Ngành Dệt may Việt Nam tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới


Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may - thiết bị, nguyên phụ liệu & vải 2024, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết về xu hướng tích cực từ 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật Bản.

Với nhiều sự thay đổi tại các thị trường lớn trên thế giới, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2024. Ảnh: ITN
Với nhiều sự thay đổi tại các thị trường lớn trên thế giới, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2024. Ảnh: ITN

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang có các đơn hàng hết quý II và quý III.2025

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, ngày 19/9 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất 0,5% đưa mức điều hành về 4,75 - 5% sau hơn 3 năm và có khả năng Fed sẽ giảm tiếp 0,5% trong 2 kỳ họp còn lại trong năm 2024, 1% trong năm 2025 và 0,5% năm 2026 để giữ lãi suất quanh 3% trong những năm tiếp theo.

Với đà cắt giảm này, Fed kỳ vọng vào việc hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ (lạm phát về mức mục tiêu mà không suy thoái). Tâm lý tiêu dùng của người dân Mỹ tích cực hơn do chi phí vay thấp hơn, giảm tác động của lãi suất thẻ tín dụng, cũng như thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế.

Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt kỷ lục 4,66 tỷ USD trong tháng 8.2024, trong đó đi Mỹ đạt 1,9 tỷ USD cũng là mức kỷ lục theo tháng từ trước tới nay.

Dự kiến, các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Nhu cầu và đơn giá chỉ thực sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt. Với các yếu tố thuận lợi như vậy, ngành Dệt may Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn về thị trường và khẳng định tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới.

Về phía EU, lạm phát đang có xu hướng giảm. Sắp tới, châu Âu là “vùng mờ” về khả năng phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ trong trung hạn. Còn với Nhật Bản, nước này cũng đang thay đổi tiếp cận chính sách, chấp nhận lạm phát, mất giá đồng Yên để đạt được tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố này khiến nhu cầu tiêu dùng tại 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam được cải thiện trong thời gian sắp tới.

Cùng với đó, trên góc độ cạnh tranh quốc gia, do các yếu tố bất ổn về chính trị, bất cập về chính sách ở các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Myanmar và Bangladesh đã giúp các doanh nghiệp dệt may của chúng ta đón nhận các đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia này. Nhiều doanh nghiệp may đang có các đơn hàng hết quý II, thậm chí quý III.2025.

Những tín hiệu tích cực cho ngành Dệt may

Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy hoạt động xuất khẩu ngành Dệt may đang cải thiện tích cực, khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm.

Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may; tuy nhiên xuất khẩu sang EU vẫn chậm.

Thống kê cho thấy, lượng tồn kho của các hãng thời trang giảm xuống đang cho thấy tín hiệu tích cực về đơn hàng dệt may trong những tháng cuối năm. Lạm phát ở Hoa Kỳ thấp, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) vừa giảm lãi suất vào tháng 9 của và có thể cuối năm sẽ có một đợt giảm lãi suất nữa. Cùng với đó, lãi suất của Anh vừa giảm lần thứ 2 vào ngày 1.8 kể từ tháng 3.2020 với mức giảm 0,25%, hy vọng sức cầu của thị trường sẽ tăng lên.

Mức giảm tồn kho của các hãng thời trang lớn trên thế giới cũng khá tích cực, đơn cử Nike giảm tới 11%, Levi’s giảm 7%, kết quả kinh doanh cũng như lợi nhuận của các hãng được cải thiện ở mức khá bền vững. Hai hãng thời trang có mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật nhất là H&M với lợi nhuận tăng trưởng khoảng 49%, Uniqlo khoảng 36%. Các doanh nghiệp dệt may đang đặt nhiều hy vọng giá đơn hàng sẽ được cải thiện, các doanh nghiệp dệt may sẽ có hiệu quả tích cực hơn so với năm trước.

Năm 2024, ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD. Với những tín hiệu tích cực của thị trường, mục tiêu nêu trên có thể đạt được, tuy nhiên ngành Dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu thị trường chưa cải thiện ổn định, cước vận tải biển, chi phí sản xuất… được dự báo tiếp tục tăng tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)