Ngành kế toán trước áp lực chuyển đổi số

ThS. Nguyễn Thị Kim Phụng, ThS. Hoàng Thụy Diệu Linh - Trường Đại học Văn Lang ; ThS. Doanh Thị Ngân Hà – Trường Đại học Văn Hiến

Bài viết chỉ ra những thay đổi do chuyển đổi số và thảo luận ảnh hưởng của chúng đến các lĩnh vực kế toán như kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán và kế toán thuế. Nhóm tác giả kỳ vọng các kế toán viên sẽ áp dụng lăng kính chuyển đổi số được cung cấp trong bài viết này để xem xét tác động của những tiến bộ công nghệ số đến triển vọng nghề nghiệp và định vị bản thân để nắm bắt nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng định hướng và điều chỉnh trong chương trình cũng như phương pháp đào tạo để giúp người học có thể trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mà một kế toán viên cần có trong thời đại chuyển đổi số.

Đặt vấn đề

Chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ và gây ra một loạt thay đổi cho ngành Kế toán như: Nguồn dữ liệu kế toán, các công cụ để thực hiện công việc kế toán, các quy trình, thủ tục kế toán và vai trò của kế toán viên (KTV). Bằng các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, chuyển đổi số tạo ra các giá trị mới. Theo đó, KTV cần có các năng lực lãnh đạo kỹ thuật số và năng lực công nghệ chiến lược để thực hiện hiệu quả vai trò của mình.

Các công cụ kỹ thuật số được dự doán có tác động trực tiếp đến lĩnh vực kế toán. Chẳng hạn như, Kế toán đám mây cho phép làm việc mọi nơi và trên mọi thiết bị có kết nối internet, giúp mở rộng cơ hội cộng tác bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, có thể tự động tích hợp các tiến bộ công nghệ mới nhất. Dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu và công nghệ khoa học dữ liệu làm thay đổi vai trò của KTV, họ cần phải tham gia các hoạt động quản lý dữ liệu, tư vấn cho các cấp quản lý về phân tích dữ liệu. Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) có thể dùng để quan sát chuỗi hành động mà một KTV thực hiện như đăng nhập vào hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), xem xét hóa đơn, kiểm tra tính chính xác, sau đó phê duyệt hoặc gửi nó qua một loạt các quy trình phê duyệt và thanh toán. Công nghệ Internet vạn vật (IoT) và Internet vạn vật kết nối (IoE) cho thấy, nguy cơ lỗi thời của nhiều quy trình kế toán hiện có, và cho phép KTV hiểu rõ hơn về các nút thắt trong các quy trình. Blockchain - công nghệ chuỗi khối và sổ cái phân tán cung cấp các cách chống giả mạo mới để xác minh danh tính và quyền sở hữu, thực hiện thanh toán gần như ngay lập tức mà không cần sự tham gia của bên thứ ba, tự động hóa việc thực hiện các thỏa thuận hợp đồng và quy trình làm việc liên quan (thông qua hợp đồng thông minh), phân phối lưu trữ dữ liệu một cách an toàn hơn với chi phí thấp hơn (Finley, K. & Barber, G., 2019).

Tác động của chuyển đổi số đến ngành Kế toán

Mặc dù chuyển đổi số thường được thảo luận ở góc độ tổ chức nhưng cũng có thể xuất hiện ở ngành nghề, lĩnh vực, thể chế, xã hội hoặc nghề nghiệp. Cả nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến thay đổi số trong nghề nghiệp kế toán được thảo luận dưới đây.

Thay đổi gián tiếp

Chuyển đổi số dẫn đến sự thay đổi mong đợi của các bên liên quan đối với KTV. Người quản lý doanh nghiệp sẽ kỳ vọng kế toán có vai trò lớn hơn trong việc dự đoán và phát hiện mối đe doạ, kiểm soát quy trình và tái thiết kế quy trình. Những mong đợi này thay đổi hoạt động kế toán theo ba cách:

Thứ nhất, thay đổi vai trò hiện có của kế toán. Vai trò truyền thống của kế toán (ghi nhận nghiệp vụ, đối chiếu sổ sách, lập báo cáo tài chính) đang dần được thực hiện bởi AI, từ đó dẫn đến giảm nhu cầu hoặc thậm chí không cần KTV. Ngược lại, vai trò kiểm tra và hợp tác của kế toán trở nên có giá trị hơn.

Thứ hai, các bên liên quan yêu cầu KTV phải kết hợp công nghệ số để giúp doanh nghiệp định hướng rủi ro số, đầu tư thông minh trong chuyển đổi số.

Thứ ba, vai trò mới của kế toán trong chuyển đổi số đòi hỏi kế toán phải có năng lực số mới như phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu.

Thay đổi trực tiếp

Chuyển đổi số tác động trực tiếp đến ngành Kế toán qua năm thay đổi chính, bao gồm:

(i) Thay đổi nguồn cung dữ liệu: Kế toán không còn là nguồn cung cấp dữ liệu độc quyền về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Sự đa dạng dữ liệu có sẵn tạo ra một loạt các đe dọa, cơ hội và thách thức cho KTV. Kế toán cần phải có khả năng tích hợp các bộ dữ liệu khác nhau, khả năng phân tích các loại dữ liệu khác nhau (dữ liệu có cấu trúc hoặc phi cấu trúc, dữ liệu máy, dữ liệu video và hình ảnh).

(ii) Thay đổi cách sử dụng các công cụ thực hiện công việc kế toán: Điện toán đám mây và điện toán di động đã trở thành công cụ hiệu quả cao để thực hiện công việc kế toán. Chẳng hạn như, internet vạn vật (IoT), tự động hóa quy trình bằng robot và máy bay không người lái cung cấp các công cụ mới cho kế toán để cải thiện một số hoạt động (giám sát hàng tồn kho tự động).

(iii) Thay đổi về giá trị kế toán tạo ra: Các hoạt động kế toán truyền thống được thực hiện nhanh hơn nhiều nên giải phóng khả năng tạo ra giá trị. Thời gian tiết kiệm được có thể dùng để giải quyết các thách thức khác như quản lý rủi ro kỹ thuật số, cảm biến chiến lược, hỗ trợ thay đổi, hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số.

(iv) Thay đổi về kiến thức cần trang bị cho KTV: KTV liên tục cập nhật kiến thức để có thể nhạy bén với những tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số.

(v) Phá vỡ các năng lực cần thiết để thực hiện hiệu quả công việc kế toán: KTV sẽ cần năng lực quản lý dữ liệu, phân tích dữ liệu và trực quan hóa dữ liệu, học máy, tự động hóa quy trình bằng robot, xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Ảnh hưởng của chuyển đổi số đến các lĩnh vực kế toán

Kế toán tài chính

Kế toán tài chính tập trung vào việc xác định, đo lường, ghi chép các sự kiện kinh tế một cách hiệu quả, sau đó chuyển dữ liệu thành báo cáo tài chính. Công nghệ số phát triển sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực kế toán tài chính.

- Thay đổi cách nhận diện nghiệp vụ kế toán: Các thuật toán dựa trên AI có thể giám sát các quy trình kinh doanh, báo cáo ngân hàng để tự động xác định các sự kiện hoặc giao dịch kinh tế cần ghi lại. Ví dụ như là nền tảng kế toán đám mây Xero tích hợp vào thông tin tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp và tự động xác định các giao dịch ngân hàng cần được ghi lại.

- Thay đổi cách ghi sổ nghiệp vụ kế toán: Nền tảng kế toán đám mây Xero sẽ tự động chuẩn bị các mục nhật ký tương ứng để KTV chỉ cần phê duyệt hoặc sửa đổi.

- Thay đổi cách quản lý và đo lường các khoản mục kế toán: Ví dụ như hàng tồn kho có thể được đo lường và theo dõi cụ thể bằng cảm biến và kết nối internet, hoặc hàng tồn kho có thể được đo lường chính xác hơn bằng cách sử dụng máy bay không người lái và thị giác máy tính. Điều này có thể khiến các phương pháp đo lường/định giá LIFO (nhập sau, xuất trước) và FIFO (nhập trước, xuất trước) trở nên không phù hợp (Cong, Y., Du, H., & Vasarhelyi, M.A.,2018).

Kế toán quản trị

Kế toán quản trị tập trung vào những người sử dụng thông tin kế toán nội bộ, chủ yếu là các nhà quản lý chiến lược, nhà quản lý điều hành, nhà quản lý chức năng và nhà lãnh đạo.

- Thay đổi nhu cầu thông tin và mong đợi của các bên liên quan về kế toán quản trị: Do nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số và kinh doanh số được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ, các bên liên quan yêu cầu thông tin để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả. Ví dụ như họ yêu cầu thông tin về các cơ hội và mối đe dọa thay đổi số, thiết kế mô hình kinh doanh số hiệu quả, mức độ rủi ro số và hiệu quả của các khả năng số. Từ những kỳ vọng mở rộng thông tin này, những tiến bộ của công nghệ số cũng thay đổi vai trò của kế toán quản trị.

- Thay đổi các hoạt động phân tích dữ liệu của kế toán quản trị: Mở rộng dữ liệu có sẵn và sử dụng các phương pháp cần thiết để phân tích dữ liệu (ví dụ như khoa học dữ liệu và phương pháp học máy, các công cụ cần thiết để quản lý và phân tích dữ liệu như Bộ quản lý dữ liệu Oracle, ngôn ngữ lập trình R).

- Thay đổi cách trình bày và truyền đạt thông tin của kế toán quản trị: Những công cụ này giúp việc công bố thông tin được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, tự động, có thể tùy chỉnh và đa kênh. Nhờ vậy, kế toán quản trị tận dụng các công cụ để cung cấp cho các bên liên quan thông tin dễ tiếp cận, tùy chỉnh và dễ hiểu hơn.

Cuối cùng, thông qua việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số mới, kế toán quản trị cũng có thể cải thiện sự tham gia của các bên liên quan thông qua khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, khả năng tương tác với dữ liệu và tùy chỉnh thông tin do kế toán quản trị cung cấp.

Kế toán thuế

Các công cụ mới được sử dụng có thể thực hiện các hoạt động của chức năng thuế được hiệu quả hơn. Ví dụ như, các công cụ phân tích dữ liệu có thể sử dụng để tính thuế phải nộp, đối chiếu tài khoản thuế và đánh giá thuế thu nhập nhanh hơn nhiều so với khả năng của con người. Các công cụ phân tích dự đoán và trực quan hóa dữ liệu có thể sử dụng để lập kế hoạch thuế, tự động hiển thị số thuế phải nộp và làm nổi bật các chiến lược thuế tối ưu. Các công cụ học máy có thể xác định thông tin thuế không tuân thủ hoặc gian lận trước khi nộp cho cơ quan chức năng, đối sánh dữ liệu đã gửi của một tổ chức với tất cả các tổ chức tương tự trong và ngoài ngành.

Tiến bộ công nghệ kỹ thuật số cũng phá vỡ quy trình tuân thủ thuế. Khi các cơ quan quản lý tận dụng các công nghệ kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả của các hoạt động thực thi tuân thủ, họ sẽ phải thiết kế lại các quy trình tuân thủ. Ví dụ: SAF-T (Tệp kiểm tra tiêu chuẩn cho thuế), một tệp đính kèm với tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, ngày càng được cơ quan thuế ở nhiều quốc gia áp dụng như một cách cho phép họ tự động thực hiện phân tích dữ liệu nâng cao về thuế của tổ chức.

Kiểm toán

Chức năng kiểm toán thực hiện các hoạt động để thông báo cho người dùng về mức độ tuân thủ các chuẩn mực và Luật Kế toán hiện hành, mức độ đáng tin cậy và hợp của thông tin kế toán. Tiến bộ công nghệ kỹ thuật số phá vỡ chức năng kiểm toán theo các cách chính sau: Phá vỡ dữ liệu có sẵn cho kiểm toán viên bằng cách cho phép truy cập tốt hơn vào dữ liệu hiện có và dữ liệu mới; Các công cụ tự động hóa bằng robot có thể được sử dụng để tự động hóa các nhiệm vụ kiểm tra định kỳ của kiểm toán viên; Làm thay đổi vai trò kiểm toán, quy trình cũng như cách thức mà kiểm toán viên thực hiện; Mở rộng công việc của kiểm toán bằng cách yêu cầu kiểm toán viên phải kiểm toán các công cụ công nghệ kỹ thuật số mới; Bằng cách tận dụng thời gian do công nghệ kỹ thuật số giải phóng, kiểm toán viên có thể tập trung vào các nhiệm vụ có giá trị gia tăng cao hơn...

Kết luận

Bài viết đã phân tích sự tác động của công nghệ số đến lĩnh vực kế toán cụ thể như: Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Kế toán thuế và Kiểm toán. Bằng cách tiếp cận với những thay đổi đã, đang và sắp diễn ra đối với ngành nghề, nhóm tác giả cũng mong muốn mang lại cái nhìn tổng quan để các bên liên quan có thể thích ứng kịp thời và không bị lạc hậu trước sự thay đổi của vượt bậc của khoa học kỹ thuật. Và cuối cùng, bài viết cũng mong muốn gợi mở ra một số khám phá mới để các nhà nghiên cứu kế toán có thể tìm hiểu sâu và có tác động tích cực, giúp lĩnh vực kế toán bắt kịp với những thay đổi của công nghệ kỹ thuật vượt bậc.

Tài liệu tham khảo:

  1. Boulton, C. (2019). Data analytics examples: An inside look at 6 success stories. CIO. Retrieved December 17, 2019, from: https://www.cio.com/article/3221621/6-data-analytics-success-stories- an-inside-lhtml .
  2. Cong, Y., Du, H., & Vasarhelyi, M.A. (2018). Technological disruption in accounting and auditing. Journal of Emerging Technologies in Accounting, 15(2), 1–10. https://doi.org/10.2308/jeta-10640.
  3. Finley, K. & Barber, G. (2019). Blockchain: The complete guide. Wired. Retrieved January 22, 2020, from: https://www.wired.com/story/guide-blockchain/.
  4. (2018). Going digital: The future auditor in action. Retrieved August 13, 2020, from: https://www.protiviti.com/US-en/insights/newsletter-bulletin-v7i6-digital-future-auditor.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2024