Ngành Bảo hiểm đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, TS. Lê Bá Chí Nhân - Chuyên gia kinh tế nhận định, ngành Bảo hiểm trong thời gian tới sẽ là miếng đất màu mỡ để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này khai thác và phát triển, đồng thời, đây cũng là ngành sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, cũng như đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng thị trường bảo hiểm của Việt Nam hiện nay?
TS. Lê Bá Chí Nhân: Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, bảo hiểm luôn là tiêu chí hàng đầu. Đối với nước ngoài, ở trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều có bảo hiểm, đi cùng với đó, các gói bảo hiểm phải gắn liền với quyền lợi và trách nhiệm.
Đối với Việt Nam, hiện có rất nhiều tập đoàn lớn đã và đang phát triển trong ngành Bảo hiểm và thời gian tới bảo hiểm sẽ là một trong những lĩnh vực không thể tách rời trong cuộc sống, bởi những lợi ích mà bảo hiểm mang lại cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi gặp phải những trường hợp rủi ro (tai nạn giao thông, lao động, sức khỏe…).
Với những cơ hội của thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bancassurance tại Việt Nam, ta có thể thấy rõ, Việt Nam hiện đang là một nước đang trên đà phát triển, đi cùng với đó là sự liên kết, hợp tác đầu tư với rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó, đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề, điển hình là thị trường xuất - nhập khẩu rất cần đến các gói bảo hiểm để hạn chế những rủi ro.
Thực tế cho thấy, doanh thu của ngành xuất - nhập khẩu hàng năm đều có sự tăng trưởng, đây cũng là yếu tố để ta có thể nhìn nhận, việc các doanh nghiệp đều có tính toán đến phương án sử dụng bảo hiểm cho các đơn hàng xuất - nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đi cùng với sự tăng trưởng này trong thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị liên quan đã có những cơ chế, chính sách về bảo hiểm phù hợp và liên tục được hoàn thiện, điển hình là trong năm 2022, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được Quốc hội thông qua, từ đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định, bền vững hơn.
Nói tóm lại, ngành Bảo hiểm trong thời gian tới sẽ là miếng đất màu mỡ để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này khai thác và phát triển, đồng thời đây cũng là ngành sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, cũng như đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc tuyển dụng và đào tạo cấp tốc khiến chất lượng tư vấn bảo hiểm không đảm bảo, ông nghĩ sao về điều này?
TS. Lê Bá Chí Nhân: Theo tôi, đây là một vấn đề cần được điều chỉnh sớm, bởi thực tế hiện nay, tại nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm vẫn còn tồn tại tình trạng tuyển dụng và đào tạo nhân viên một cách hời hợt, chỉ chú trọng vào hình thức mà không quan trọng chất lượng, trong khi lĩnh vực này đòi hỏi chuyên viên tư vấn phải thực sự am hiểu, không chỉ riêng về bảo hiểm mà còn phải hiểu cả tính pháp lý, pháp luật… vì sản phẩm bảo hiểm ở mỗi lĩnh vực, ngành nghề có sự khác nhau.
Riêng với TP. Hồ Chí Minh là một trong những khu vực đi đầu về kinh tế và cũng là nơi lĩnh vực bảo hiểm khá phát triển, dù vậy, trong thời gian vừa qua vẫn xảy ra một số hạn chế gây ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm. Nguyên nhân chủ yếu là do người đóng bảo hiểm, thậm chí cả tư vấn viên vẫn chưa nắm vững được hết các kiến thức pháp lý về bảo hiểm.
Do đó, để các tư vấn viên chuyên nghiệp, chất lượng hơn mỗi đơn vị bảo hiểm cần có những chương trình đào tạo về sản phẩm, khóa học chuyên sâu về pháp luật ngành Bảo hiểm... Sau khi các tư vấn bảo hiểm đủ điều kiện được sát hạch, cấp chứng chỉ mới được phép hành nghề, từ đó tạo được sự tín nhiệm từ khách hàng, góp phần làm cho thị trường bảo hiểm trở nên phát triển, minh bạch hơn.
Phóng viên: Dường như mức tăng trưởng doanh thu không tỷ lệ thuận với truyền thông, dẫn tới nhiều thông tin gây nhiễu thị trường bảo hiểm. Theo ông, cần có những giải pháp gì để giảm thiểu tối đa xung đột giữa khách hàng với doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng?
TS. Lê Bá Chí Nhân: Để giải quyết bài toán xung đột giữa khách hàng với doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, trước tiên mỗi doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng một đội ngũ nhân viên chất lượng, có chứng chỉ đào tạo, hành nghề cụ thể.
Tiếp đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý. Chẳng hạn về cấp phép, khi đủ các quy trình, điều kiện mới cho phép hoạt động. Đồng thời, trong quá trình hoạt động kinh doanh, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cuối cùng, không riêng gì ngành Bảo hiểm mà bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào yếu tố quan trọng là doanh nghiệp cần xây dựng chính thương hiệu. Để làm sao khi nhắc đến thương hiệu của mình thì mỗi khách hàng đều biết đến và có sự tín nhiệm đồng thời khẳng định được thương hiệu đó trên thị trường.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!