Ngành Tài chính cải cách toàn diện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Trần Huyền

Xác định cải cách hành chính là một trong những giải pháp hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung, sự phát triển của Ngành nói riêng, Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng triển khai có hiệu quả công tác này.

Bộ Tài chính chú trọng cải cách hành chính.
Bộ Tài chính chú trọng cải cách hành chính.

Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm soát thủ tục hành chính.

Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả, thực hiện tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Công tác đánh giá tác động thủ tục hành chính cũng được Bộ Tài chính chú trọng triển khai. Luỹ kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/9/2022, Bộ đã thực hiện đánh giá tác động đối với 12 thủ tục hành chính tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cũng thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Luỹ kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/9/2022, Bộ Tài chính đã ban hành 11 Quyết định công bố bãi bỏ 130 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 178 thủ tục hành chính; công bố mới 54 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: hải quan, thuế và tài chính ngân hàng.

Theo đó, tính đến 15/9/2022, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 820 thủ tục hành chính. Trên cơ sở Quyết định công bố thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định.

Triển khai cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính

Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ ổn định và hiệu quả.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 15/9/2022, Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã tiếp nhận 828 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc 05 lĩnh vực (bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học, tài chính ngân hàng và giá), trong đó đã trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 555 hồ sơ và đang giải quyết trong hạn 128 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.

Triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, ngày 29/4/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 917/QĐ-BTC về kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ.

Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 01/6/2022.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Đề án đổi mới việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và Quy chế thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhằm tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, chú trọng phát hiện những sơ hở, bất cập trong thể chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm loại bỏ “cơ chế xin - cho”, “lợi ích nhóm”, thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát quyền lực trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước.