Ngành Tài chính phòng ngừa tham nhũng từ cải cách, hiện đại hóa
Để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực một cách triệt để, ngành Tài chính đã quyết liệt triển khai cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, không ngừng hiện đại hóa trong quản lý.
Cải cách toàn diện thủ tục hành chính
Bộ Tài chính xác định cải cách hành chính là một trong những giải pháp trọng tâm hàng đầu, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển của Ngành trong năm 2024 cũng như phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. Theo đó, trong quý I/2024, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngay từ đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 bám sát 07 nội dung của công tác cải cách hành chính và đề ra 65 nhóm nhiệm vụ với 146 sản phẩm/hoạt động đầu ra cụ thể. Trong quý I/2024, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 96/146 nhiệm vụ theo Kế hoạch, trong đó, đã hoàn thành 17 nhiệm vụ, triển khai 63 nhiệm vụ thường xuyên có hiệu quả và đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 16 nhiệm vụ theo kế hoạch.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện gắn với việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Từ đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.
Chỉ riêng quý I/2024, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 06 quyết định công bố bãi bỏ 40 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 26 thủ tục hành chính; công bố mới 12 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý. Đến ngày 14/3/2024, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 765 thủ tục hành chính.
Hiện đại hóa lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân, doanh nghiệp
Để phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả, Bộ Tài chính luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan mật thiết đến người dân, doanh nghiệp như: thuế, hải quan, kho bạc.
Trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được ngành Tài chính triển khai tại 100% Cục Thuế và Chi cục Thuế. Tính đến ngày 14/3/2024, có 919.904 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 917.447 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,94%; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là 3.608.704 hồ sơ. Số tài khoản dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân đã đăng ký là 2.771.282 tài khoản.
Cơ quan thuế đã phối hợp với 57 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Tính đến ngày 14/3/2024, đã có 99,09% số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế; 98,48% số doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 1.410.866 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 220.570 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đã có 398.887 giao dịch nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy trên cả nước qua hình thức ibanking và mobile banking chiếm 36.60% trên tổng số giao dịch. Cơ quan thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 63 tỉnh, thành phố. Từ khi triển khai đến ngày 14/3/2024, tổng số hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là khoảng 7,11 tỷ hóa đơn...
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với hơn 69,5 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Cùng với Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để trao đổi chính thức tờ khai Hải quan ASEAN theo kế hoạch.
Để thuận tiện trong khâu thông quan, Bộ Tài chính tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cùng với thuế, hải quan, lĩnh vực kho bạc cũng được Bộ Tài chính chú trọng hiện đại hóa. Đến nay, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách đối với nhà cung cấp nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu.
Có thể nói, cải cách, hiện đại hóa đang được Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, mang lại hiệu quả thiết thực, được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao. Theo công bố mới nhất của Bộ Nội vụ về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2023), Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 về chỉ số PAR Index với kết quả đạt 89,18%. Đây là năm thứ 10 liên tiếp (2014-2023), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index. Công tác này đã góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, giúp các hoạt động quản lý, điều hành tài chính - ngân sách ngày càng công khai, minh bạch.