Tỷ giá khó biến động

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Tỷ giá đang là vấn đề được các thành viên thị trường quan tâm hàng đầu, đặc biệt khi chuẩn bị bước vào mùa kinh doanh cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của biến động tỷ giá chỉ là nhất thời, trồi sụt theo diễn biến của đồng đô la Mỹ (USD) trước những biến động mạnh của các đồng tiền chủ chốt như Nhân dân tệ (CNY) và Yên Nhật (JPY) trên thị trường thế giới, quan ngại về xung đột thương mại Mỹ – Trung và việc đồng CNY liên tục giảm giá từ cuối tháng 5.

Tỷ giá đang có dấu hiệu giảm xuống trong thời gian gần đây tại các ngân hàng thương mại, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm 2 lần lãi suất đồng USD từ đầu năm đến nay và khả năng sẽ giảm thêm một lần nữa trong những tháng còn lại của năm 2019.

Hỗ trợ mạnh từ dự trữ ngoại hối

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ: đồng nội tệ Việt Nam (VND) phụ thuộc vào sức mua đối nội và sức mua đối ngoại. Trong đó, sức mua đối nội phụ thuộc vào giá cả hàng hóa trong nước, sức mua đối ngoại là so với tỷ giá của các nước trên thế giới.

Xem xét trong bối cảnh thực của nền kinh tế Việt Nam và những yếu tố bên ngoài, ông Long phân tích thời gian tới, nếu USD tiếp tục phá giá sẽ bất lợi cho hoạt động xuất khẩu (XK).

Tuy nhiên, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá tăng hay giảm thì cũng gây bất lợi cho nền kinh tế.

Trong trường VND hạ giá sẽ ảnh hưởng đến XK, nợ công và lạm phát tăng cao. Ngược lại, nếu để cho VND tăng mạnh lên, dù có lợi là giá cả trong nước ổn định, nhưng bất lợi là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giảm.

“Do đó, NHNN phải xem xét rất nhiều yếu tố, chứ không phải đồng USD phá giá thì đồng nội tệ phá giá ngay”, ông Long nói.

Mới đây, Báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ hàng tuần của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân - Chứng khoán SSI (SSI Retail Research) cho thấy sau 2 đợt mua vào ngoại tệ rất lớn vào 4 tháng đầu năm và từ tháng 7 đến nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao nhất, ước tính khoảng 70 tỷ USD.

Đánh giá về điều này, ông Long cho rằng dự trữ ngoại hối là yếu tố cực kỳ quan trọng của chính sách tiền tệ. Với mức dự trữ ngoại hối ước tính như hiện nay là cao chưa từng có, là lực lượng dự phòng rất tốt. Đặc biệt có thể xử lý được vài tháng hàng hóa XK.

Để ổn định giá cả trong nước phải ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nếu quá cứng nhắc mà để VND tăng lên cao không đúng thực chất sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và sản xuất trong nước. Trong điều kiện độ mở của nền kinh tế lớn lên tới 240% GDP như hiện nay, nếu mỗi sự điều hành về chính sách tỷ giá không linh hoạt sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất trong nước, lạm phát và nợ xấu.

Từ những phân tích trên, ông Long đánh giá theo phương châm của NHNN là điều hành tỷ giá một cách linh hoạt và ổn định, thì với sự biến động của tình hình thế giới và của nền kinh tế trong nước, NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá ngay. Vì thế, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ khó biến động.

Trong khi đó, một số công ty chứng khoán vẫn duy trì nhận định dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2019 và 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm.

Dự báo tỷ giá khó biến động từ nay đến cuối năm
Dự báo tỷ giá khó biến động từ nay đến cuối năm
 

Cả năm tăng 1 - 1,5%

Đồng thời, dòng vốn FDI vào Việt Nam lớn hơn nhiều lần so với vốn gián tiếp (FII) vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu, nên các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ không có mối đe dọa tức thì nào về khả năng rút vốn.

Ông Phạm Hồng Hải, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng dòng vốn FDI, FII cũng như kiều hối tiếp tục chảy về Việt Nam nhiều nên NHNN vẫn chủ động được trong kiểm soát tỷ giá.

“Tỷ giá tiền đồng từ đầu năm đến nay hầu như chưa tăng và khả năng chỉ tăng trong khoảng 1 - 1,5% trong năm nay”, ông Hải dự báo.

Còn theo Chứng khoán SSI, trong thời gian tới, nhiều yếu tố thuận lợi sẽ góp phần ổn định tỷ giá. Trong đó có thể kể đến việc dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất từ trước đến nay; cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn biến thuận lợi.

Cụ thể, cán cân thương mại tháng 8/2019 thặng dư 3,43 tỷ USD - mức kỷ lục tính theo tháng trong nhiều năm trở lại đây; lũy kế 8 tháng đầu năm thặng dư 5,1 tỷ USD.

Dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân vẫn tăng đều, đến hết tháng 8/2019 đã giải ngân được 11,96 tỷ USD. Đồng thời, dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng khá tích cực với các thương vụ bán vốn cổ phần lớn của Vietcombank, Vingroup… và các đợt vay vốn quốc tế của Vinmec, VPBank...

Về phía doanh nghiệp, với việc nền kinh tế đang tăng trưởng tích cực, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng sẽ đi lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là cơ hội mà các công ty nội địa cần nắm bắt để đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh.