Ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách 9 tháng đầu năm

PV.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại buổi Họp báo thường kỳ về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách quý III và kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách quý IV/2017 tổ chức chiều ngày 11/10/2017, tại trụ sở Bộ Tài chính.

Toàn cảnh buổi Họp báo.
Toàn cảnh buổi Họp báo.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2017 đạt khá

Thông tin tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2017, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thực hiện thu cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 77 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 9 tháng đạt 843 nghìn tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán năm, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 đạt 70,3% dự toán năm, tăng 4,5%). Trong đó, thu nội địa thực hiện thu tháng 9 ước đạt 57,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 9 tháng đạt 663,7 nghìn tỷ đồng, bằng 67% dự toán năm, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016; riêng thu nội địa trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại và tiền bán bớt cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, ước đạt 519,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,4% dự toán năm, tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2016.

Thu ngân sách từ dầu thô tháng 9 ước đạt 3,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 9 tháng đạt 34 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 9 ước đạt 22 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 9 tháng đạt 214 nghìn tỷ đồng, bằng 75,1% dự toán năm, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ gần 71,4 nghìn tỷ đồng, thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 142,6 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán năm, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán năm và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính có 43/63 địa phương thu đạt trên 72% dự toán năm và 58/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016, 5 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 111 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 9 tháng đạt 904,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán năm, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chi đầu tư phát triển thực hiện tháng 9 ước đạt 29,57 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 9 tháng đạt 166,6 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán năm, tăng 4,1% cùng kỳ năm 2016. Riêng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN ước đạt 53,1% dự toán năm (cùng kỳ năm 2016 đạt 56% dự toán); vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đến nay chỉ đạt khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 7% dự toán năm.

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, về công tác cải cách thủ tục, hiện đại hóa hành chính trong lĩnh vực tài chính ngân sách 9 tháng đầu năm 2017 cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Về cải cách thủ tục hành chính thuế, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về thể chế, chính sách nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện TTHC thuế và đáp ứng thông lệ quốc tế. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt xây dựng Nghị định về hóa đơn điện tử. Công tác ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa hành chính Thuế được tăng cường và đẩy mạnh. 

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực Hải quan, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện việc mã hóa chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để đồng bộ thông tin giấy phép từ Cổng thông tin một cửa quốc gia sang hệ thống VNACCS/VCIS, đảm bảo thực hiện đầy đủ yêu cầu quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Tính đến tháng 9/2017 đã thực hiện rà soát và tổng hợp thành bộ TTHC liên quan đến hoạt động này gồm 231 TTHC. Đang triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp 9 tháng đầu năm cũng đã có những bước tiến quan trọng, số lượng doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa lũy kế 09 tháng đầu năm 2017, đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636  tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng.

Tại buổi Họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã giải đáp nhiều nội dung quan trọng đang được dư luận và báo chí quan tâm như: vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, cơ sở tính thuế Giá trị gia tăng...

Triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong những tháng cuối năm 2017, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về đầu tư tài chính ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ; Đánh giá thực hiện NSNN năm 2017, dự toán NSNN năm 2018 và phương án phân bổ NSTW năm 2018, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2018-2020; Tổ chức điều hành NSTW bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt và thực tế phát sinh.

Hai là, tập trung thực hiện đề án chống thất thu lĩnh vực ngoài quốc doanh, hộ khoán theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017; Phối hợp với Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp; Tổ chức đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản phải thu theo biên bản kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào ngân sách nhà nước; Tập trung lực lượng và siết chặt quản lý việc thu hồi nợ đọng thuế, đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo chỉ tiêu đã giao; Xây dựng đề án thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN đối với một số lĩnh vực trọng tâm, rủi ro cao về thuế là chuyển giá, tài nguyên khoáng sản, bất động sản, chuyển nhượng vốn, tài sản, doanh nghiệp có hoạt động liên kết, doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá...;

Ba là, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 đã được phê duyệt; Tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 sát với định hướng, yêu cầu quản lý của ngành. Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện chưa triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2017 theo Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ.

Năm là, tổ chức phát hành TPCP theo kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Điều hành ngân quỹ đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi tiêu của NSNN. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn KBNN địa phương thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN, công tác hướng dẫn khoá sổ quyết toán năm 2017. Xây dựng phương án điều hành ngân quỹ nhà nước năm 2018 và quý I/2018.