Ngành công nghiệp cơ khí: Khó “chen chân” vào chuỗi giá trị toàn cầu
Số doanh nghiệp cơ khí tăng nhanh, từ khoảng 10 nghìn doanh nghiệp năm 2010 lên hơn 21 nghìn doanh nghiệp năm 2016. Tuy vậy, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ cho rằng, ngành cơ khí đang ngày càng tụt hậu, không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa và khó “chen chân” vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là ở những khâu có giá trị gia tăng cao.
Tăng nhanh về số lượng
Tại Hội thảo “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng Công nghiệp 4.0”, do Cục Công nghiệp, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) vừa tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, thời gian qua, ngành công nghiệp cơ khí đã có những bước tiến rõ rệt, phần nào khẳng định vai trò và sức lan tỏa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Số doanh nghiệp cơ khí tăng nhanh, từ khoảng 10 nghìn doanh nghiệp năm 2010 lên hơn 21 nghìn doanh nghiệp năm 2016, chiếm 28% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng và phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại thì kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí của Việt Nam đạt trên 16 tỷ USD.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh, thế mạnh của cơ khí Việt Nam hiện tập trung ở 3 phân ngành: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng; dụng cụ ô tô và phụ tùng ô tô. Số lượng thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản lượng của cơ khí nhà nước.
Để đạt được những kết quả như trên, một phần là nhờ những chính sách hỗ trợ, ưu đãi được ban hành kịp thời, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí.
Điển hình là, nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg với các ưu đãi về vốn vay, tín dụng. Đã có 11 dự án được hưởng hỗ trợ theo Quyết định này, với tổng vốn hơn 9.978 tỷ đồng.
Công nghệ là yếu tố then chốt
Tuy nhiên, trên thực tế, năng lực và sự đóng góp của ngành cơ khí còn khiêm tốn so với yêu cầu hiện nay, thậm chí nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khó “chen chân” vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là ở những khâu có giá trị gia tăng cao.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ cho rằng, trong 30 năm trở lại đây, ngành cơ khí không chỉ đang ngày càng tụt hậu, mà còn không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa và mở rộng được xuất khẩu. Đáng chú ý, sản phẩm cơ khí chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, chưa hình thành một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí...
Ngành cơ khí vẫn chưa có các cơ sở công nghiệp có thiết bị công nghiệp tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc thiếu đầu ra cho sản phẩm dẫn đến các doanh nghiệp cơ khí không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn trong sự phát triển của ngành.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, ngành cơ khí có thể tiếp cận Công nghiệp 4.0 nếu chọn đúng hướng. Hiện nay, ngành cơ khí tuy phát triển chậm, nhưng lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử đã phần nào tiếp cận được nhịp độ Công nghiệp 4.0.
Những thế mạnh này là “phương tiện chủ lực” để Việt Nam có thể đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển, tạo khả năng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta cần tận dụng yếu tố này để phân tích dữ liệu, cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực và tăng năng lực quản trị một cách chính xác, đúng hướng.
Mặt khác, cần chủ động nắm bắt và làm chủ công nghệ mới, điều này sẽ giúp các nhà sản xuất đi tiên phong trong nắm bắt nhu cầu khách hàng, nhằm tạo dựng, mở rộng thị trường bền vững… Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long đề xuất, cần hạn chế tối đa cho nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu trong sản xuất cơ khí.