Ngành Hải quan sơ kết công tác 6 tháng đầu năm: Thu ngân sách tăng cao, cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan được đẩy mạnh


TCTC Online - Ngày 07/7/2010, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đại diện các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. Đánh giá chung của ngành Hải quan cho thấy: việc triển khai các mặt công tác trong 6 tháng đầu năm của ngành Hải quan đã đạt nhiều kết quả khả quan và tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của toàn ngành Tài chính.

Thu ngân sách tăng cao so với dự toán

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 2 quý đầu năm 2010 ước đạt 71,05 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 32,32 tỷ USD, tăng 16,4% và nhập khẩu là 38,73 tỷ USD, tăng 29%. Thâm hụt thương mại hàng hoá 6 tháng/2010 là 6,42 tỷ USD, bằng 19,9% kim ngạch xuất khẩu.

Đến ngày 30/06/2010 số thu của ngành Hải quan đạt khoảng 80.619 tỷ đồng, bằng 61,3% so với dự toán, bằng 55,7% so với kế hoạch phấn đấu, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt là 35.406 tỷ đồng, bằng 53,2% so với dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2009; thuế giá trị gia tăng là 45.146 tỷ đồng, bằng  67,9% so với dự toán, tăng 63,7% so với cùng kỳ năm 2009; thu khác là 66 tỷ đồng.

Cũng thông qua hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và kiểm tra sau thông quan góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, cụ thể:  Qua công tác phúc tập hồ sơ đã ra quyết định ấn định 24,93 tỷ đồng, thực tế đã truy thu 22,72 tỷ đồng; qua công tác kiểm tra sau thông quan tổng số tiền thuế ấn định 06 tháng đầu năm 162,37 tỷ đồng (Bằng 133,96% so với cùng kỳ năm trước); qua công tác chống buôn lậu, toàn ngành đã bắt giữ được 5.650 vụ vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính hơn 103 tỷ đồng. Một số tang vật điển hình đã bị lực lượng kiểm soát hải quan thu giữ gồm 286.045 USD vận chuyển trái phép qua biên giới.

Đẩy nhanh cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan

Tại hội nghị sơ kết, ngành Hải quan đã cùng nhìn lại công tác cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan và khẳng định công tác này trong 6 tháng đầu năm về cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu về tiến độ, lộ trình đặt ra.

Việc triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử theo mô hình Chi cục hải quan thực hiện đồng thời 2 phương thức truyền thống và điện tử đã đáp ứng được tình hình thực tiễn và yêu cầu mở rộng, đảm bảo tính lan toả. Mô hình thông quan phù hợp với điều kiện hiện tại và làm tiền đề để triển khai mô hình thông quan tập trung sau này.

Việc triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử đã mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thông quan đối với các lô hàng thực hiện thủ tục hải quan điện tử giảm đáng kể so với thủ tục thông thường và khai từ xa; danh mục các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan điện tử giảm đáng kể so với thủ tục hải quan truyền thống. Qua điều tra, lấy ý kiến của các Cục hải quan tỉnh, thành phố hầu hết các doanh nghiệp đều đồng tình, ủng hộ chủ trương mở rộng thủ tục hải quan điện tử và đánh giá cao phương thức này.

Bước đầu đã hình thành được một đội ngũ cán bộ, công chức tại các Cục hải quan tỉnh, thành phố có kỹ năng và kiến thức thực hiện thủ tục hải quan điện tử làm tiền đề cho việc triển khai mở rộng thủ tục hải quan sâu, rộng trong giai đoạn tới.

Công tác kiểm tra, giám sát, quản lý hải quan được chấn chỉnh và tăng cường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các địa điểm kiểm tra tập trung; trang bị hệ thống camera giám sát...Đặc biệt hoàn tất xây dựng địa điểm, tổ chức tiếp nhận và khai trương vận hành 01 máy soi container do Nhật Bản tài trợ tại cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) và đang xúc tiến lựa chọn địa điểm trang bị máy soi di động.

Đến hết tháng 6/2010, việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã đạt được những kết quả cụ thể rất đáng khích lệ. Với 30 Chi cục trên 10 Cục hải quan đã triển khai thủ tục hải quan điện tử, số lượng tờ khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong 6 tháng đầu năm đã đạt con số 73.160, chiếm tỉ lệ 4,1% lượng tờ khai trên địa bàn. Điều đáng nói là 4,1% lượng tờ khai này lại chiếm tới 16,38% kim ngạch xuất khẩu, một tỉ lệ lớn, thể hiện giá trị cao của các tờ khai thực hiện bằng phương thức điện tử. Thời gian thông quan trung bình đối với luồng xanh từ 3-15 phút; luồng vàng điện tử từ 10-20 phút; luồng vàng giấy từ 10-60 phút; luồng đỏ  phụ thuộc thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa. Phương thức này đã thu hút 1111 doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Tính đến nay, Hải quan Việt Nam đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 03 loại hình là hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài hoặc gia công tại nước ngoài và hàng hóa sản xuất xuất khẩu tại chỗ. Nhưng sắp tới, ngành sẽ đưa vào thí điểm triển khai thủ tục hải quan điện tử đối với loại hình chế xuất, doanh nghiệp ưu tiên. Ngành cũng sẽ tiếp tục triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử cho 03 Cục hải quan tỉnh, thành phố mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cần Thơ, Lào Cai, Hà Tĩnh.

Tổng cục Hải quan đã triển khai Đề án 30 trong toàn Ngành theo tiến độ và yêu cầu của Tổ cải cách hành chính của Chính phủ và của Bộ Tài chính. Kết quả tính toán chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) đối với các TTHC trong lĩnh vực hải quan đạt tỷ lệ 32% trên tổng chi phí hiện tại. Cụ thể, chi phí hiện tại 582.423.500,480 đồng; chi phí sau đơn giản hoá thủ tục là 395.428.907.560 đồng; chi phí tuân  thủ TTHC tiết kiệm được 186.994.592,920 đồng;

 Những công việc triển khai trong 6 tháng cuối năm 2010 sẽ nhằm tạo tiền đề quan trọng cho Tổng cục Hải quan đạt được mục tiêu trong năm 2011. Năm 2011, toàn ngành phấn đấu triển khai thủ tục hải quan điện tử cho đầy đủ các loại hình quy định trong Thông tư 222/2009/TT-BTC tại các đơn vị triển khai theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là: triển khai thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa; đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài hoặc gia công tại nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu; đối với hàng hóa đưa vào kho ngoại quan; đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư; đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất; với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ; hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại; và cuối cùng là đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

Trong năm 2011, ngành Hải quan cũng đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỉ trọng kim ngạch thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt 80% trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại địa bàn, tỷ trọng tờ khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt 50% tổng số tờ khai trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2015 thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt trình độ ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á tại thời điểm năm 2010. Đảm bảo hệ thống thủ tục hải quan điện tử tích hợp đầy đủ các chức năng xử lý tờ khai hải quan điện tử, Manifest điện tử, thanh toán điện tử, các giấy phép điện tử. Thủ tục hải quan điện tử trở thành một phương thức phổ biến tại các địa bàn trọng điểm có quy mô và lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, trong khi đó thủ tục hải quan truyền thống trở thành ngoại lệ.

 Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã hoan nghênh và biểu dương kết quả toàn diện của ngành Hải quan trong 6 tháng đầu và đề nghị ngành Hải quan tiếp tục phát huy các kết quả đó trong 6 tháng cuối năm. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Hải quan cần phải thực hiện trong thời gian tới: Hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2011 đồng thời với xây dựng thể chế chính sách cho năm 2011;  Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ và nâng cao chất lượng Hải quan điện tử; Tập trung chỉ đạo triển khai cải cách hiện đại hoá, tạo thuận lợi xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu, giảm thời gian thông quan; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; Chuẩn bị lực lượng phục vụ cho đầu tư phát triển, phục vụ cho công tác xuất nhập khẩu trong thời gian tới khi Việt Nam sẽ có nhiều các Dự án lớn được triển khai liên quan đến ngành điện, hoá chất... nhằm đầu tư cho phát triển. Ưu tiên bổ sung biên chế cho lực lượng Hải quan điện tử, bộ phận quản lý rủi ro và lực lượng kiểm tra sau thông quan vì kiểm tra sau thông quan là trụ cột của hải quan điện tử; Kiện toàn thêm cơ sở dữ liệu về giá và mã hàng hoá - một giải pháp quan trọng trong điều chỉnh hệ thống thuế của Việt Nam minh bạch và đơn giản; Ngành Hải quan phải là lực lượng quan trọng góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu. Kiểm định và kiểm dịch chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu không cần thiết, tăng cường sự tuân thủ theo pháp luật. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong xuất khẩu hàng hoá có giá trị cao, khối lượng lớn; Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp và trách nhiệm của Tổng cục Hải quan với các đơn vị; Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của cán bộ công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong ngành./.

PV (T/h)