VITAS:

Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu thân thiện với môi trường

Xuân Trường

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp dệt may, da giày nước ta đặc biệt quan tâm đến “tăng trưởng xanh”. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã đặt mục tiêu giúp ngành Dệt may trở nên thân thiện với môi trường hơn vào năm 2030, Theo đó, Ngành có kế hoạch giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng và 1/5 mức tiêu thụ nước.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Tổng thư ký VITAS Trương Văn Cẩm cho biết, ngoài việc góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh”, ngành Dệt may “xanh” còn nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, trong đó có thị trường EU.

Dệt may, da giày Việt Nam cần nâng cao tính bền vững của sản phẩm xuất khẩu sang EU sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hàng hóa phải tuân thủ tiêu chí thiết kế sinh thái. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp phải tập trung triển khai nhanh chóng, nếu muốn khai thác các thị trường như Mỹ hay EU và các thị trường lớn khác. Điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và giảm chi phí sản xuất.

Theo VITAS, các doanh nghiệp dệt may đã thực hiện nhiều hoạt động xanh hóa như thay thế nồi hơi điện, sử dụng điện mặt trời áp mái, tái sử dụng nước thải. Tuy nhiên, cần có sự đồng bộ hơn trong việc xanh hóa giữa các doanh nghiệp bởi rào cản là cần vốn đầu tư lớn, chính sách khuyến khích, hỗ trợ.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để đẩy nhanh quá trình “xanh” hóa, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là rất quan trọng, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tích cực đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.