Ngành bán lẻ Việt Nam: Cơ hội bứt phá
Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, những nhà bán lẻ hàng đầu trong AEC sẽ thêm cơ hội xâm nhập và “bành trướng” thị phần bán lẻ tại nước ta. Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần nhanh chóng điều chỉnh hoạt động kinh doanh để giữ thị phần và tạo đà bứt phá tại thị trường có hơn 600 triệu dân này.
AEC là kết nối
Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về sức cạnh tranh của ngành bán lẻ nước ta so với các nền kinh tế khác trong AEC. Bởi khi AEC đã chính thức hình thành, những thách thức mà doanh nghiệp vấp phải như tăng áp lực cạnh tranh do trình độ phát triển, chất lượng dịch vụ, dịch chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn, là nhãn tiền. Nhưng bên cạnh thách thức, cơ hội cũng mở ra nhiều thị trường, tạo khí thế và động lực mới cho doanh nghiệp phát triển.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, ngành bán lẻ của nước ta không đứng ngoài sức ép cạnh tranh khi hội nhập. Sức ép này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp bứt phá khỏi lối mòn tư duy trong kinh doanh. Hội nhập sẽ đem đến cơ hội học hỏi, hợp tác mạnh hơn, nhanh hơn, đồng thời cũng để các doanh nghiệp biết lựa sức mình trong cuộc chơi mới. Nghĩa là, các doanh nghiệp phải trưởng thành về chiến lược kinh doanh, vận hành nguồn vốn, đào tạo nhân lực cũng như phong cách phục vụ.
Vốn dĩ, AEC được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính là thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế đồng đều; hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. AEC hướng đến tự do hóa và nhấn mạnh sự hợp tác, đoàn kết và ý chí. Các chuyên gia nhấn mạnh, AEC là kết nối, nếu bỏ chữ kết nối thì không còn là AEC.
Do vậy, không nên xem cạnh tranh trong hội nhập là cuộc “đọ sức chí mạng” như hình ảnh “hai võ sĩ đấm nhau” với người thắng, kẻ thua. Vì xét trên góc độ tổng thể thì ngành bán lẻ Việt Nam khi vào AEC sẽ có nhiều lợi ích, không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn mang lại cơ hội cho người tiêu dùng quyền lựa chọn hàng hóa, được phục vụ tốt hơn. Đồng thời, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển, góp phần lan tỏa phân phối bán lẻ đến các nhà sản xuất kinh doanh khác.
Thực tế, thị trường bán lẻ nước ta “mở” từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên khi hội nhập vào AEC không quá ngỡ ngàng. Các chuyên gia dự đoán, doanh nghiệp bán lẻ nước ta đã và đang dần kết nối để “thử sức” tại sân chơi mới, sẵn sàng tâm thế tốt nhất để hội nhập.
Cạnh tranh để trưởng thành
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, cả nước hiện có khoảng 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại, về doanh số bán lẻ, kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, ngoài nhà nước chiếm 86%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 4%. Đáng lưu ý, tuy các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước, song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3 - 4 lần, thậm chí 7 - 8 lần so với một điểm của các siêu thị nội, do quy mô lớn.
Như vậy, thị phần bán ra của các doanh nghiệp FDI dự đoán đạt 30 - 35% thị phần hiện nay, còn lại là thị phần của các doanh nghiệp siêu thị nội địa. Những con số “biết nói” trên cho thấy, thị phần ngành bán lẻ nước ta đang dần thu hẹp. Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần liên kết lại, cần xây dựng chiến lược, đổi mới để bài bản hơn, nâng cao văn hóa phục để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Bởi lẽ, hội nhập buộc chấp nhận cạnh tranh và hợp tác. Do vậy, muốn hội nhập thành công, các doanh nghiệp bán lẻ phải chủ động “nâng chất” để hưởng lợi từ AEC.
Một thực tế là, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường rất mạnh về vốn, quản trị doanh nghiệp, quảng cáo, tiếp thị và nhân lực, có chiến lược kinh doanh bài bản. Song, doanh nghiệp bán lẻ nội cũng có những ưu điểm vượt trội là am hiểu người tiêu dùng bản địa, đặc biệt là có thể tận dụng được mạng lưới của hệ thống quốc doanh cũ. Xét cho cùng, xu hướng siêu thị ngoại đầu tư vào thị trường bán lẻ nước ta tạo sức ép cho các siêu thị nội vươn lên. Có thể ví, hiện tại “nước đã dâng đến vai”, đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ phải nhanh chóng chuyển mình, đón bắt cơ hội từ thị trường lớn AEC.
Khi hội nhập, nước ta có thể đưa ra những hàng rào kỹ thuật, nhưng “cây gậy” này cần sử dụng đúng đối tượng, đúng chừng mực để có những phương án bảo hộ với từng ngành cho hợp lý và không vi phạm luật cũng như các cam kết hội nhập. Cần để ngành bán lẻ và nền kinh tế chịu áp lực cạnh tranh mà trưởng thành, như vậy mới minh chứng được sức mạnh thị trường, và “sức khỏe” nền kinh tế của đất nước.
Đồng thời, ngành bán lẻ cần nắm chặt tay nhau, liên kết lại, xây dựng và tạo thành những tập đoàn bán lẻ, cùng vượt qua những thách thức để hưởng nguồn lợi AEC mang lại. Bởi lẽ, AEC hứa hẹn mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp nước ta thêm rộng cửa, hội nhập để thực sự trưởng thành, thoát khỏi những lối mòn, tư duy cũ, bứt phá lên một giai đoạn mới, góp phần tăng sức bật cho nền kinh tế nước nhà.
Bộ Công thương dự báo, đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 1.300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú: “Trong khi bán lẻ ngoại lấn lướt thì bán lẻ nội dè dặt và yếu thế hơn. Đó là ngành bán lẻ Việt Nam chưa có chiến lược đầy đủ, ở cả 3 cấp: Nhà nước, ngành bán lẻ và doanh nghiệp. Do vốn quá nhỏ, vốn tự có của các siêu thị nội chỉ đủ từ 15 - 20% nhu cầu kinh doanh nên họ khó đầu tư vào việc thu mua hàng hóa trực tiếp của sản xuất, hàng hóa qua nhiều khâu trung gian bất hợp lý. 60 - 70% siêu thị nội phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao hơn các doanh nghiệp nước ngoài vay của công ty mẹ, thường từ 4 - 5%. Vì thế, giá cả sản phẩm tại các siêu thị nội thường cao hơn.