Ngành Tài chính góp sức cải thiện môi trường kinh doanh
(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Bộ Tài chính đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ góp phần nâng các chỉ số cạnh tranh chính của Việt Nam đặc biệt là chỉ số thương mại qua biên giới và chỉ số nộp thuế ngang bằng mức trung bình của 6 nước ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Brunei, Singapore).
Tất yếu cải thiện môi trường kinh doanh
Thời gian qua, Việt Nam đã có những cải cách quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, nền kinh tế đang bộc lộ nhiều hạn chế và đứng trước nhiều thách thức; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, ở mức trung bình thấp so với các nước ASEAN và chậm được cải thiện.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do những hạn chế của môi trường kinh doanh và để khắc phục thực trạng đó, ngày 18/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và được tiếp cận theo hướng giảm chi phí, rủi ro, tăng độ an toàn và minh bạch đối với hoạt động kinh doanh.
Khẳng định vai trò của công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, tại hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam do Viện Nghiện cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức vào ngày 31/7, ông Olin McGill, Chuyên gia Quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh của dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) đã nhấn mạnh: “Đây là cuộc cải cách tiết kiệm được rất rất nhiều tiền.” Theo đó, khoản tiết kiệm này sẽ được các doanh nghiệp đầu tư thuê thêm nhân công và nếu dành để đào tạo những lao động còn thiếu kỹ năng thì tác động rất tích cực đến nền kinh tế.
Để thực hiện được công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, một trong những việc cấp bách phải làm hiện nay của Việt Nam là giảm bớt thời gian tiến hành thủ tục hành chính. Ông McGill cũng chia sẻ, trong thực tế, nếu Việt Nam giảm được thời gian làm thủ tục hành chính tương đương những nước thuộc Top 10 thì tổng kim ngạch thương mại sẽ tăng tới 50%.
Giảm thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống còn 171 giờNhằm giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục hành chính cũng như góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam theo Nghị quyết 19, ngành Tài chính đang nỗ lực giảm thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống 171 giờ ngay trong năm 2015.
Về phía Bộ Tài chính, đây là thách thức không nhỏ của ngành bởi mục tiêu 171 giờ trong năm 2015 là sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Không những thế, số giờ trên lại bao gồm cả thuế và bảo hiểm xã hội trong khi 2 cơ quan này là 2 cơ quan khác nhau.
Do vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, để giải quyết thách thức này thì cần phải hệ thống các giải pháp đồng bộ, lâu dài mang tính chiến lược. Quan trọng là phải có cách tiếp cận về các giải pháp, phải chuyển từ phát triển theo chiều rộng, số lượng, trên cơ sở đầu tư xã hội 38 -39% GDP sang phát triển về chất lượng, đầu tư xã hội ở mức chấp nhận được là 30-32% GDP.
Bộ Tài chính đang tập trung sửa đổi một số thông tư để giảm bớt thời gian làm thủ tục. Đồng thời, về thuế, Bộ Tài chính đang sửa 11 nội dung với 6 biểu mẫu, 6 nhóm tờ khai; sửa đổi quy định cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ kê khai thuế theo quý.
Bên cạnh đó, từ năm 2014-2016, Bộ Tài chính sẽ thực hiện một Dự án với 4 mục tiêu cần triển khai. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế và quy trình hành chính thuế theo tiêu chuẩn quốc tế, Tổng cục Thuế xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý trong quản lý rủi ro về thuế để có chế độ khai thuế, kiểm tra thuế phù hợp, chẳng hạn doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhóm doanh nghiệp yếu thế thì cần được ưu tiên, nhóm doanh nghiệp rủi ro cao cần dồn lực lượng vào quản lý chặt chẽ. Đồng thời, tiến hành nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện cơ chế tính giờ, chi phí khai nộp thuế; hàng năm phải đánh giá chấm điểm, không phải trong cơ quan Thuế mà do doanh nghiệp chấm.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Tuấn cũng lưu ý, việc cải cách chính sách cũng phải tính đến vấn đề phải đảm bảo tính bền vững trước thời điểm hội nhập sau năm 2015, bởi đến lúc đó, nhiều nước lại tiếp tục thay đổi, cải cách với những tiêu chuẩn mới (cao hơn) thì Việt Nam càng phải nỗ lực cải cách để cải thiện môi trường cạnh tranh.
Thêm vào đó, việc cải cách thủ tục hành chính không chỉ ở các cơ quan chức năng mà phải từ chính người thực hiện là doanh nghiệp, đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ quan quản lý và đối tượng bị quản lý. Có như vậy thì mới có thể đạt mục tiêu đã đề ra.