Thanh khoản ngân hàng lại chịu áp lực?

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Sau nhiều tháng duy trì trạng thái dồi dào, thậm chí đến mức dư thừa, thanh khoản ngân hàng có thể chịu áp lực trở lại trong thời gian tới, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất liên tiếp đi xuống và huy động vốn khó khăn hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thanh khoản thu hẹp

Sau khi hút ròng liên tiếp trong 7 tuần từ tuần cuối tháng 1 đến giữa tháng 3 với 147.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nửa cuối tháng 3 đã thôi hút ròng, đặc biệt đã có hai tuần liên tiếp bơm ròng trở lại trong nửa đầu tháng 4 với gần 25.500 tỷ đồng. Như vậy, nhà điều hành đã đảo ngược chính sách trên thị trường mở từ hút ròng sang bơm ròng, một dấu hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống đã thôi dồi dào.

Có nhiều lý do để giải thích chính sách này của NHNN. Thứ nhất, sự chênh lệch giữa vốn đầu vào và đầu ra của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đang có sự chênh lệch. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 20/3/2020 chỉ đạt 0,51% so với đầu năm, thấp nhất trong nhiều năm qua. Con số này cũng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng 0,68%. Đáng chú ý là theo số liệu công bố trước đó, tăng trưởng huy động vốn đến ngày 20/2/2020 còn ở mức 1,07%, như vậy riêng trong tháng 3, một lượng tiền gửi ngân hàng (NH) đã bị rút ra

Thứ hai, trong bối cảnh dân chúng có xu hướng tăng tích trữ tiền mặt do dịch Covid-19, huy động vốn gặp không ít khó khăn, nhất là lãi suất tiền gửi liên tiếp giảm trong thời gian qua, khiến kênh tiền gửi NH dù được đánh giá là an toàn nhưng ngày càng trở nên kém hấp dẫn. 

Thứ ba, trong khi lãi suất NH đi xuống, các kênh đầu tư khác như chứng khoán lại phục hồi tích cực. Chỉ số VN-Index trong một tháng qua đã tăng trở lại gần 150 điểm, từ mức đáy 650 điểm, tương ứng với mức tăng gần 23%. Diễn biến này cho thấy không loại trừ khả năng một lượng tiền gửi từ NH đã chuyển sang chứng khoán để bắt đáy. Việc thị trường vàng hay ngoại tệ có dấu hiệu “nổi sóng” gần đây cũng thúc đẩy một lượng vốn rót vào hai kênh đầu tư này.

Thứ tư, các NH thời gian qua liên tục tung ra các gói vay vốn ưu đãi lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Thống kê mới đây cho thấy các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả nhóm doanh nghiệp lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân, đã lên đến hơn 600.000 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần so với dự tính ban đầu. 

Cần lưu ý là dịch bệnh đã khiến nhiều khách hàng vay vốn NH rơi vào tình trạng thất thu, mất thu nhập, nên không thể trả lãi vay, chứ chưa nói đến tiền gốc, do đó nợ xấu tại các nhà băng có nguy cơ tăng trở lại là rất cao. Vì vậy, để phát triển thêm tín dụng mới, các NH không thể trông chờ vào những khoản vay cũ đáo hạn được chi trả, mà phải phụ thuộc rất lớn vào vốn huy động đầu vào.

Lãi suất thấp, tiền gửi giảm

Việc huy động vốn của các NH thời gian qua cũng như giai đoạn tới là khá khó khăn, trước diễn biến mặt bằng lãi suất liên tiếp đi xuống. Trong hơn một tháng qua, kể từ khi NHNN giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng về còn 4,75%, hàng loạt NH đã giảm mạnh khung lãi suất huy động vốn ở cả kỳ hạn ngắn và dài. 

Như trong nửa đầu tháng 4 này, Ngân hàng Hàng Hải tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi lần thứ hai trong một tháng qua, theo đó kỳ hạn 1-5 tháng giảm tiếp 0,1%, về còn 4,55-4,65%, kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,3% về 6,6-6,7%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm 0,3-0,4%, về còn 6,5-6,9%. Tương tự, hàng loạt NH khác cũng tiếp tục giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp từ giữa tháng 3 đến nay, như LienVietPostBank giảm 0,05% ở kỳ hạn 3-5 tháng, giảm 0,1-0,2% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Techcombank giảm 0,1% kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống. 

Trong khi đó, những NH quốc doanh như Agribank, Vietcombank, BIDV cũng điều chỉnh lãi suất đi xuống, dù lãi suất của nhóm này hiện cách xa so với mức trần quy định. Đáng lưu ý là ngay cả NH thuộc dạng không mạnh như Oceanbank cũng giảm 0,4% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vào giữa tháng 4 vừa qua.

Để đáp ứng yêu cầu giảm mạnh lãi suất cho vay theo chỉ thị của nhà điều hành, các NH bắt buộc phải giảm lãi suất huy động tương ứng để tối thiểu hóa chi phí vốn, đảm bảo vẫn có lợi nhuận, nhưng điều này vô tình làm khó cho việc huy động vốn. Vì vậy, tình trạng thanh khoản có thể đối mặt với áp lực trong thời gian tới là có thể xảy ra.

Đáng lưu ý là lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các nhà băng cũng có thể suy giảm trong thời gian tới, do được rút ra để đẩy mạnh đầu tư công trong nỗ lực hỗ trợ giữ vững tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Nếu vậy, thanh khoản của các NH có thể khó càng thêm khó. 

Cần lưu ý là dịch bệnh đã khiến nhiều khách hàng vay vốn NH rơi vào tình trạng thất thu, mất thu nhập, nên không thể trả lãi vay, chứ chưa nói đến tiền gốc, do đó nợ xấu tại các nhà băng có nguy cơ tăng trở lại là rất cao. Vì vậy, để phát triển thêm tín dụng mới, các NH không thể trông chờ vào những khoản vay cũ đáo hạn được chi trả, mà phải phụ thuộc rất lớn vào vốn huy động đầu vào.