ngân hàng có thể nhận biết và có giải pháp xử lý sớm các vấn đề một cách hiệu quả. Các dấu hiệu nhận biết phổ biến thường tập trung vào dấu hiệu tài chính và dấu hiệu phi tài chính của khách hàng vay.

Quản lý và kiểm soát rủi ro tín dụng là một hệ thống những công cụ, chính sách, tiêu chuẩn và biện pháp nhằm ngăn ngừa và xử lý RRTD trong một ngân hàng gồm: Chính sách tín dụng, quy trình tín dụng, bộ máy quản trị RRTD, các giới hạn tín dụng.

Đo lường RRTD: Đo lường RRTD là việc lượng hóa mức độ các rủi ro cũng như biết được xác suất xảy ra rủi ro, mức độ tổn thất khi rủi ro xảy ra để xem xét khả năng chấp nhận nó của ngân hàng. Đây là cơ sở để ngân hàng đưa ra quyết định cho vay cũng như xây dựng biện pháp ứng phó phù hợp, nhanh chóng với RRTD khi tình trạng này xảy ra. Để đo lường RRTD các ngân hàng thường xây dựng các mô hình thích hợp để lượng hóa các rủi ro.

Quản lý và kiểm soát RRTD: Quản lý và kiểm soát RRTD là khâu trọng tâm nhất trong công tác quản trị RRTD của một NHTM, đây chính trọng tâm của quy trình RRTD. Quản lý và kiểm soát RRTD là một hệ thống những công cụ, chính sách, tiêu chuẩn và biện pháp nhằm ngăn ngừa và xử lý RRTD trong một ngân hàng: chính sách tín dụng, quy trình tín dụng, bộ máy quản trị RRTD, các giới hạn tín dụng.

Xử lý RRTD: Xử lý RRTD là bước cuối cùng trong công tác quản trị RRTD. Ở bước này, ngân hàng sẽ đưa ra các quyết định và biện pháp để tài trợ, khắc phục và hạn chế thấp nhất chi phí rủi ro và tổn thất mà RRTD đã gây ra cho ngân hàng.

Bốn bước trong quy trình RRTD có quan hệ chặt chẽ lẫn nhau và quyết định rất lớn tới hiệu quả quản trị RRTD. Trong 4 bước này, bước 1 và bước 3 được coi là bước quan trọng nhất, ngân hàng càng chủ động trong quản lý và kiểm soát rủi ro thì càng giảm thiểu được tổn thất trong hoạt động tín dụng. Từ đó, có thể thấy, vấn đề cốt lõi trong quản trị tín dụng ngân hàng chính là đưa ra các giải pháp, cách thức để phát hiện sớm rủi ro. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro, thực hiện thẩm định tín dụng, củng cố hệ thống báo cáo thông tin quản trị tín dụng… Đây chính là những cách thức nhằm phát hiện sớm RRTD.

Tiêu chuẩn mới cho các ngân hàng quốc tế

Tháng 12/2017, Ủy ban Basel công bố văn bản “Basel III: Hoàn thiện các cải cách sau khủng hoảng”, với việc cải cách một số tiêu chuẩn để thực hiện tính vốn đối với các loại rủi ro như RRTD, rủi ro điều chỉnh định giá tín dụng hay rủi ro hoạt động. Ủy ban Basel đã đưa ra một tiêu chuẩn hoàn toàn mới khi yêu cầu thực hiện tính vốn cho rủi ro hoạt động - phương pháp tiêu chuẩn (SMA), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đối với các ngân hàng quốc tế. Sự ra đời của tiêu chuẩn này có ảnh hưởng lớn đối với dữ liệu tổn thất nội bộ của ngân hàng cũng như cách thức vận dụng các dữ liệu để mang đến các giá trị kinh doanh và quản lý rủi ro theo chiều sâu.

Phương pháp SMA dựa trên 3 cấu phần: Chỉ số kinh doanh (BI) - một tham chiếu dựa trên thông tin báo cáo tài chính đối với rủi ro hoạt động; cấu phần chỉ số kinh doanh (BIC), được tính bằng cách nhân chỉ số BI với hệ số biên theo quy mô của BI; hệ số nhân tổn thất nội bộ (ILM), một hệ số nhân quy mô dựa trên mức tổn thất trung bình của ngân hàng trong quá khứ và chỉ số BIC.

Sự thay đổi này đến từ 3 mục tiêu:

Thứ nhất, hạn chế các cách áp dụng khác nhau khi tính vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động của các ngân hàng. Trước đây, theo quy định của cơ quan quản lý, ngân hàng có thể lựa chọn một trong nhiều phương pháp khác nhau, ví dụ thực hiện áp dụng phương pháp tiếp cận dựa theo mô hình, trong đó sử dụng nhiều biến khác nhau để xác định và tối ưu vốn rủi ro hoạt động. Giờ đây, với phương pháp SMA, ngân hàng sẽ bị hạn chế hơn trong việc tối ưu vốn rủi ro hoạt động do việc áp dụng một biến duy nhất là ILM, dựa trên lịch sử tổn thất của ngân hàng.

Thứ hai, mang đến phương pháp tiếp cận chú trọng vào rủi ro hơn bằng cách kết hợp thu nhập ròng và dữ liệu tổn thất trong 10 năm tại ngân hàng.

Thứ ba, giúp cơ quan quản lý và các bên liên quan dễ dàng so sánh tài sản có rủi ro giữa các ngân hàng với nhau khi tính vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động.

Tại Việt Nam, các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang thực hiện phương pháp chỉ số kinh doanh tính vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ban hành tháng 12/2016. Phương pháp chỉ số kinh doanh có thể coi là một dạng giản thể của phương pháp SMA, trong đó hệ số biên để tính BIC là 15% và ILM là 1.

Việc chú trọng vào tổn thất nội bộ khi xác định các yêu cầu về vốn cho rủi ro hoạt động của ngân hàng mang 2 ý nghĩa quan trọng:

Một là, các ngân hàng cần đảm bảo dữ liệu về tổn thất nội bộ, cũng như hệ thống, quy trình và các kiểm soát có liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tổn thất nội bộ, phải chính xác và đạt hiệu quả cao nhất để hỗ trợ và chứng minh cho hệ số ILM đưa ra.

Hai là, các ngân hàng có cơ hội rất lớn để giảm thiểu vốn cho rủi ro hoạt động trong hiện tại và tương lai thông qua việc chú trọng công tác quản lý và giảm thiểu tổn thất hoạt động hiện có, theo đó giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của hệ số ILM trong việc tính toán vốn rủi ro hoạt động.

Để đạt được mục tiêu thứ hai, các ngân hàng cần xây dựng những hành vi và tư duy mới, vì theo quan điểm của các ngân hàng, các rủi ro hoạt động và những tổn thất liên quan là những chi phí không thể tránh khỏi trong hoạt động kinh doanh và là điều mà các ngân hàng ít có khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, với động lực giảm vốn cho rủi ro hoạt động yêu cầu, các ngân hàng có thể nhận ra rằng, trên thực tế, họ có thể chủ động giảm thiểu tổn thất nội bộ, đặc biệt với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ thông tin (ứng dụng phân tích và dự đoán) giúp xác định các nguyên nhân gốc rễ, đồng thời giúp giảm thiểu các vấn đề và rủi ro tiềm ẩn trước khi những tổn thất lớn xảy ra.

Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hội nhập

Với những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hội nhập, Tạp chí Inside (2017) nhận định, ngành Ngân hàng đang ở giai đoạn đỉnh cao thay đổi và tính bất định. Môi trường cạnh tranh đang gia tăng giữa các ngân hàng, phi ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (FinTech). Đồng thời, môi trường kinh tế tăng trưởng thấp và lãi suất thấp đang gây áp lực lên phương thức thu lợi nhuận truyền thống. Vấn đề nợ xấu chưa xử lý dứt điểm vẫn còn hiện hữu là rủi ro lớn của các NHTM Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng là internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây cũng đang tác động và góp phần cải thiện nhanh chóng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Ngân hàng.

Với cách nhìn nhận này, cần có khung khổ quản trị rủi ro có tính bao quát đầy đủ và toàn diện nhất. Theo đó, tiêu chuẩn Basel II được coi là tiêu chuẩn hoàn thiện nhất trong quản trị NHTM cần được quán triệt đầy đủ và áp dụng phù hợp.

Hơn nữa, các loại rủi ro do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng rất lớn đối với vấn đề bảo mật thông tin ngân hàng nên vấn đề về tài khoản khách hàng và bảo vệ cơ sở dữ liệu nội bộ cũng cần đến các giải pháp công nghệ mang tính đón đầu gắn với gia tăng năng lực của đội ngũ và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác cần lưu ý nhằm nâng cao hiệu quả trong quản trị RRTD ngân hàng, đó là: Hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm RRTD, trong đó, các chỉ số cảnh báo sớm rủi ro cần bao phủ được các nguyên nhân gây ra vỡ nợ chủ yếu cho khách hàng doanh nghiệp như: Triển vọng kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng thanh toán, tài sản đảm bảo và hồ sơ tín dụng, những thay đổi về mặt quản lý hoặc chiến lược… Đồng thời, tăng cường sử dụng các chỉ tiêu có thể tính tự động như tỷ lệ sử dụng hạn mức, số ngày quá hạn, độ biến động dòng tiền vào ra… nhằm tăng tính hiệu quả, bảo đảm số liệu cập nhật theo thời gian thực.

Ngoài ra, các NHTM cần tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng. Bên cạnh các phương pháp truyền thống, các NHTM nên áp dụng phân tích và thẩm định tín dụng sử dụng mô phỏng dòng tiền. Đồng thời, xây dựng chính sách riêng biệt cho các ngành đặc thù và ngành trọng điểm; Tăng cường quản lý và giám sát trước và sau giải ngân, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ngân hàng...   

Tài liệu tham khảo:

  1. Cấn Văn Lực (2016), Cơ hội và thách thức đối với ngành Ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Banking Vietnam 2016”, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, tr 3-5;
  2. Nguyễn Hồng Sơn, Trịnh Thị Thanh Mai, Trần Thị Thanh Tú (2015), Phát triển bền vững ngân hàng Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, tr 92-100;
  3. Trường Đại học Kinh tế (2017), Kỷ yếu hội thảo “Quản trị ngân hàng hiệu quả”, NXB Khoa học- Kỹ thuật;
  4. Đào Thanh Tú (2014). Xây dựng hệ thống quản trị rủi ro hoạt động tại các NHTM Việt Nam, Tạp chí Tài chính, số 6/2014.
  5. Viện Nghiên cứu Ngân hàng và Tài chính Luân Đôn, Quản trị rủi ro trong ngân hàng, truy cập lần cuối cùng ngày 22/8/2017;
  6. Basel Committee on Banking Supervision of Bank for International Settlement (2001), Risk management practices and regulatory capital, truy cập lần cuối cùng ngày 20/8/2017.