Ngân hàng vượt ải đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của các nhà băng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ các nhà băng và doanh nghiệp, cá nhân đi vay.
Năm 2019 tích cực
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, tổng lợi nhuận trước thuế của 18 ngân hàng niêm yết đạt hơn 110 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2018. Trong số đó, có 16 ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương và chỉ có 2 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận là Kienlongbank và NCB, đây cũng là 2 ngân hàng có kết quả lãi trước thuế suy giảm so với năm 2018.
Đáng chú ý, duy nhất 1 ngân hàng có lợi nhuận trên 20.000 tỷ là Vietcombank. Tổng cộng có 7 ngân hàng lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ. 14 ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ.
Nhìn chung, đa số trong 18 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm 2018. Trong đó có 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là Vietcombank và ACB.
Thống kê từ chứng khoán BSC cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 đạt 13,7% (thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 13,9%). Cụ thể, cơ cấu cho vay vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp (8,9%), công nghiệp và xây dựng (29,2%) và thương mại (21,9%).
NIM trong năm 2019 tăng nhẹ nhờ việc dịch chuyển cơ cấu cho vay. Trong năm 2019, NIM toàn ngành được cải thiện lên mức 3,56% do tăng trưởng tín dụng chậm lại, lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn dài trong khi lãi suất cho vay ổn định, và cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao hơn. BSC cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020, từ đó giúp cải thiện NIM.
Một yếu tố quan trọng khác, BSC nhận thấy, chất lượng tài sản được cải thiện ở các ngân hàng niêm yết. Tỷ lệ NPL trung vị toàn ngành ở mức 1,4% (2018 là 1,7%), tỷ lệ nợ nhóm 2 là 1,1% (2018 là 1,3%). Điều này cho thấy các ngân hàng hiện đang tập trung xử lý nợ tồn đọng từ quá khứ, làm sạch bảng cân đối. Bên cạnh đó, giảm nợ xấu giúp các nhà băng giảm được chi phí trích lập dự phòng, từ đó cải thiện lợi nhuận. BCTC năm 2019 cho thấy, 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là Vietcombank và ACB.
Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước
Theo Tổng cục thống kê (GSO), tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam một phần bị ảnh hưởng bởi dịch virus COVID-19, ghi nhận mức tăng trưởng khá khiêm tốn là 0,68% tính đến ngày 20/3/2020. Đây là mức thấp nhất khi so sánh với giai đoạn từ 2015-2019 (dao động từ 1,25% tới 2,81%).
CTCK SSI đánh giá, tăng trưởng tín dụng chậm được ghi nhận tại 3 ngân hàng thương mại quốc doanh cũng như các ngân hàng thương mại như MBB và ACB. Điều này có thể xuất phát từ việc những ngân hàng này thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.
Với việc tình hình dịch COVID-19 bắt đầu trở nên phức tạp kể từ tuần thứ 2 của tháng 3/2020, SSI ước tính tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý I/2020 là không lớn, ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai. Dù vậy, kết quả kinh doanh của nhiều nhà băng được SSI dự báo có thể không khả quan bắt đầu từ quý II/2020.
Trong cả năm 2020, ở kịch bản cho rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý II/2020, SSI tính toán, lợi nhuận trước thuế cả năm của các ngân hàng có thể tăng bình quân 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Ở trường hợp xấu nhất nếu dịch bệnh không được kiểm soát đến cuối năm 2020, SSI nhận định đà tăng của lãi trước thuế sẽ giảm về 0,8%.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN) đã triển khai kịp thời các giải pháp chính sách như: Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, miễn, giảm phí thanh toán; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô;….
Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông. Trong đó, đáng chú ý là các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN đã ban hành thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Trao đổi với báo giới, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc hỗ trợ tín dụng này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh trước mắt. Vài tháng nữa mọi chuyện sẽ trở lại bình thường và các doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ đủ khả năng trả nợ. Dù vậy, ông cũng cho rằng chưa thể nói trước được bởi sự khó lường và mức độ tác động của tình hình dịch bệnh.
“Khó khăn hiện tại không phải vấn đề của thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ. Thị trường tiền tệ chỉ đóng góp, hỗ trợ một phần để nền kinh tế vượt qua khó khăn chứ không thể giải quyết được vấn đề vì tất cả chuỗi cung ứng toàn cầu đều đang chậm lại”, ông nói.
Còn theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, ông đánh giá, “Dù ngân hàng đã giảm lãi vay 1-1,5%/năm, có những gói hỗ trợ nhưng doanh nghiệp đâu có vay bởi có thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục gặp khó trong những tháng tiếp theo khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có điểm dừng,” Được biết, các ngân hàng đến nay đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng với số tiền trên 350 tỷ đồng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng; tiếp tục cho vay mới 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến 24.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch.