Ngành Giao thông vận tải giải ngân trên 95% vốn đầu tư
Ngày 28/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Đến hết năm 2023, Bộ GTVT dự kiến giải ngân trên 95% kế hoạch Chỉnh phủ giao.
Năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành 12 chỉ thị, 54 công điện, hơn 400 thông báo kết luận và trên 14.000 văn bản chỉ đạo, điều hành toàn diện các nhiệm vụ, kế hoạch của ngành. Bộ GTVT đã lập, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia.
Trong năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án (đường bộ 18 dự án, đường thủy 2 dự án, đường sắt 3 dự án, hàng hải 2 dự án và khối xây dựng 1 dự án). Bộ đã hoàn thành 20 dự án, trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc cả nước lên 1.892km.
Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao tổng số vốn năm 2023 khoảng 94,1 ngàn tỷ đồng (gấp 1,7 lần năm 2022). Trước nhiệm vụ khó khăn đó, Bộ GTVT đã linh hoạt và nỗ lực giải ngân duy trì ở mức cao so với bình quân cả nước. Đến hết năm 2023, Bộ GTVT dự kiến giải ngân trên 95% kế hoạch Chỉnh phủ giao. Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2023 tiếp tục được quan tâm. Trong số kinh phí hơn 19,9 ngàn tỷ đồng được giao, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được gần 19,5 tỷ đồng (đạt 97,94%)…
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lĩnh vực GTVT có phạm vi lớn, trải dài từ Bắc vào Nam, số tiền đầu tư lớn, liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp… Do đó, Bộ GTVT phải nắm bắt tình hình thực tế này để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hiệu quả.
Năm 2023 là năm kinh tế - xã hội trong nước và thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội trong nước đạt được nhiều kết quả quan trọng, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành và toàn thể Nhân dân. Trong đó, có sự đóng góp đáng kể của ngành GTVT. Điều này thể hiện qua việc hầu hết các mặt công tác của Bộ GTVT đã hoành thành kế hoạch đề ra.
Bộ GTVT đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời. Công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án tiếp tục được triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm…
Năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành GTVT phát huy thành quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải quán triệt chủ trương của Đảng, điều hành của Chính phủ để tập trung nguồn lực đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Bộ GTVT phải lấy đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực trong việc dẫn dắt việc xây dựng, khảo sát, thiết kế, giám sát, tổ chức thi công… các công trình trọng điểm. Từ đó, góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng và chống tiêu cực, tham nhũng…
Ngành GTVT tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự án luật được giao nhiệm vụ xây dựng. Bộ GTVT tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trực tiếp thực hiện. Cùng với đó, ngành tập trung triển khai truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy định pháp luật.