Ngành ngân hàng đang... thất thu phí dịch vụ

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Để chia sẻ khó khăn với các khách hàng bị thiệt hại do COVID-19, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và đồng ý cho các đơn vị trong hệ thống tiếp tục giảm các loại phí trong giao dịch thanh toán điện tử. Báo cáo tài chính quý II của nhiều nhà băng cho thấy mảng thu từ dịch vụ đang sụt giảm mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lâu nay việc thu phí ngân hàng điện tử luôn khiến cho khách ngần ngại khi lập tài khoản ngân hàng cũng như sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử của các ngân hàng. Bởi, mỗi khách hàng sử dụng tài khoản giao dịch tại ngân hàng hay thẻ ATM đang phải chịu hàng chục loại phí như: phí phát hành thẻ, phí sao kê, phí chuyển tiền, phí rút tiền, phí dịch vụ tin nhắn tự động... Điều này cũng là trở ngại cho quá trình phát triển thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam thời gian qua.

Thất thu khoảng 1.004 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của ACB lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 18% xuống mức 426 tỷ đồng. Với SeABank lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 10% so với cùng kỳ.

Còn TPBank lãi thuần từ dịch vụ giảm 41% trong quý II. Saigonbank ghi nhận lãi từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 16 tỷ đồng, giảm 20%.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo phân tích ngành ngân hàng với nhận định dịch Covid-19 khiến thu nhập dịch vụ của các ngân hàng trong nửa đầu năm tăng chậm, thậm chí thu hẹp.

Trong đó, tăng trưởng thu nhập dịch vụ tại các ngân hàng niêm yết yếu đi đáng kể, khi chỉ đạt 9,9% so với cùng kì (thấp hơn nhiều so với 42,1% trong 6 tháng 2019), với tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động không đổi so với cùng kì, ở mức 10,6%.

Các nguyên nhân chính dự kiến do cầu tín dụng suy yếu trong nửa đầu năm đã có tác động chéo đến các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là phí bảo hiểm, tài trợ thương mại và thu nhập ngoại hối. Cùng với đó, lưu lượng khách hàng giao dịch tại quầy cũng sụt giảm.

Ngoài ra, việc ngân hàng miễn giảm phí dịch vụ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra cũng khiến phí thanh toán ròng giảm tốc.

Theo đó, NHNN đã 2 lần liên tiếp chỉ đạo các ngân hàng giảm phí dịch vụ thanh toán. Ðến nay, đã có 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được áp dụng miễn hoặc giảm phí.

Theo NHNN, ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 vào khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó, lần 1 là 517 tỷ đồng và lần 2 là 487 tỷ đồng).

Doanh thu từ phí dịch vụ sẽ tiếp tục tăng

Tuy phí dịch vụ ngân hàng điện tử đã giảm nhiều, nhưng trên thực tế, các loại chi phí mà người dân đang phải bỏ ra để sử dụng dịch vụ này vẫn không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân còn rất thấp so với mặt bằng của các nước phát triển. Điều này dẫn đến khách hàng có cảm giác bị “tận thu”.

Thực tế, hiện nay các ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng chỉ trong khoảng thời gian cố định từ nay đến cuối năm - thời điểm dịch bệnh đang bùng phát ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.

Vì vậy, sau thời điểm này khách hàng sẽ không còn được hỗ trợ thì dự kiến doanh thu từ phí dịch vụ của các ngân hàng lại tiếp tục tăng và tiếp tục đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận của ngân hàng như những năm trước.

Chẳng hạn, theo số liệu từ FiinGroup, 18 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2019 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 29,3%, trong đó đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận còn đến từ việc tăng thu phí dịch vụ.

Trong đó, nhiều cái tên sở hữu mức tăng 3 chữ số như VietBank (220%); LienVietPostBank (159%); VIB (145%); hay NCB (104%)...

Đặc biệt các ngân hàng có vốn Nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank) là nhóm thu nhiều tiền lãi từ phí dịch vụ nhất, đều trên 4.000 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày việc thu phí khoản thanh toán cũng như quản lý tiền mặt mang về cho các nhà băng này trên 11 tỷ đồng tiền lãi.

Đưa ra nhận định về doanh thu từ phí dịch vụ, VDSC cho rằng mảng dịch vụ của các ngân hàng vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn trong dài hạn.

Theo số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, tổng số lượng thẻ đang lưu hành đến ngày 31/12/2019 là gần 103 triệu thẻ, trong đó có 91,3 triệu thẻ ghi nợ (88,7%), 6,7 triệu thẻ trả trước (6,5%), và 4,9 triệu thẻ tín dụng (4,7%).

Dẫn đầu về thị phần thẻ vẫn là các ngân hàng quốc doanh. Một số ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh phát hành mới, như Agribank, Techcombank, ACB, VPBank, MSB và TPBank.

Bên cạnh đó, xu hướng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo ra xu hướng tăng trưởng giao dịch thanh toán nội địa qua các kênh thẻ, chuyển khoản và nhờ thu cả về số lượng và giá trị giao dịch. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho phí thanh toán và phí thẻ vốn vẫn là hai nguồn đóng góp truyền thống vào phí dịch vụ của các ngân hàng.