Ngành Ngân hàng chủ động với tội phạm khủng bố
(Taichinh) - Xác định ngân hàng là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia, đồng thời cũng là lĩnh vực tội phạm rửa tiền, khủng bố thường nhắm đến, do vậy thời gian qua ngành Ngân hàng đã chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa và phòng chống rất tích cực...
Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cũng như tiếp cận những thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới cho các ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro và nguy cơ tội phạm trong lĩnh vực này cũng gia tăng, đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải tăng cường đầu tư, phát triển các giải pháp phòng chống. Trong đó, phòng chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Theo UNODC (Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc), Việt Nam là quốc gia dễ bị lợi dụng để thực hiện hoạt động rửa tiền bậc nhất, do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn, nhưng lại thiếu các quy định chặt chẽ về lưu thông tiền mặt. Vì thế, trong môi trường hội nhập hiện nay, các hoạt động phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố càng phải được các ngân hàng đặt lên hàng đầu.
Nhận thức rõ điều này nên, ngành Ngân hàng đã có rất nhiều quyết tâm và hành động đẩy lui tội phạm này. Điển hình cho việc chủ động trong công tác phòng chống tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố và khủng bố, thời gian qua ngành Ngân hàng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm ngành Ngân hàng với một Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm trưởng Ban - ông Nguyễn Phước Thanh.
"Công tác phòng, chống khủng bố trong ngành Ngân hàng là rất quan trọng, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng nên cần được thường xuyên triển khai thực hiện” nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Phước Thanh cho biết thêm Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm ngành Ngân hàng liên tục đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm đẩy lùi tội phạm lĩnh vực này.
Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm ngành Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng. Bên cạnh việc đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động với những vướng mắc, khó khăn được nêu ra, các chuyên gia cũng đã thống nhất nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Theo đó, bên cạnh việc phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng mà cụ thể là khủng bố ngân hàng cần được triển khai thực hiện thường xuyên, quyết liệt thì còn phải có phương án rõ ràng, khoa học.
Phương án cần phải xác định công tác phòng, chống khủng bố phải lấy phòng ngừa là chính, vô hiệu hóa mọi kế hoạch khủng bố, không để bị động bất ngờ; Bảo đảm đến mức cao nhất an ninh, an toàn về người và tài sản và hoạt động ngân hàng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra; Nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng; Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động khủng bố, tài trợ cho khủng bố; Kịp thời đưa ra phương án xử lý khi có các hành động khủng bố…
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ việc quản lý rủi ro và chuẩn bị áp dụng Basel II. Vì thế, việc tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền là cần thiết cho hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng xây dựng, ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo chuẩn mực quốc tế để đạt hiệu quả cao… Mặt khác, các ngân hàng cần tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là nhân viên có giao dịch trực tiếp với khách hàng
Thực tế, tại các ngân hàng, công tác phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố cũng đã được các đơn vị chủ động cao. Bởi uy tín và tài sản của mỗi ngân hàng nói riêng và hình ảnh, an ninh đất nước nói chung là động lực để các ngân hàng hành động. Nhiều ngân hàng không chỉ triển khai có hiệu quả cao các giải pháp chung của Ngân hàng Nhà nước đưa ra mà còn có giải pháp riêng phù hợp với đặc thù của mình và đồng thời triển khai thực hành các tình huống giả định.
Điển hình như, mới đây VietCapital Bank đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng hiệu quả hoạt động phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Theo đó, Ngân hàng đã hợp tác phát triển giải pháp phòng chống rửa tiền cùng Công ty cổ phần Komtek và FircoSoft, nhằm nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong ngân hàng và tuân thủ quy định của NHNN.
Theo đại diện của VietCapital Bank, thời gian tớiVietCapital Bank sẽ tiếp tục phối hợp với đối tác để lọc danh sách “đen”, bởi với những giao dịch đã được liệt vào danh sách “đen”, Ngân hàng đã phần nào nhận biết để dễ dàng sàng lọc khách hàng, sớm loại trừ được rủi ro. Với các khách hàng mới, Ngân hàng cũng phải tìm hiểu tất cả thông tin vào - ra để kiểm soát rủi ro.
Đồng thời, xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan tại đơn vị. Tiến hành điều tra, xác minh một số đối tượng có giao dịch qua hệ thống ngân hàng nghi tài trợ cho khủng bố; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố...
Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp và những hành động quyết liệt trên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, quan trọng hơn, ngân hàng phải nhận thức rằng, để không bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền, thì ngay bây giờ, ngân hàng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, bởi vấn nạn rửa tiền xuyên quốc gia ngày càng tinh vi.