Ngành Tài chính chặn nguy cơ thẩm lậu hàng tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán

Trần Huyền

Vẫn như mọi năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại. Để đấu tranh hiệu quả trong dịp cao điểm này, ngành Tài chính đã lên kế hoạch triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung vào những địa bàn, mặt hàng cụ thể để chặn thẩm lậu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường.

Ngành Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu. Ảnh: internet
Ngành Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu. Ảnh: internet

Triển khai cao điểm đấu tranh, ngăn chặn

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn.

Dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu sẽ đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu như rượu bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ...; các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, động vật hoang dã, sản phẩm làm từ động vật hoang dã... nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết nguyên đán.

Bối cảnh đó đòi hỏi các lực lượng chức năng chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển xã hội; đồng thời để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ Tài chính, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), Văn phòng Bộ Tài chính tăng cường công tác chỉ đạo, quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm đến các đơn vị nghiệp vụ, chủ động tổ chức lực lượng, tập trung nguồn lực, phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đạt hiệu quả cao. Trong đó, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ. 

Quá trình tổ chức triển khai Kế hoạch phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, không gây ùn tắc thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, không làm ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Kiểm soát theo các tuyến, mặt hàng, loại hình cụ thể

Hải quan là một trong những lực lượng nòng cốt trong "cuộc chiến" chống buôn lậu. Do đó, để triển khai hiệu qua cao điểm chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm như: khu vực cửa khẩu (hai bên cánh gà, khu tập kết hàng hóa gần biên giới...), cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh. 

Ngành Hải quan cần tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu, chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa, tập trung trọng tâm, trọng điểm theo các tuyến, mặt hàng, loại hình cụ thể.

Tại một số địa bàn trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước..., cần tăng cường kiểm soát đối với phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sông, đường biển. Đặc biệt là các phương tiện vận tải đường bộ, đường sông có khả năng gia cố các thùng, khoang, hầm hàng, phương tiện vận tải chở hàng nhập khẩu được hệ thống phân luồng xanh qua các cửa khẩu đường bộ hoặc phương tiện chở hàng xuất khẩu sau đó quay về để cất giấu, vận chuyển trái phép hàng cấm (pháo nổ, động vật hoang dã...), hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, hàng không khai báo hải quan. 

Lực lượng hải quan tập trung tăng cường kiểm tra các mặt hàng trọng điểm. Ảnh: internet
Lực lượng hải quan tập trung tăng cường kiểm tra các mặt hàng trọng điểm. Ảnh: internet

Tại địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai..., lực lượng hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát các lô hàng nhập khẩu mặt hàng trọng điểm như bánh kẹo, rau, củ quả, thuốc bắc, gia vị thực phẩm, thực phẩm đông lạnh, gia cầm, quần áo, giày dép. Tại địa bàn Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu..., tập trung kiểm tra, kiểm soát mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, thiết bị vệ sinh, vật tư y tế, điện tử, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ, rượu bia, sữa, bánh kẹo. Tại địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, tập trung tuần tra, kiểm soát mặt hàng động, thực vật hoang dã, lợn, trâu, bò, gia cầm. Tại một số địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, tập trung tuần tra, kiểm soát mặt hàng như thuốc lá, đường ăn, lúa gạo, vàng, tiền tệ... 

Đối với địa bàn các tỉnh, thành phố có cảng hàng không dân dụng quốc tế như TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa..., cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, hành lý của phi công, tiếp viên, thợ máy, hàng hóa xuất nhập khẩu qua tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế. Trong đó, tập trung các mặt hàng như ma túy, vũ khí và các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán như thực phẩm, hoa quả, rượu, thuốc lá, vàng, ngoại tệ, tôm hùm giống phục vụ nuôi trồng hải sản... 

Ngành Hải quan cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động trung chuyển, quá cảnh, gửi kho ngoại quan đối với các loại hàng hóa như thực phẩm, hàng điện tử, hàng tiêu dùng, rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng... xuất đi Trung Quốc, Lào và Campuchia. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu vào nội địa tại các địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Tây Ninh, Bình Phước, Long An... 

Ngoài ra, cần chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Thanh tra Tài chính....) và các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và chính quyền địa phương kịp thời chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh chuyên án, bắt giữ đối tượng và hàng hoá vi phạm, đặc biệt là trong đấu tranh các chuyên án về ma tuý.

Cùng với lực lượng hải quan, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, dư địa thu lớn (như xăng dầu, điện lực, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, dược phẩm, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, kinh doanh chế tác vàng, đá quý...), các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn, rủi ro về hoàn thuế...

Ngành Thuế cần tăng cường quản lý thuế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực cửa khẩu, biên giới, vùng biển có diễn biến phức tạp, hộ cá nhân kinh doanh tại các khu vực chợ đầu mối của các thành phố lớn để ngăn chặn sử dụng hoá đơn hợp thức hoá hàng nhập lậu. Đặc biệt là đối với các tỉnh, địa bàn trọng điểm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh. 

Công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và trên các nền tảng số đối với tổ chức, cá nhân cũng cần được đẩy mạnh; áp dụng các biện pháp quản lý về hóa đơn nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế. Đồng thời, tăng cường quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng tiêu dùng để chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, kịp thời phát hiện và cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, trong đó lưu ý công tác quản lý thuế đối với các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp... 

Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán, ngành Tài chính còn tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động quần chúng nhân dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.