Ngành hàng cá tra kỳ vọng hơn về thị trường xuất khẩu cuối năm


Trong 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng cá tra xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp ước đạt 213.547 tấn; kim ngạch ước đạt 534,38 triệu USD. Ước tính năm 2023, sản lượng cá tra xuất khẩu đạt 245.307 tấn; kim ngạch đạt 616,08 triệu USD. Mặt hàng cá tra của tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường trọng điểm bao gồm: Trung Quốc (chiếm 26,3%); Mỹ (chiếm 24,5%), EU (chiếm 11,3%)....

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia IDI. Ảnh: Khánh Phan
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia IDI. Ảnh: Khánh Phan

Đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu

Theo VINAPA, tính đến hết tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 1,5 tỷ USD. Trong đó, thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu sử dụng mặt hàng cá tra nhằm chuẩn bị nguồn hàng cho mùa lễ hội cuối năm. Không chỉ vậy, thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng phục hồi trở lại.

Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, cá tra là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm hơn 65% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng cá tra xuất khẩu ước đạt 213.547 tấn; kim ngạch ước đạt 534,38 triệu USD. Ước tính năm 2023, sản lượng cá tra xuất khẩu đạt 245.307 tấn; kim ngạch đạt 616,08 triệu USD. Mặt hàng cá tra của tỉnh xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường trọng điểm bao gồm: Trung Quốc (chiếm 26,3%); Mỹ (chiếm 24,5%), EU (chiếm 11,3%)....

Bà Lê Thị Trúc Tươi - Phó Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian qua, cá tra được sản xuất khép kín theo chuỗi ngành hàng theo vùng tập trung quy mô lớn, cung ứng nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến và xuất khẩu, mang lại giá trị sản xuất cao. Cá tra của tỉnh sản xuất theo quy trình, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hoạt động nuôi cá tra thương phẩm chủ động công tác giống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm giá thành, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng trong chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh...”.

Để nâng cao giá trị ngành hàng cá tra, ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, các ngành, các cấp cần phải truyền thông tốt hơn với thị trường các nước thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương nhằm giúp họ hiểu hơn về cá tra Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi cần phải thay đổi cách nuôi, lai tạo con giống, nuôi mật độ thấp, phòng ngừa dịch bệnh để giúp con cá tra tăng trưởng nhanh, hạ được giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm”.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch VINAPA cho biết: “Tình tình xuất khẩu cá tra của cả nước có những gam màu sáng, đặc biệt là thị trường khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có sự chuyển biến tích cực. Trong những tháng còn lại của năm có nhiều tín hiệu đáng mừng, đơn đặt hàng của một số thị trường như Trung Quốc và Mỹ tăng hơn những quý trước, nghĩa là tăng trưởng âm càng lúc càng giảm dần”.

Khai thác tốt nhất tiềm năng xuất khẩu

Theo VINAPA, trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả cạnh tranh, ngành hàng cá tra đang chú trọng nhiều giải pháp cải thiện chuỗi sản xuất nuôi trồng, chế biến cung ứng xuất khẩu. Đây là điều kiện tất yếu nhằm tận dụng thời cơ, khai thác tốt nhất tiềm năng xuất khẩu, ngành hàng thủy sản thế mạnh của vùng.

Ông Hàng Quốc Định - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành cho biết: “Với hy vọng thị trường có thể hồi phục, doanh nghiệp đang tập trung nỗ lực tiết giảm chi phí nhằm hạ giá thành xuất khẩu. Trong những tháng cuối năm, Ban lãnh đạo quyết tâm rà soát lại tất cả các chi phí có thể tiết giảm được để cung cấp sản phẩm cho khách hàng với giá tốt cũng như chất lượng tốt”.

Thống kê đến hết tháng 10/2023, diện tích nuôi mới cá tra của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long là hơn 5.300ha. Con số này tăng gần gấp đôi so với diện tích nuôi mới của cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, một khi xuất khẩu thuận lợi, khả năng vùng nuôi sẽ mở rộng thêm. Nhu cầu con giống chất lượng, đảm bảo đủ chuẩn quy định của các nước nhập khẩu càng được quan tâm hàng đầu...

Thông tin định hướng phát triển xuất khẩu ngành hàng cá tra tỉnh nhà, bà Lê Thị Trúc Tươi - Phó Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển ngành hàng cá tra theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, dựa trên việc áp dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý. Cùng với đó, thực hiện thường xuyên công tác quan trắc môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản; theo dõi sát tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, thông tin thị trường. Đồng thời tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số trong công tác quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường và môi trường nuôi...”.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch VINAPA cho hay: “Việc chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị trong chuỗi sản xuất, chế biến cá tra đang kỳ vọng đưa ngành cá tra đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm nay. Thời gian tới, đơn vị sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh triển khai đảm bảo sản xuất con giống đạt tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng cá tra đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời quy định hàng hóa của các nước nhập khẩu cá tra đòi hỏi ngày càng cao từ cá giống đến quy trình chế biến, vì vậy, với nguồn cá giống tốt, sạch bệnh tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng cá tra được tốt hơn...”.

Theo Khánh Phan/Báo Đồng Tháp