Dệt may Việt tập trung nâng cao năng suất để tăng cạnh tranh

Ánh Dương

Mỗi doanh nghiệp dệt may có hướng tăng năng suất, chất lượng phù hợp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đầu tư cho thiết bị công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý, sản xuất tại các nhà máy là không thể thiếu.

Các doanh nghiệp dệt may cần đầu tư kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để tìm ra lối đi riêng, từng bước nâng cao sức cạnh tranh
Các doanh nghiệp dệt may cần đầu tư kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để tìm ra lối đi riêng, từng bước nâng cao sức cạnh tranh

Xuất khẩu tăng 8,9%

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 2,98 tỷ USD, giảm 26,5% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 16,0% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu ngành Dệt may đang cải thiện tích cực, khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm.

Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may; tuy nhiên xuất khẩu sang EU vẫn chậm.

Dệt may vốn vẫn được đánh giá là ngành thâm dụng lao động. Do yếu tố lịch sử, ngành Dệt may phát triển trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, thu nhập thấp, lao động nhiều, nhất là lao động phổ thông.

Theo đại diện của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, xuất phát của ngành ban đầu khá đơn giản, doanh nghiệp tận dụng được sức lao động, sản xuất với giá rẻ thì có thị trường. Đến nay, nền kinh tế phát triển hơn, lợi thế cạnh tranh dựa vào lao động và giá lao động không còn phát huy hiệu quả.

Chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn nhiều so với Bangladesh ở mức 95 USD/người/tháng; Campuchia 190 USD/người/tháng; Ấn Độ 145 USD/người/tháng.

Chi phí tiền lương cao hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh, trong khi giá đơn hàng thấp, thậm chí có những đơn hàng giá thấp hơn tới 50% so với cùng thời điểm năm 2019 đang là thách thức lớn của doanh nghiệp dệt may.

Tiên quyết là phải nâng cao năng suất

Để tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho ngành Dệt may Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, tiên quyết là phải nâng cao hơn nữa năng suất.

Theo đó, doanh nghiệp cần đầu tư và sử dụng thiết bị tự động hóa cao, giảm số lượng lao động trên một sản phẩm, tìm kiếm sản phẩm ngách có giá trị cao hơn, qua đó nâng cao giá trị làm việc trên giờ của người lao động.

Đối với ngành May, tất cả những khâu đòi hỏi tay nghề cao, đơn hàng có số lượng lớn đã triển khai tự động hóa. Trước đây để tăng trưởng 1 tỷ USD thì phải tuyển dụng thêm 100.000 lao động, ngày nay để tăng trưởng 1 tỷ USD chỉ cần khoảng 20.000 - 30.000 lao động.

Mỗi doanh nghiệp có hướng tăng năng suất phù hợp, tuy nhiên, đầu tư cho thiết bị công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý, sản xuất tại các nhà máy là không thể thiếu.

Ví dụ điển hình như trường hợp Công ty cổ phần Sợi Phú Bài, bên cạnh đẩy mạnh công tác đào tạo tay nghề cho người lao động, doanh nghiệp đã lập dự án đầu tư thay thế thiết bị năm 2024 cũng như dự kiến đầu tư năm 2025 và kế hoạch đầu tư chiều sâu giai đoạn năm 2026 - 2030 để thay thế hoàn toàn các thiết bị đã sử dụng trên 20 năm cho mục tiêu phát triển bền vững.

Các chuyên gia cũng chỉ ra, thực hiện tốt năng suất lao động tổng hợp (TFP) là "chìa khoá" giúp doanh nghiệp cải thiện tốt năng lực, hiệu quả sản xuất. Để đạt TFP tốt, cần rà soát, đánh giá mức độ đạt được, tính sẵn sàng, chỉ tiêu đo lường của 4 nhóm nội dung của TFP để xây dựng kế hoạch hành động phù hợp.

Đối với ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần ưu tiên rà soát nhân sự để có giải pháp triển khai; đánh giá mức độ phức tạp và ưu tiên để chuyển đổi số từng hoạt động cụ thể.

Có giải pháp và cần đầu tư kinh phí thích đáng vào nhân sự cho các vấn đề đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tìm hiểu các giải pháp quản lý để bổ sung vào mô hình hiện tại để có thể triển khai đổi mới sáng tạo; xây dựng chỉ tiêu đo lường và đánh giá hiệu quả đối với từng nhóm nội dung triển khai...