Ngành Hải quan: Tăng cường các biện pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ
Năm 2017, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp cùng hải quan các địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 32 vụ hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng giá trị hàng hóa vi phạm, bị bắt giữ và xử lý khoảng 26 tỷ đồng. Năm 2018, Ngành Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan; Tăng cường hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Năm 2017, bên cạnh nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, thông lệ quốc tế về tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa, vẫn còn không ít doanh nghiệp cố tình vi phạm nhằm mục đích trục lợi. Các đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng trong tạm nhập tái xuất để vận chuyển hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ từ nước láng giềng về Việt Nam, sau đó đưa sang một số nước láng giềng khác tiêu thụ.
Trước tình hình đó, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát Hải quan, nòng cốt là Cục Điều tra chống buôn lậu, tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp; Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm vi phạm sở hữu trí tuệ.
Qua đó, năm 2017, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp cùng hải quan các địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 32 vụ hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng giá trị hàng hóa vi phạm, bị bắt giữ và xử lý khoảng 26 tỷ đồng.
Có thể kể đến vụ việc điển hình như ở tại khu vực phía Nam, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ 04 container hàng hóa mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I.
Doanh nghiệp khai báo là các mặt hàng bách hóa, nhưng khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đã phát hiện các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu, gồm 13.562 phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Apple; 328 phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Samsung; 45.160 bộ quần áo giả mạo các nhãn hiệu Puma, Nike, Adidas; 1.410 đôi giày và 700 túi xách giả mạo các nhãn hiệu LouisVuitton, Giorgio Armani, Mont Blanc; 1.125 đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu Rolex, Piguet, Chanel, Tagheuer, Breitling; 970 sản phẩm là đồ trang sức, phụ kiện giả mạo các nhãn hiệu Starbucks, Catier, Rolex, MontBlanc và Dior...
Tại miền Bắc, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị tỉnh Lạng đã phát hiện 05 container hàng hóa mở tờ khai vận chuyển độc lập. Doanh nghiệp khai báo là hàng may mặc, tiêu dùng…nhưng khi kiểm tra thực tế đã phát hiện các mặt hàng máy nén khí giả mạo nhãn hiệu Samsung; Túi xách, ví nữ giả nhãn mạo hiệu Guci, Hermes; Ổ cắm giả nhãn hiệu Panasonic; Giầy giả nhãn hiệu Adidas, Nike; Máy ảnh giả hiệu Casio.
Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, đặc thù biên giới đường bộ giữa Việt Nam với các nước láng giềng có nhiều đường mòn, lối mở…các đối tượng đã lợi dụng vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, trong đó có hàng giả và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào thị trường nội địa.
Thực tế các hành vi vi phạm cho thấy rất đa dạng và phong phú. Khi làm thủ tục hải quan, các đối tượng thường không khai báo nhãn hiệu hàng hoá, hoặc khai sai xuất xứ, chủng loại, số lượng để trốn tránh thuế cũng như sự kiểm soát của hải quan. Quá trình đóng hàng vào container để vận chuyển, các đối tượng thường trộn lẫn hàng thật với hàng giả, hoặc đóng nhiều chủng loại hàng mang các nhãn hiệu khác nhau... để qua mặt cơ quan chức năng.
Năm 2018, để siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái xâm nhập vào Việt Nam, Ngành Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan; Tăng cường hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại hình sản xuất xuất khẩu, đầu tư, gia công xuất khẩu.
Đồng thời, tập trung kiểm soát đối với các mặt hàng, sản phẩm có nguy cơ làm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ cao như điện tử, hàng tiêu dùng, thời trang dày dép, túi xách, rượu, thuốc lá, tân dược, đông dược.
Lực lượng Hải quan các địa phương sẽ chú trọng phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cụ Hải quan) trong kiểm soát loại hình nhập khẩu kinh doanh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan với các mặt hàng có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng như thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, mỹ phẩm, tân dược… tại các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm.