Ngành da giày đẩy mạnh “xanh hóa”, nâng chất lượng để phát triển bền vững
Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trong chuỗi cung ứng thế giới, ngành Da giày cần đặc biệt chú trọng chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng năm 2024, xuất khẩu giày dép đạt 16,538 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành Da giày sang các thị trường khá ổn định. 8 tháng năm 2024, ngành Da giày xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 5,58 tỷ USD, tăng 17,1%; EU (27 nước) là 3,63 tỷ USD, tăng 14,3%; Trung Quốc là 1,32 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, đơn hàng hiện đang hồi phục trở lại nhưng doanh nghiệp da giày trong nước lại đang gặp trở ngại lớn về vấn đề thiếu lao động. Đây là thách thức lớn, bởi lẽ những ngành sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may nhân lực được coi là tài sản lớn nhất. Dự báo cả năm nay, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành Da giày sẽ về đích với 27 tỷ USD.
Tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, giày dép được xác định là ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia với sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới (sau Trung Quốc, với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần).
Mục tiêu của ngành Da giày đến năm 2030 là tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, Ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất da giày tại Việt Nam đang không ngừng nỗ lực học hỏi, nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các phương pháp "xanh" vào quy trình sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế của ngành Da giày Việt trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi số phù hợp
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, với việc "xanh hóa", ngành Da giày đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí cho sản xuất, hướng đến phát triển bền vững. Đây cũng là lợi thế giúp da giày Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trong chuỗi cung ứng thế giới, toàn Ngành cần đặc biệt chú trọng chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng.
Xây dựng một lộ trình chuyển đổi số phù hợp, ứng dụng các công nghệ mới như in 3D, sử dụng robot trong sản xuất hay kết hợp các công nghệ mới thực tế ảo sẽ giúp ngành Da giày cải thiện năng suất, đáp ứng nhu cầu thời trang của người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm mua hàng.
Theo các chuyên gia, hiện có 4 xu hướng chuyển đổi số chính có khả năng tác động sâu rộng và tạo ra những thay đổi về phương thức hoạt động và định hướng của ngành công nghiệp da giày: Ứng dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu để giảm thời gian thiết kế và tăng độ chính xác; sự gia tăng nhanh chóng trong việc tự động hóa các hoạt động sản xuất; đa dạng kênh bán hàng và phương thức tiếp thị; phát triển một hệ sinh thái sản xuất xanh và bền vững.
Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu để giảm thời gian thiết kế và tăng độ chính xác được xem là quan trọng nhất. Lý do, ứng dụng công nghệ tự động hóa cho phép các doanh nghiệp sản xuất nhanh hơn, tập trung vào nhu cầu chính xác hơn và tối ưu chi phí hơn.
Nhờ vào công nghệ, tốc độ sản xuất có thể được nâng cao và các doanh nghiệp có thể chủ động trong khâu lập kế hoạch trung và dài hạn cho các sản phẩm trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, xu hướng số hóa hoạt động sản xuất cung cấp góc nhìn toàn cảnh và mang lại khả năng kiểm soát hoạt động hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
Cụ thể, sử dụng robot thực hiện một số khâu như quét keo, may chi tiết đồng bộ, cắt nguyên liệu… tiến tới tự động hóa nhà máy sản xuất; số hóa các công đoạn trên dây chuyền sản xuất nhằm cung cấp các thông tin trực quan về sản xuất theo thời gian thực, làm căn cứ ra quyết định điều hành sản xuất.
Công nghệ nano giúp các sản phẩm da giày có thể tích hợp các chức năng theo dõi sức khỏe (đo nhịp tim, lượng calo giải phóng…), hướng tới việc đưa ra các cảnh báo về sức khỏe cho người sử dụng. Đây cũng là một xu hướng được quan tâm trong tương lai.