“Gỡ khó” cho cá tra tại các thị trường trọng điểm
Biến động của thế giới như đại dịch COVID-19, chiến tranh, cũng như tình hình lạm phát toàn cầu khiến cho xuất khẩu cá tra Việt Nam tại các thị trường lớn Trung Quốc, Mỹ, EU đều thăng trầm.
Theo bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Cửu Long An Giang, mặc dù luôn nằm trong top 2 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng hiện nay xuất khẩu sang Mỹ vẫn vướng vụ kiện chống bán phá giá với cá tra, cho nên chỉ một số rất ít doanh nghiệp được xuất khẩu vào thị trường này, đó là một điều bất lợi cho cá tra Việt Nam.
Đáng lưu ý, đến năm 2023 đã là 20 năm con cá tra đã bị đánh thuế chống bán phá giá tại Mỹ do phía Mỹ chưa công nhận Việt Nam hoàn toàn là nền kinh tế thị trường. Vì vậy, xin kiến nghị Chính phủ và cơ quan ban ngành quan tâm để tháo gỡ và dần dần đưa thị trường Mỹ trở thành giống như các thị trường thông thường khác để không bị đánh thuế chống bán phá giá.
Không chỉ khó khăn với riêng thị trường Mỹ, biến động của thế giới như đại dịch Covid 19, chiến tranh, cũng như tình hình lạm phát toàn cầu khiến cho xuất khẩu cá tra Việt Nam thêm thăng trầm trong thời gian qua.
Quý I/2023, xuất khẩu cá tra đã giảm 35% so với cùng kì năm trước vì những khó khăn của thị trường tiêu thụ. Trung Quốc hiện nay đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất thế giới, mặc dù đã hoàn toàn mở cửa nhưng chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
"Trung Quốc là một thị trường vô cùng khó tính, cách sử dụng con cá tra khác biệt so với những thị trường khác. Thông qua truyền thống ẩm thực của người Trung Quốc, cá tra được chế biến thành hàng trăm món ăn, phục vụ trong các nhà hàng sang trọng như một món ăn cao cấp. Cho nên, họ yêu cầu chất lượng rất cao và ổn định", Chủ tịch Thủy sản Cửu Long An Giang nhấn mạnh.
Bà Loan cũng cho biết, hai quốc gia hiện vẫn tồn tại hai hình thức xuất khẩu. Thông thường những công ty lớn nhập khẩu bằng đường chính ngạch và yêu cầu chất lượng cao, còn những công ty nhập khẩu thông qua đường tiểu ngạch yêu cầu chất lượng không quá khắt khe.
“Với Trung Quốc, việc xây dựng chiến lược riêng cho xuất khẩu cá tra là cần thiết. Theo đó, phải kiểm soát chất lượng xuất khẩu đồng nhất và luôn giữ hình ảnh con cá tra. Bởi vì, với 1,4 tỷ dân, vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển và nhiều cơ hội để chúng ta có thể mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, Chủ tịch Thủy sản Cửu Long An Giang kiến nghị.
Với thị trường EU, bà Loan chia sẻ: "EU từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng cá tra. Nhưng vì nhiều lý do cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá bán, giảm chất lượng, hình ảnh con cá tra Việt Nam bị bôi nhọ làm sụt giảm đáng kể thị phần. Hiện nay, xuất khẩu sang thị trường EU chỉ còn chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam".
EU vẫn là thị trường có tính định hướng và chi phối trên thế giới. Do vậy, bà Loan kiến nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương quan tâm việc xây dựng thương hiệu và hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường EU.
Cho biết hiện cá tra cũng giống ngành khác phải chịu chi phí đầu vào tăng cao, cộng với thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn, phải bán sản phẩm với giá rẻ để xoay vòng vốn, làm cho doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn.
Vì vậy, bà Loan đề nghị các bộ ngành và chính phủ quan tâm đặc biệt để tháo gỡ, khơi thông nguồn vốn ưu tiên vốn cho sản xuất, và giảm lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần những biện pháp hỗ trợ sớm nhất từ Thủ tướng Chính phủ như giảm giá thuê đất, giá điện... Rất mong Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng giống như cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, rất nhiều doanh nghiệp cá tra đã lâm vào tình cảnh kiệt quệ và phá sản.