Ngành Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông sẵn sàng cho bước tiến vượt bậc

Hoàng Minh

Theo dự báo năm 2025 của Deloitte, trí tuệ nhân tạo sinh (GenAI) sẽ mở ra tương lai chuyển đổi trong ngành Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông.

Deloitte dự đoán rằng 25% doanh nghiệp sử dụng GenAI dự kiến sẽ ứng dụng các tác tử AI vào năm 2025 và tăng lên 50% vào năm 2027.
Deloitte dự đoán rằng 25% doanh nghiệp sử dụng GenAI dự kiến sẽ ứng dụng các tác tử AI vào năm 2025 và tăng lên 50% vào năm 2027.

Deloitte Toàn cầu vừa phát hành báo cáo “Dự đoán Công nghệ, Truyền thông & Viễn thông (TMT) 2025”, dự báo một năm bản lề với trí tuệ nhân tạo sinh (GenAI) và lĩnh vực TMT – trải dài từ những thách thức kỹ thuật của Ngành cho đến các quy chuẩn xã hội.

Ngành TMT có thể sẵn sàng cho một bước tiến vượt bậc và ở vị trí thuận lợi để định hình di sản của AI trong tương lai thông qua giải quyết các thách thức cơ bản về cơ sở hạ tầng, bình đẳng giới, tiêu thụ năng lượng, niềm tin và năng lực.

Báo cáo cho thấy, GenAI thúc đẩy mức tiêu thụ năng lượng tăng vọt của các trung tâm dữ liệu. Mức độ tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu toàn cầu được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 4% vào năm 2030 khi mức tiêu thụ năng lượng của GenAI tăng nhanh hơn các ứng dụng khác.

Khoảng cách trong việc chấp nhận sử dụng GenAI ở nữ giới được thu hẹp nhanh chóng. Đến năm 2025, tỷ lệ trải nghiệm và sử dụng GenAI ở nữ giới được dự đoán sẽ tương đương hoặc vượt qua nam giới, tuy nhiên các công ty công nghệ vẫn cần cải thiện lòng tin, sự hiện diện của nữ giới trong các mô hình đào tạo và sự đa dạng giới trong lực lượng lao động AI.

Số doanh nghiệp sử dụng AI agent (Tác tử AI) ngày càng tăng. Khoảng 25% doanh nghiệp sử dụng GenAI được dự báo sẽ triển khai các tác tử AI vào năm 2025, tăng lên mức 50% vào năm 2027.

Deloitte cũng nhận định, GenAI thiết lập cho các thiết bị thông minh hơn. Vào năm 2025, tỷ lệ điện thoại thông minh hỗ trợ GenAI được xuất xưởng có thể vượt quá 30%, bổ sung cho khoảng 50% máy tính cá nhân có khả năng xử lý GenAI cục bộ.

Xu hướng định hình lại thị trường viễn thông toàn cầu sẽ là các hoạt động M&A mảng viễn thông không dây có thể gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu, tăng cường khả năng chống chịu và cải tiến hiệu quả vận hành.

Trong khi đó, xu thế chuyển đổi từ dịch vụ truyền phát trực tuyến (streaming) sang các nền tảng tổng hợp khác. Báo cáo chỉ ra rằng, số lượng dịch vụ xem nội dung video trả tiền trực tuyến (SVOD) trên mỗi hộ gia đình được dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 với bốn dịch vụ ở Mỹ và hơn 2 dịch vụ ở châu Âu, sau đó giảm trong tương lai.

Theo bà Ariane Bucaille - Lãnh đạo TMT, Deloitte toàn cầu, thế giới đang ở trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên phát minh mới của nhân loại và những lựa chọn phát triển, sử dụng AI của nhân loại ngày hôm nay sẽ định hình nên tương lai.

“Trong quá trình xác định lộ trình cho GenAI, chúng ta phải phải vượt qua nhiều thách thức. Bằng cách tận dụng lòng tin, tính bao trùm và tính bền vững, chúng ta cần đảm bảo rằng những tiến bộ công nghệ sẽ không những tác động tích cực đến thế hệ hiện tại mà cả các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng rộng lớn hơn ở thế hệ mai sau”, bà Bucaille chia sẻ.

Ông Yang Chi Chih - Lãnh đạo TMT, Deloitte Đông Nam Á cho biết, GenAI đã dân chủ hóa công nghệ AI tiên tiến bằng cách đặt nó vào tay mọi nhân viên. Dựa trên phân tích của Deloitte, 43% nhân viên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tận dụng GenAI, trong đó Đông Nam Á xếp thứ hai trong top 9 khu vực sử dụng nhiều GenAI nhất.

Dù AI vẫn còn đang phát triển nhanh chóng, nhiều tổ chức đã khám phá cách tận dụng tối đa lợi ích của nó. Khi GenAI định hình lại bức tranh công nghệ, thành công lúc này không chỉ phụ thuộc vào công nghệ đơn thuần mà còn bị tác động bởi khả năng tận dụng các công cụ để tăng cường khả năng của nguồn nhân lực.

“Chúng tôi nhận thấy một cơ hội quan trọng cho các công ty viễn thông và công nghệ ở Đông Nam Á để chuyển đổi năng lực của lực lượng lao động thông qua việc xây dựng năng lực chiến lược và hướng tới mục tiêu khai thác năng lực AI. Tương lai thuộc về các tổ chức không chỉ đưa năng lực AI vào các quy trình hiện tại mà còn trao quyền cho nguồn nhân lực, hỗ trợ đổi mới và thích ứng trong quá trình chuyển đổi lấy AI làm trọng tâm”, ông Yang nhận định.